Giản dị và cao cả

Một phần của tài liệu Hình tượng bác hồ trong chương trình tiếng việt ở tiểu học (Trang 51 - 55)

7. Cấu trúc của khóa luận

2.1.2. Giản dị và cao cả

Bác là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Bác là biểu tượng ngời sáng của sự kết tinh giữa trí tuệ uyên bác và phẩm chất cao đẹp đúng như nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết:

“Bác là non nước trời mây, Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn.

Còn cao hơn đỉnh Trường Sơn, Nghìn năm chung đúc tâm hồn ông cha.

Điệu lục bát, khúc dân ca, Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam".

(Việt Nam có Bác – Lê Anh Xuân)

Dù là lãnh đạo cả một đất nước, công lao của Bác còn dài rộng hơn cả núi sông nhưng khi tiếp xúc với nhân dân, cử chỉ, lời nói của Người vẫn hết sức mộc mạc, dân dã. Ngay cả khi đứng trên lễ đài đọc Bản tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, người cũng dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Hiếm có vị lãnh tụ nào lại có nếp nghĩ, cách nói giản dị như thế!

Có thể thấy, giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Bác. Điều đó đã được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể của người, và có sức thuyết phục to lớn mà không một bài giảng về đạo đức nào có tác dụng giáo dục sâu sắc bằng.

Bác Hồ giản dị trong đời sống, trong cách ăn, cách ở và cả trong mối quan hệ với mọi người. Cả trong cách viết hay lời nói, người cũng hết sức giản dị và điềm đạm. Qua những chứng cứ cụ thể và nhận xét sâu sắc, thắm đượm tình cảm chân thành người đọc thấy được ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp.

Thông qua hai vở kịch “Người công dân số Một”, Hà Văn Cầu và Vũ Đình Phòng đã giúp chúng ta hiểu thêm về Bác. Ngay từ khi còn trẻ Bác đã luôn băn khoăn, day dứt làm sao để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Mặc dù không có bất cứ tài sản gì trong tay nhưng vì lòng thương xót đồng

bào, không muốn nhìn thấy nhân dân mình chịu cảnh áp bức bóc lột mà Bác vẫn quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước cho dù biết trước chặng đường đó sẽ vô cùng khó khăn, gian khổ.

Với một sự nghiệp chính trị lay trời chuyển đất, thế mà đời sống của Người lại vô cùng giản dị và khiêm tốn. Dù lúc còn trẻ tuổi hay khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch và tuyệt đẹp.

Trước hết là ở trong đời sống, Bác Hồ sống cuộc đời giản dị hiếm có. Đức tính giản dị thể hiện ngay trong bữa cơm, đồ dùng, ngôi nhà, lối sống. Bác ăn uống hết sức đạm bạc. Mỗi bữa chỉ vài ba món quen thuộc như cá kho, rau luộc, cà muối. Đặc biệt, Người rất thích ăn cà muối. Có lẽ, đó là thói quen và cũng là một cách để nghĩ về quê hương xứ Nghệ với món cà muối nổi tiếng. Khi ăn, Người không bao giờ để rơi vãi hạt cơm nào bởi Người luôn có ý thức quý trọng sức lao động của người nông dân. Ăn xong, cái bát lúc nào cũng sạch sẽ, thức ăn còn lại được sắp xếp tươm tất.

Nơi ở của Bác là ngôi nhà sàn vẻn vẹn chỉ có vài ba gian phòng. Bao quanh là khu vườn với đủ loại cây trồng mà Người đã tự tay trồng lấy. Trong lúc tâm hồn Bác lộng gió thời đại thì căn nhà nhỏ ấy cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao.

Đồ dùng của Bác cũng chẳng có gì nhiều. Không bao giờ người xa hoa, lãng phí mua sắm những thứ không cần thiết hoặc chưa cần dùng tới. Ngoài cái va-li với vài bộ quần áo, đôi dép cao su, một vài món đồ kỉ niệm, gia sản của Bác không có gì thêm nữa. Dù đã là một Chủ tịch nước điều kiện vật chất đủ đầy nhưng Bác vẫn luôn sống giản dị như vậy.

