6. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Cấu trúc tâm lý của hành vi đạo đức
Về mặt cấu trúc, hành vi đạo đức được cấu thành bởi các yếu tố sau:
Một là, ý thức đạo đức, tri thức đạo đức. niềm tin đạo đức.
Ý thức đạo đức là khả năng hiểu biết của con người về những chuẩn mực đạo đức đồng thời tự giác thực hiện những chuẩn mực đạo đức đó theo sự thúc đẩy bởi những động cơ bên trong. Ý thức đạo đức thường được biểu hiện ở tri thức đạo đức và niềm tin đạo đức.
Tri thức đạo đức là sự hiểu biết của con người về những chuẩn mực đạo đức quy định hành vi của họ trong mối quan hệ xã hội với người khác và với cộng đồng. Nhờ tri thức đạo đức mà con người phân biệt được tốt, xấu, đúng, sai, biết nên hay không nên làm gì.
Niềm tin đạo đức là sự tin tưởng một cách sâu sắc và vững chắc của cá nhân vào tính chính nghĩa và tính chân lý của các chuẩn mực đạo đức cũng như sự thừa nhận tính tất yếu phải tôn trọng triệt để các chuẩn mực ấy. Niềm
tin đạo đức là cơ sở để hình thành và thể hiện những phẩm chất ý chí đạo đức, tạo thành động lực bên trong mạnh mẽ thúc đẩy hành động của con người.
Hai là, động cơ và tình cảm đạo đức.
Động cơ đạo đức là nguyên nhân bên trong được con người ý thức và trở thành động lực chính làm cơ sở cho những hành động của con người trong mối quan hệ giữa người này với người khác và với xã hội, biến hành động của con người thành hành vi đạo đức. Động cơ đạo đức bao hàm cả ý nghĩa về mặt mục đích và nguyên nhân của hành động. Động cơ với tư cách là nguyên nhân sẽ trở thành động lực tâm lý nội tại, phát động mọi sức mạnh tinh thần và vật chất của con người, thúc đẩy con người hành động theo tri thức và niềm tin đã có. Động cơ với tư cách là mục đích sẽ quy định chiều hướng tâm lý của hành động cũng như thái độ của cá nhân đối với hành động của mình.
Tình cảm đạo đức là những rung cảm của cá nhân đối với hành vi của người khác và của bản thân trong quá trình quan hệ giữa cá nhân với người khác và với xã hội. Đây là một loại tình cảm cấp cao của con người, là nhân tố bên trong của hành vi đạo đức, nó khơi dậy nhu cầu đạo đức và thúc đẩy con người hành động một cách có đạo đức.
Ba là, ý chí đạo đức, nghị lực và thói quen đạo đức.
Ý chí đạo đức là ý chí của con người để hướng vào việc tạo ra giá trị đạo đức.
Một hành vi đạo đức chỉ có thể thực sự xảy ra khi có sức mạnh của thiện chí, và thường được gọi là nghị lực.
Nghị lực là năng lực tuân theo ý thức của con người. Nếu không có nghị lực, con người sẽ không vượt qua giới hạn của động vật và khi đó, hành động của con người sẽ bị chi phối bởi nhu cầu của bản thân. Khi có nghị lực, những nhu cầu, nguyện vọng, ham muốn của cá nhân phải phục tùng ý thức đạo đức, giúp con người vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ mà cá nhân đã đặt ra và nhiệm vụ xã hội giao cho trong cuộc sống hàng ngày.
Thói quen đạo đức là những hành vi đạo đức ổn định của con người, nó trở thành nhu cầu đạo đức của người đó. Cùng với sự trưởng thành, thói quen đạo đức sẽ trở thành một phẩm chất đạo đức, một nét tính cách của con người. Vì vậy, trong hoạt động giáo dục, nhà giáo dục cần tổ chức đời sống và hoạt động của học sinh sao cho hành vi đạo đức của học sinh được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống, có quy luật, theo một phương thức nhất định.
Các yếu tố này có mối quan hệ thống nhất, tác động qua lại, cấu thành nên hành vi đạo đức, trong đó, tri thức đạo đức là điều soi sáng con đường dẫn đến mục đích của hành vi đạo đức.