Các nhân tố ảnh hưởng tới quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng tạ

Một phần của tài liệu NGHIÊM THANH LY-1906020252-QTKD26 (Trang 59 - 63)

tại Ngân hàng thương mại.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, bất kỳ hoạt động kinh doanh nào đều gắn liền với rủi ro. Đặc biệt trong loại hình kinh doanh đặc trưng như ngân hàng, các rủi ro phát sinh mang tính chất phức tạp và đa dạng, xuất phát từ nhiều lý do như: đối tượng khách hàng, sự truyền tải thông tin, sự cố ý gian lận, sự gián đoạn công nghệ, …. Vì vậy bản chất quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng chính là luôn đảm bảo được nguyên tắc làm hài hòa giữa mức độ rủi ro và thu nhập. Quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng của ngân hàng cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng của ngân hàng phải nằm trong khung chiến lược quản trị rủi ro chung của ngân hàng trong từng thời kỳ, tại mọi thời điểm phải được nhận dạng, đo lường, kiểm soát và giám sát các rủi ro đó. Để thực hiện được nguyên tắc quản trị rủi ro trên, cần phải nắm được các nhân tố ảnh hưởng tới công tác quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng, cụ thể như sau:

Môi trường văn hóa xã hội: Mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ khác nhau thì sẽ có những giá trị văn hóa và yếu tố xã hội đặc trưng riêng. Những yếu tố này phản ánh thông qua mức thu nhập bình quân, học thức, quan điểm về lối sống, về thẩm mỹ,…hay được khái quát chung gọi là đặc thù tiêu dùng. Quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng cần xem xét đến yếu tố này vì nó tác động đến định vị sản phẩm/dịch

vụ của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, cũng chính là tác động đến hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng của ngân hàng.

Môi trường chính trị và pháp luật: sự bất ổn về chính trị hay sự thay đổi về thể chế, luật pháp đều có thể đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của bất kỳ ngành nghề nào. Các hoạt động trong chuỗi cung ứng bị chi phối bởi luật pháp của nước mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang hoạt động. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và việc tài trợ chuỗi cung ứng của ngân hàng nói riêng cũng phải tuân thủ các thể chế chuyên biệt, đặt dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Các quy chế đặc trưng phải kể đến như: quy chế thành lập ngân hàng và cấp giấy phép hoạt động kinh doanh, quy chế về bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh, quy chế về chính sách tiền tệ, quy chế về tín dụng, …. Các quy chế này ràng buộc lẫn nhau, càng đòi hỏi công tác thiết lập quy trình quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng là hết sức cần thiết.

Môi trường kinh tế: Hoạt động kinh doanh của ngân hàng có tầm ảnh hưởng khá lớn tới nền kinh tế của quốc gia. Vì vậy hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải được kiểm soát theo các quy chế riêng đặc thù nhất định để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của quốc gia. Đối với doanh nghiệp, việc dựa vào môi trường kinh tế để đưa đến quyết định về kinh doanh, hay các chiến lược về đầu tư. Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế như: miễn giảm thuế, tỷ lệ mức gia tăng GDP, tỷ lệ thất nghiệp,.. Ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi môi trường kinh tế như: lạm phát, lãi suất, tỷ giá,.. Vì vậy quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng phải dựa trên tính chất tác động của môi trường kinh tế tới hành vi, hoạt động của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Môi trường công nghệ thông tin: Hệ thống công nghệ đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị rủi ro của ngân hàng trong hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Hệ thống công nghệ càng phát triển giúp nâng cao hiệu suất lao động của quy trình vận hành ngân hàng, giảm thiểu các rủi ro phát sinh chủ quan từ con người hay do sự khác biệt về trình độ. Các công cụ thực sự quan trọng trong hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng của ngân hàng bao gồm: công cụ giám sát dòng tiền, hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống quản lý các khoản tín dụng và ngoại bảng,… Hệ thống

công nghệ thông tin được đầu tư bài bản và phù hợp với hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng sẽ giúp kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro trong công tác quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng. Cùng nhịp với xu hướng phát triển của các ngân hàng trên thế giới, các ngân hàng Việt Nam đã và đang chạy đua đầu tư cho ngân hàng số, thậm chí coi đó là sự sống còn, bởi đây là xu hướng phát triển tất yếu chứ không chỉ là trào lưu. Theo Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà Nước, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking là 200% và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Thống kê của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) cho thấy, tính đến hết tháng 5 năm 2020 Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300.000 tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động là những con số rất có ý nghĩa, nhưng so với quy mô của nền kinh tế thì lượng giao dịch như vậy là nhỏ. Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế nhưng lại là chất xúc tác để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động xã hội trên không gian số. Đây chính là cơ hội để ngân hàng áp dụng giải pháp công nghệ đẩy mạnh các giao dịch online, tạo cơ hội cho lĩnh vực thanh toán điện tử và sử dụng dịch vụ ngân hàng số, tiến tới một nền kinh tế không dùng tiền mặt. Đối với việc ngân hàng tài trợ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp cũng phải tính đến các tác động của xu hướng 4.0, đặc biệt là khi ngân hàng tài trợ cho nhóm người tiêu dùng cuối cùng trong chuỗi cung ứng.

