Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua quản lý Nhà nước về hoạt động ngân hàng trong các tháng đầu năm 2019 cho thấy hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn rủi ro, khi một số ngân hàng có số dư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. Đặc biệt, số dư kinh doanh trái phiếu và trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Hình 1.1: Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 – Quý 2/2020
(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2020)
Từ năm 2019 đến nay, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ mạnh mẽ, nhiều nhà băng đã cử nhân sự chuyên tư vấn, môi giới trái phiếu. Nhân sự này là cầu nối với công ty chứng khoán, có thể là công ty chứng khoán mà ngân hàng có liên quan (có vốn sở hữu), hoặc không; hoặc với các tổ chức khác trong khuôn khổ quy định được phép cung cấp dịch vụ đấu thầu, tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu để kết nối là “đại lý” trái phiếu.
Hình 1.2: Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2020
(Nguồn: Sàn chứng khoán Hà Nội, SSI tổng hợp, 2020)
Có không ít người gửi tiền tiết kiệm khi đến ngân hàng, băn khoăn về mức lãi suất ngày càng giảm, đã được các nhân viên ngân hàng lập tức điều hướng tư vấn sang mua trái phiếu với lãi suất cao hơn nhiều tiền gửi tiết kiệm.
Sở hữu hệ thống mạng lưới hoạt động rộng lớn, các ngân hàng đã và đang có nhiều lợi thế trong chào bán trái phiếu. Ngoài ra, các công ty chứng khoán top đầu như SSI hay VNDirect cũng không bỏ qua “miếng bánh” hấp dẫn này…
Nếu là trái phiếu chào bán ra công chúng, thông thường, trái chủ được tiếp cận các thông tin doanh nghiệp khá đầy đủ. Tuy nhiên, với trái phiếu chào bán riêng lẻ, “trà trộn” vào các gói sản phẩm ngân hàng và công ty chứng khoán cùng bán, có nhiều doanh nghiệp không hoàn toàn khấm khá. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng đây là trường hợp mà bên bán đẩy người mua vào thế “nắm dao đằng lưỡi”.
Một chuyên gia nhận định, khi nhóm ngân hàng và bất động sản liên tục thay nhau dẫn đầu vị trí số 1 trên thị trường trái phiếu từ năm 2019 đến nay, có thể thấy sân chơi trái phiếu đang tồn tại hiện tượng: những doanh nghiệp nào “thiếu chuẩn” vay tín dụng ngân hàng, thì sẽ dồn sức vay qua trái phiếu. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn đẩy rủi ro cho trái chủ khi họ tham gia phát hành trái phiếu mà không có tài sản đảm bảo.
Với việc mua trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, thì trái chủ đối mặt nhiều rủi ro, vì họ gần như không nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp; nguồn vốn huy động được sử dụng ra sao, hiệu quả như thế nào.
Trái phiếu có thể tạo ra một dòng thu nhập cho các trái chủ, và đôi khi trái phiếu cũng có thể giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể của danh mục đầu tư. Tuy nhiên kinh doanh trái phiếu cũng mang lại không ít ảnh hưởng tới thu nhập, dòng tiền, ảnh hưởng tới uy tín của các trái chủ.
Trong trường hợp công ty bị giải thể thì tài sản của công ty phải được ưu tiên thanh toán cho những người đang nắm giữ trái phiếu đầu tiên vì bản chất của trái phiếu là chứng khoán nợ. Sau khi thanh toán hết cho trái chủ thì các cổ đông mới được chia phần.
Mặc dù nói đầu tư trái phiếu an toàn và ít rủi ro hơn những hình thức kinh doanh khác, tuy nhiên trái chủ cần phải có đầu óc kinh doanh, tính toán để hạn chế thấp nhất khả năng gặp rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp nào đó.