Nhiệm vụ của bước này là phải định lượng được xác suất mà một rủi ro cụ thể có thể xảy ra và tổn thất mà nó gây ra cho ngân hàng. Đo lường rủi ro chính xác và kịp thời là rất cần thiết cho hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả. Nếu không có một hệ thống đo lường rủi ro hữu hiệu, ngân hàng không thể kiểm soát hoặc giám sát mức
độ rủi ro của mình. Ngân hàng nên kiểm tra định kỳ các công cụ đo lường rủi ro để chắc chắn về độ tin cậy của chúng.
Các chỉ số để đo lường rủi ro thường phân thành 3 loại:
- Đo lường độ nhạy cảm (sensitivity): đo lường độ lệch của biến mục tiêu khi một biến thị trường thay đổi một đơn vị. Các chỉ số về độ nhạy cảm thường liên quan đến rủi ro thị trường. Khe hở lãi suất là sự nhạy cảm của chênh lệch lãi suất (margin) trong danh mục đầu tư của ngân hàng đối với sự chuyển dịch của đường cong lãi suất. - Đo lường sự biến động (volatility): đo lường sự biến thiên xung quanh giá trị trung bình của biến mục tiêu, cả biến động lên và xuống. Chỉ số về sự biến động đo lường độ phân tán và bất ổn định của các tham số ngẫu nhiên hay của biến mục tiêu. - Đo lường tổn thất (downside measure): chỉ tập trung vào những độ lệch mang tính bất lợi. Nó đo lường tình trạng xấu nhất của biến mục tiêu, ví dụ như tổn thất về lợi nhuận, giá trị thị trường… VaR là một công cụ đo lường tổn thất như vậy. Đo lường tổn thất là công cụ đo lường đánh giá tổn thất toàn diện nhất, đã tính đến sự nhạy cảm và biến động trong các tác động tiêu cực.