Nhìn chung, công tác quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh trái phiếu tại TCB trong giai đoạn từ 2018 – 2020 đã đạt được một số kết quả đáng kể như sau:
Một là, Techcombank đã thiết lập hệ thống QTRR trong đó xác định rõ vai trò quản trị và thực thi quản trị rủi ro. Cụ thể:
+ Hội đồng quản trị là cơ quan cấp cao nhất có trách nhiệm quản trị rủi ro, Hội đồng quản trị thực hiện phân quyền để đảm bảo công tác QTRR được thực thi trên toàn hệ thống ngân hàng thông qua việt thiết lập phê duyệt và định kỳ rà soát các quy định/ chính sách quản trị rủi ro. Đồng thời Hội đồng quản trị có vai trò giám sát việc tổ chức thực hiện của Ban điều hành nhằm đảm bảo sự kết nối thông suốt rõ ràng trong công tác QTRR cho toàn bộ các hoạt động của TCB nói chung và hoạt động kinh doanh trái phiếu nói riêng.
+ Ban điều hành có trách nhiệm thực hiện các quy định quản trị rủi ro đã được phê duyệt, thông qua việc xây dựng định hướng, quy trình nhận diện, đo lường, kiểm soát và quản lý rủi ro trong khuôn khổ khẩu vị rủi ro đã được phê duyệt.
Hai là, Techcombank thực hiện quản trị rủi ro toàn diện thông qua ba tuyến phòng thủ, để đảm bảo rằng tất cả rủi ro trong các nghiệp vụ đều phải áp dụng những chốt kiểm soát và biện pháp giảm thiểu rủi ro trước khi triển khai áp dụng. Đối với hoạt động kinh doanh trái phiếu, cần phải qua bước xem xét của cán bộ giao dịch trực tiếp, thẩm định trước đầu tư (trường hợp đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần thêm bước tái thẩm định), kiểm soát sau đầu tư, kiểm toán nội bộ. Techcombank xây dựng các trụ cột, nền tảng bao gồm công cụ mô hình, thông tin và dữ liệu, hệ thống vận hành, nguồn nhân lực, tài sản bảo đảm nhằm hỗ trợ cho công tác quản trị rủi ro theo đúng định hướng và chiến lược của ngân hàng.
Ba là, hệ thống văn bản nội bộ về các quy định QTRR tại Techcombank nhìn chung khá đầy đủ. Các văn bản nội bộ của Techcombank đưa ra các tiêu chí tối thiểu bao gồm: các chỉ tiêu giúp TCB đạt được mục tiêu chiến lược, tiêu chí lựa chọn khách
hàng, nhóm mục đích, cấu trúc tín dụng, nguồn trả nợ. TCB có các quy trình, quy định phê duyệt hạn mức cấp cho kinh doanh trái phiếu cũng như điều chỉnh, gia hạn, rà soát các khoản đầu tư trái phiếu hiện hành. Do vậy TCB có thể thiết lập và quản lý tổng thể các giới hạn đảm bảo an toàn ở cấp độ từng khách hàng/ nhóm khách hàng, hay theo danh mục.
Bốn là, hiểu rằng ngân hàng chỉ kiểm soát được rủi ro khi thực hiện đánh giá và đo lường được rủi ro, Techcombank xây dựng hệ thống đo lường và kiểm soát rủi ro. Để đánh giá đúng mức độ chịu đựng rủi ro, thì việc đo lường rủi ro phải thể hiện được tổng giá trị chịu đựng rủi ro theo loại hình rủi ro cũng như theo loại hình kinh doanh. Bất kỳ khuôn khổ đo lường rủi ro nào, đặc biệt là những khuôn khổ áp dụng mô hình định lượng cũng chỉ có giá trị khi có được những giả định xác đáng, phương pháp phân tích đủ mạnh, dữ liệu đầu vào được kiểm soát và áp dụng đúng phương pháp. Techcombank đang trong quá trình xây dựng và kiểm thử mô hình đánh giá ECL, ước tính tổn thất do danh mục trái phiếu nắm giữ theo chuẩn IFRS, Basel II. Mô hình thực hiện tính toán tự động theo các giá trị đầu vào được kiểm soát bởi bộ phận độc lập khác, đảm bảo dữ liệu được chính xác, áp dụng cho các hoạt động được ghi nhận trên cả nội bảng và ngoại bảng trên các Báo cáo, Bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, Techcombank đánh giá thường xuyên về xếp hạng khách hàng cũng như cơ cấu và chất lượng của danh mục trái phiếu để nhận diện sớm các rủi ro, chủ động rà soát, xây dựng các kịch bản và phương án kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh trái phiếu. Ngân hàng cũng tăng cường công tác tự kiểm tra phát hiện sai sót, có biện pháp sửa chữa kịp thời, từng bước nâng cao chất lượng nghiệp vụ và khả năng điều hành của các bộ phận liên quan đối với hoạt động kinh doanh trái phiếu.