Tất cả những điều này đã được thể hiện rất rõ qua bài thơ:

“Anh dắt em vào cõi Bác xưa Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa Có hồ nước lặng sôi tăm cá

Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa.

Có rào râm bụt đỏ hoa quê Như cổng nhà xưa Bác trở về Có bốn mùa rau tươi tốt lá

Như những ngày cháo bẹ măng tre...

Nhà gác đơn sơ, một góc vườn Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn.”

(Thăm nhà Bác – Tố Hữu)

Trong đời sống của mình, việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp. Cho nên, quanh Bác cũng chẳng có nhiều người phục vụ. Bác cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như thế nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khác khổ theo lối nhà tu hành khổ hạnh hay kiểu nhà hiền triết ẩn đạt. Bác luôn đứng giữ cuộc đời, tận lực vì đất nước.

Đời sống Bác giản dị, thậm chí là khắc khổ bởi vì Người sống sôi nổi, tinh thần phong phú. Tất cả vì cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Khi cả dân tộc lầm than đói khổ, Người không cho phép mình lãng phí bất kì một tài sản nào của nhân dân, cũng không một mình mà tận hưởng sự sung sướng. Mặc khác, đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với những giá trị tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất.

“Bác Hồ rất chăm rèn luyện thân thể. Hồi ở chiến khu Việt Bắc, sáng nào Bác cũng dậy sớm luyện tập. Bác tập chạy ở bờ suối. Bác còn tập leo núi. Bác chọn những ngọn núi cao nhất trong vùng để leo lên với đôi bàn chân không. Có đồng chí nhắc :

- Bác nên đi giày cho khỏi đau chân.

Sau giờ tập, Bác tắm nước lạnh để luyện chịu đựng với giá rét.”

(Bác Hồ rèn luyện thân thể - Theo tập sách Đầu nguồn)

Không chỉ vậy Bác còn rất chăm rèn luyện thân thể, tập thể dục. Trong suốt thời gian hoạt động Cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời, dù trong điều kiện thời gian, hoàn cảnh nào, Người cũng luôn chú ý đến việc rèn luyện sức khỏe để hoạt động cách mạng lâu dài.

Bác Hồ còn giản dị trong cả cách viết, cách nói, cách đối xử với mọi người. Khi viết, Bác luôn hướng đến đối tượng người đọc, với lời lẽ chân thành, dễ hiểu nhất. Mục đích là làm sao cho đông đảo quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được. Lời Bác nói lúc nào cũng nhẹ nhàng, đầm ấm.

Chưa bao giờ ta thấy Bác nặng lời chỉ trích một ai. Ai có lỗi thì Bác phê bình, nhắc nhở. Ai có công, Bác khen ngợi, trọng thưởng. Với người lớn tuổi, Bác lễ phép, kính trọng. Với trẻ em, nhi đồng, Bác mến yêu, giáo dục. Với anh em đồng chí, Bác khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe. Trong công việc, lúc nào Bác cũng kiên trì, quyết liệt. Bởi thế mà, nhân cách và đức độ của Người đã trở thành niềm cảm phục, chiếm lĩnh hàng triệu trái tim người Việt Nam từ trước đến giờ.

Trong bài “Bảo vệ như thế là rất tốt”, Bác không hề trách phạt anh chiến sĩ vì đã không nhận ra Bác mà trái lại Bác còn khen anh đã làm rất tốt trách nhiệm của mình.

Không những người Việt Nam ta dành cho Bác những lời khen ngợi và tình cảm mến yêu to lớn mà cả anh em đồng chí quốc tế cũng kinh ngạc và cảm phục về cuộc đời và lối sống của Người.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ mãi mãi là một niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đời ấy cao đẹp không những nó vĩ đại mà còn bởi nó rất khiêm nhường và giản dị đến kinh ngạc. Lối sống và nhân cách, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là ngọn đèn sáng bất diệt soi hướng cho dân tộc Việt Nam bước đến tương lai.

Một phần của tài liệu Hình tượng bác hồ trong chương trình tiếng việt ở tiểu học (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)