Năng lực của doanh nghiệp cốt lõi trong chuỗi cung ứng: Doanh nghiệp cốt lõi là mắt xích trung tâm trong chuỗi cung ứng. Vì vậy ngân hàng chỉ có thể triển khai tài trợ chuỗi cung ứng với điều kiện tiên quyết là có được sự hợp tác liên kết với doanh nghiệp cốt lõi. Để thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng doanh nghiệp thì trước hết ngân hàng phải nắm được đặc điểm của chuỗi cung ứng và có được sự hợp tác của doanh nghiệp cốt lõi. Những đặc trưng của chuỗi cung ứng được nhận định thông qua nguồn tài nguyên thông tin do doanh nghiệp cốt lõi cung cấp như: số lượng khách hàng phân phối, số lượng khách hàng cung cấp, doanh

số giao dịch, phương thức thanh toán, địa bàn hoạt động, thời gian tối đa doanh nghiệp cốt lõi cho phép đối tác trả chậm hoặc thời gian tối đa doanh nghiệp cốt lõi phải trả nhà cung ứng,… Đặc trưng của chuỗi cung ứng còn được thể hiện thông qua tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp cốt lõi đối với các đối tác cung ứng như: mức độ điều phối nguồn nguyên liệu cung cấp, sự tăng giảm của hàng tồn kho, sự bảo đảm của doanh nghiệp cốt lõi thông qua uy tín và cam kết,… Dựa trên tầm ảnh hưởng tới hoạt động của chuỗi cung ứng, sự hỗ trợ của Doanh nghiệp cốt lõi đối với ngân hàng trong việc quản trị rủi ro trong giai đoạn sau tài trợ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng là thật sự quan trọng và thiết yếu.

Năng lực của khách hàng: Khách hàng hay đối tượng tài trợ của Ngân hàng trong chuỗi cung ứng. Việc Ngân hàng đưa ra các giải pháp tài chính có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không phụ thuộc vào hiệu suất sử dụng của khách hàng. Các công cụ quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng phần lớn dựa vào việc đánh giá các thông tin tài chính và phi tài chính của khách hàng như: công cụ xếp hạng tín nhiệm khách hàng, công cụ cảnh báo sớm, công cụ quản lý dòng tiền thanh toán trong chuỗi cung ứng,… Đối với giải pháp cấp tín dụng cho khách hàng, các ngân hàng cũng quan tâm tới đánh giá về uy tín tín dụng của khách hàng trên thị trường, về năng lực và kinh nghiệm của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Vì vậy nhân tố từ phía khách hàng đặc biệt quan trọng và là then chốt trong quản trị rủi ro tài trợ chuỗi cung ứng của ngân hàng.

Nhân tố từ một mắt xích khác trong chuỗi cung ứng mà ngân hàng tham gia tài trợ: Đối với các chuỗi cung ứng khép kín hoặc không khép kín, mỗi một đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng đều có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các đối tượng khác, vì vậy tạo nên tầm ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ do ảnh hưởng của thời tiết tiêu cực, người nông dân không cung cấp đủ số lượng và chất lượng tôm cho thương lái. Người nông dân bị thiệt hại về doanh thu, thương lái không cung cấp đủ sản phẩm cho nhà xuất khẩu, đồng thời nhà cung cấp thức ăn nuôi tôm cũng không thể thu hồi vốn đã cung ứng cho nông dân. Vì khan hiếm nguồn tôm, Nhà xuất khẩu buộc phải huy động từ các nguồn khác với giá cao hơn hoặc chấp nhận đàm phán điều chỉnh hợp đồng với nhà nhập khẩu, từ đó gây mất uy tín của nhà xuất khẩu. Vì vậy, việc

quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng không chỉ đánh giá đơn lẻ khách hàng và doanh nghiệp cốt lõi, mà còn phải có đánh giá tổng quát về cả chuỗi cung ứng và các nhân tố khác trong chuỗi cung ứng.

Nội bộ con người trong ngân hàng: Năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm chuyên môn, sự nhiệt tình và hiểu biết khách hàng, đạo đức nghề nghiệp là những yếu tố ảnh hưởng tới công tác quản trị rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng. Thông thường khi triển khai tài trợ các chuỗi cung ứng, Ngân hàng sẽ thành lập các tổ dự án chuyên biệt, trong đó nhấn mạnh lựa chọn các nhân sự dựa trên các yếu tố về kinh nghiệm chuyên môn và sự hiểu biết khách hàng. Sự nhiệt tình và đạo đức nghề nghiệp là hai yếu tố cơ bản đối với tất cả các nghiệp vụ trong ngân hàng. Những yếu tố chủ quan và khách quan phát sinh từ con người trong ngân hàng sẽ tác động vào quá trình quản trị rủi ro khi sự thiết lập khung phòng vệ rủi ro dựa trên nguyên tắc các chốt kiểm soát.

Quy trình nội bộ ngân hàng: Quy trình nội bộ càng được xây dựng chặt chẽ trong đó gắn kết được chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận và cá nhân trong quy trình thì công tác quản trị rủi ro càng hiệu quả. Đối với hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng, cần phải xây dựng được tổng quan quy mô tài trợ về tổng vốn hay phạm vi tài trợ, liệt kê chi tiết các sản phẩm sẽ tài trợ, tiêu thức đánh giá nhà tài trợ, mức độ liên kết với nhà tài trợ phù hợp với từng loại hình chuỗi cung ứng, phương thức tài trợ cho khách hàng, tỉ lệ tài trợ có tài sản bảo đảm,… Quy trình nội bộ và văn bản chính sách càng chi tiết rõ ràng sẽ giảm thiểu các rủi ro phát sinh, đồng thời các hướng dẫn trình tự khi xử lý các rủi ro phát sinh cũng sẽ giảm thiểu được mức độ ảnh hưởng của các rủi ro đó.

Một phần của tài liệu NGHIÊM THANH LY-1906020252-QTKD26 (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(138 trang)
w