ngân hàng thương mại
1.1.4.1. Mục đích
- Hỗ trợ nguồn thanh khoản và đảm bảo thanh toán:
Trong quá trình hoạt động, có những thời điểm khó khăn trong thanh khoản ngắn hạn, việc huy động vốn từ cá nhân, tổ chức và các ngân hàng khác không dễ dàng, thì kênh huy động vốn từ việc tham gia nghiệp vụ OMO (thị trường mở), cầm cố thế chấp trái phiếu vay vốn với NHNN, hoặc thực hiện vay vốn các tổ chức khác có đảm bảo bằng trái phiếu, hoặc bán hẳn trái phiếu trên thị trường thứ cấp được các NHTM áp dụng phổ biến. Bên cạnh đó, NHTM cũng có thể cầm cố trái phiếu tại NHNN để thiết lập hạn mức thấu chi tài khoản hoặc đảm bảo cho việc thanh toán tập trung một tài khoản tại NHNN trong thời gian ngắn nhất.
- Tìm kiếm lợi nhuận:
So với hoạt động tín dụng, hoạt động kinh doanh trái phiếu có quy mô và tỷ trọng nhỏ hơn song cũng có ý nghĩa rất quan trọng về mặt thu nhập và tạo điều kiện cho các ngân hàng thâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động này nhằm tạo cân bằng về thu nhập cho ngân hàng trong chu kỳ kinh doanh. Khi thu nhập từ các khoản tín dụng giảm xuống thì thu nhập trái phiếu có thể bù đắp lại. Việc kinh doanh trái phiếu sẽ đem lại cho ngân hàng thu nhập từ việc hưởng lãi trái phiếu (Coupon), chênh lệch giá mua và giá bán trái phiếu v.v. Bên cạnh đó, NHTM có thể sử dụng nguồn vốn vay từ NHNN thông qua nghiệp vụ thị trường mở, cầm cố chiết khấu trái phiếu với lãi suất thấp để cho vay lại các tổ chức khác với lãi suất cao hơn. Hơn nữa, hoạt động này cũng giúp giảm nhẹ mức độ tác động của thuế tới hoạt động ngân hàng, đặc biệt là bù đắp cho các khoản thu nhập từ cho vay bị đánh thuế.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh:
Hoạt động kinh doanh trái phiếu cũng góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh của ngân hàng, bên cạnh các nghiệp vụ truyền thống và cổ điển như tín dụng, góp vốn liên doanh liên kết v.v. Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh giúp NHTM phân chia rủi ro trong hoạt động cho vay, đầu tư, đa dạng hóa lợi nhuận từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp tạo nên sự mềm dẻo trong việc quản lý danh mục tài sản của ngân hàng bởi vì không giống như phần lớn danh mục cho vay, rất nhiều loại trái phiếu có thể được mua hoặc bán nhanh chóng để cấu trúc lại danh mục tài sản.
- Tạo sự đa dạng về mặt địa lý:
Trái phiếu thường xuất phát từ nhiều khu vực khác nhau hơn so với các khoản tín dụng của ngân hàng, điều này cho phép NHTM đa dạng hóa đầu tư và lợi nhuận của nó trên phương diện địa lý một cách có hiệu quả hơn.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu ngân hàng:
Hiện nay một trong những chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của NHTM là hệ số CAR. Đây là tỷ lệ giữa vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có rủi ro chuyển đổi. Theo
chuẩn quốc tế thì CAR tối thiểu phải đạt 9%. Trên cơ sở đó, hoạt động kinh doanh trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu có mức độ rủi ro thấp như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN cũng góp phần làm tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của NHTM (hệ số CAR) trên cơ sở giảm tổng tài sản có rủi ro chuyển đổi, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu của ngân hàng.
- Là công cụ thực hiện chính sách quản lý tài sản của NHTM:
Trái phiếu được kinh doanh sẽ nằm trong danh mục tài sản sinh lời của NHTM. Khi hoạt động mua – bán trái phiếu diễn ra nó sẽ tác động lên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, nó làm thay đổi cấu trúc của danh mục tài sản. Do đó, hoạt động này cũng được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện chính sách quản lý tài sản của NHTM.
1.1.4.2. Đặc điểm
Một là, nguồn vốn được NHTM sử dụng để thực hiện hoạt động kinh doanh trái phiếu của mình chủ yếu là nguồn vốn huy động từ tổ chức, dân cư và nền kinh tế. Mặt khác, xét về mặt thứ tự ưu tiên, ngân hàng thường sử dụng nguồn vốn huy động vào các mục đích như đảm bảo dự trữ theo quy định; đảm bảo dự phòng cho các nhu cầu thanh khoản (trong đó có việc nắm giữ các trái phiếu ngắn hạn có tính thanh khoản cao); đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế và cuối cùng là thực hiện kinh doanh trái phiếu và các loại hình đầu tư kinh doanh khác để tìm kiếm lợi nhuận và đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh của ngân hàng.
Vì vậy, quy mô, chiến lược thực hiện, phương thức thực hiện kinh doanh trái phiếu phải nằm trong kế hoạch cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn của ngân hàng tại từng thời điểm hoặc trong một khoảng thời gian dài. Chẳng hạn như trong các đợt suy thoái hoặc các giai đoạn nền kinh tế chậm phát triển khi mà hoạt động tín dụng không tăng trưởng, hầu hết các ngân hàng sẽ tăng cường hoạt động kinh doanh trái phiếu.
Ngược lại, trong giai đoạn phát triển của nền kinh tế, khi nhu cầu vay vốn của nền kinh tế tăng, các NHTM thường có xu hướng tập trung tăng trưởng tín dụng và giảm các hoạt động đầu tư kinh doanh khác, trong đó bao gồm cả trái phiếu.
Hai là, tính linh hoạt và chủ động trong hoạt động kinh doanh trái phiếu: So với
danh mục tín dụng, khả năng linh hoạt trong điều chỉnh danh mục kinh doanh trái phiếu là tốt hơn, bởi trái phiếu có khả năng mua bán một cách nhanh chóng nên có thể dễ dàng hơn trước yêu cầu cấu trúc lại danh mục tài sản của ngân hàng.
Ba là, tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao: được thể hiện ở đội ngũ cán
bộ thực hiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ phục vụ, quy trình nghiệp vụ, cách phân định chức năng nhiệm vụ cho phòng ban liên quan đến hoạt động kinh doanh trái phiếu.