Năm là, cùng với việc tăng tổng tài sản ngân hàng, và tỷ lệ nợ xấu từ hoạt động kinh doanh trái phiếu có xu hướng giảm, quy mô kinh doanh trái phiếu thực hiện cũng không biến động nhiểu trong giai đoạn 2018 - 2020, công tác quản trị rủi ro ngày càng phát huy vai trò trong việc quản lý nguồn vốn khả dụng và tính thanh khoản của toàn hệ thống được an toàn và hiệu quả. Hoạt động kinh doanh trái phiếu có lãi, tình hình thu nhập từ hoạt động kinh doanh trái phiếu tăng dần qua các năm, đồng thời tỷ lệ nợ quá hạn thấp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Trong danh mục
trái phiếu nẵm giữ của TCB vẫn theo xu hướng tập trung vào các loại trái phiếu với thời hạn nắm giữ > 12 tháng là chủ yếu, điều này phần nào chứng tỏ TCB có khả năng dự đoán và năng lực quản lý tính thanh khoản tốt.
Về cơ bản hầu hết TCB đã có đầy đủ những điều kiện cơ bản cần thiết nhằm thực hiện quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh trái phiếu trong chiến lược hoạt động và phát triển của mình. Cụ thể:
+ Thị trường trái phiếu Việt Nam đã có một quá trình hình thành, phát triển trong suốt hơn 10 năm qua song song với thị trường cổ phiếu niêm yết. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu Chính phủ nói riêng đã có những phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh quan trọng trong việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, và hỗ trợ hoạt động kinh doanh trái phiếu của hệ thống NHTM. Hiện tại danh mục trái phiếu của Techcombank thì TPCP chiếm tỷ trọng vừa phải, cân bằng được giữa hiệu quả kinh doanh và hiệu quả quản trị rủi ro do danh mục TPCP thường có độ rủi ro thấp, gần như không gây ra tổn thất đối với ngân hàng.
+ Khung pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu liên tục được ban hành, chỉnh sửa hoàn thiện theo thông lệ thị trường quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường. Đồng thời, trong thời gian qua các cơ quan chức năng cũng thực hiện ban hành nhiều văn bản pháp quy quy định cụ thể đối với hoạt động này của NHTM. Có thể nói với hệ thống pháp lý hiện hành, với cách tổ chức gắn kết chặt chẽ thị trường sơ cấp với thứ cấp, hệ thống trái phiếu ngắn hạn với dài hạn, cùng cơ chế đấu thầu, niêm yết, giao dịch, lưu ký, thanh toán được kết nối hoàn toàn, thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu Chính phủ nói riêng không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả cho các NHTM cũng như cho TCB. Nhờ những yếu tố rõ ràng và minh bạch như vậy mà việc kinh doanh trái phiếu của TCB được đảm bảo, hạn chế được một phần nào rủi ro. Năm 2025, với định hướng, mục tiêu và giải pháp cụ thể, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam là hoàn thiện và phát triển thị trường TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương trên cơ sở gắn kết giữa thị trường chào bán sơ cấp
và thị trường giao dịch thứ cấp. Đây cũng là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động kinh doanh trái phiếu tại các ngân hàng thương mại nói chung và TCB nói riêng.
+ Hiện tại việc kinh doanh trái phiếu của TCB có tỷ lệ nợ quá hạn tương đối thấp và giảm mạnh qua các năm, đây cũng là một tín hiệu vui vì nợ quá hạn là một chỉ tiêu cơ bản để phản ánh rủi ro đầu tư mà các NHTM luôn phải đối mặt và chất lượng hoạt động kinh doanh trái phiếu của NHTM. Như vậy chứng tỏ định hướng kinh doanh trái phiếu của TCB đang đi đúng hướng.
+ TCB luôn đám bảo được tính thanh khoản trong hệ thống, vì qua phân tích số liệu ở trên, cho chúng ta thấy số dư huy động vốn luôn lớn hơn số dư tín dụng.
+ Chất lượng kinh doanh trái phiếu nói riêng và tình hình hoạt động kinh doanh nói chung ở Techcombank trong giai đoạn 2018 – 2020 luôn đạt hiệu quả, và đảm bảo được chỉ số tối thiểu yêu cầu, ví dụ: chất lượng tín dụng thể hiện qua chỉ số nợ quá hạn, nợ xấu; chất lượng kinh doanh trái phiếu thể hiện qua tỷ số sinh lợi, hoặc nợ quá hạn....
+ Techcombank đã từng bước tập trung hiện đại hóa công nghệ ngân hàng nhằm đáp ứng cơ bản những yêu cầu của cơ quan quản lý trong việc hình thành và thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trái phiếu. Từ đó hạn chế được những rủi ro hoạt động phát sinh từ công việc vận hành thủ công (nhầm lẫn, gian lận...).
+ Đội ngũ cán bộ kinh doanh trái phiếu và cán bộ quản trị rủi ro của Techcombank được đào tạo về chuyên môn để đảm nhiệm được việc tiến hành các hoạt động kinh doanh trái phiếu cũng như việc kiểm soát các rủi ro khi thực hiện kinh doanh. Đối với một số nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh trái phiếu như tham gia giao dịch tại HNX – Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (đấu thầu, giao dịch đặt lệnh trên hệ thống chuyên biệt v.v.) các cán bộ được yêu cầu phải tham gia đào tạo và có chứng chỉ hành nghề hoặc phải được cấp user (đối với hoạt động OMO – giao dịch trên thị trường mở).