Con người là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng, đầu tư vào con người có ý nghĩa sống còn đối với sự thành công của ngân hàng. Chất lượng dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ ngân hàng điện tử nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ cán bộ. Do đó, công tác bồi dưỡng cán bộ, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ nghiệp vụ cần được thực hiện thường xuyên. Việc kinh doanh dịch vụ ngân hàng điện tử gặp nhiều rủi ro, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có khả năng nghiên cứu, phân tích, dự báo, quản lý và phòng ngừa rủi ro để đảm bảo hoạt động kinh doanh phát triển một cách thuận lợi.
Để có được những khả năng đó, bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm theo thời gian, bản thân các nhà quản trị cần phải tích cực học hỏi, tự nghiên cứu để trang bị thêm cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Vietcombank Quảng Ninh có thể tổ chức đào tạo riêng biệt dành cho cán bộ quản lý với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng trong và ngoài nước.
Trong quá trình đào tạo, Ngân hàng có thể tiến hành đưa cán bộ có năng lực khảo sát thực tế ở các nước tiên tiến triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử để học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật chuyên môn; cũng cần hỗ trợ, tạo điều kiện, đầu tư cho nhân viên tham gia các khóa học dài hạn tại nước ngoài hoặc những khóa học nhằm nâng cao trình độ lên thạc sĩ, tiến sĩ, tham gia các khóa học chuyên ngành…
Phát triển quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chú trọng phát triển lực lượng cán bộ chuyên sâu, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia phần mềm và bảo mật. Vietcombank Quảng Ninh phải có chính sách thu hút lao động giỏi,
chuyên môn cao; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để luôn cập nhật các công nghệ mới, nắm bắt và làm chủ được hệ thống công nghệ của dịch vụ.
Đồng thời, cần xây dựng một đội ngũ nhân viên có tác phong làm việc chuyên nghiệp, thái độ tận tình với khách hàng. Thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo về nghiệp vụ để bổ sung kiến thức về dịch vụ ngân hàng điện tử, phổ biến các dịch vụ mới áp dụng trong nước và trên thế giới, đồng thời tập huấn đội ngũ cán bộ mới về quy trình nghiệp vụ. Ngoài những kiến thức nghiệp vụ cần thiết để có thể giải đáp, tư vấn cho khách hàng một cách thông suốt, nhân viên cũng cần được đào tạo những kỹ năng cần thiết khác, như kỹ năng giao tiếp khách hàng, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng đàm phán… để chất lượng phục vụ khách hàng được tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Những nhân viên có kiến thức chuyên môn và có kỹ năng tốt sẽ giúp ngân hàng giữ chân được khách hàng truyền thống và phát triển thêm nhiều khách hàng mới.
Bên cạnh đó, xây dựng quy trình tuyển dụng cán bộ đảm bảo yêu cầu chất lượng, mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ có năng lực, sắp xếp công việc theo trình độ lao động. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm nghiệp vụ ngân hàng điện tử, cập nhật các sản phẩm dịch vụ mới và hiện đại, đồng thời, khuyến khích tinh thần tự học của cán bộ. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về ngoại ngữ, tin học, chuyên môn nghiệp vụ. Định kỳ hàng năm, Ngân hàng tổ chức các đợt thi tay nghề, nghiệp vụ, kiểm tra trình độ cán bộ từ đó có kế hoạch phân loại đào tạo hoặc luân chuyển sang vị trí khác phù hợp. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn, qua đó tạo điều kiện cho các cán bộ nghiệp vụ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đưa ra các tình huống khó khăn trong công việc để cùng giải quyết, rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, về cơ chế tiền lương và khen thưởng, Chi nhánh cần có cơ chế khuyến khích các tập thể và cá nhân hoàn thành tốt công tác kinh doanh đối ngoại. Ban hành các quy định khen thưởng cụ thể đối với các đơn vị thực hiện tốt công tác kinh doanh cho ngân hàng. Xây dựng cơ chế tiền lương, khen thưởng hợp lý, nhằm khuyến khích nhân viên. Hiện nay, mặc dù Ngân hàng bước đầu đã có cơ chế trả lương theo năng lực, tuy nhiên, các tiêu chí về tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng cần phải được quy định rõ ràng,
công khai, minh bạch, để thực sự thu hút được những chuyên gia giỏi cũng như giữ chân những nhân viên tâm huyết, có khả năng.