Những hạn chế trong việc kiểm soát chi NSNN

Một phần của tài liệu Giải Pháp Hoàn Thiện Công Tác Kiểm Soát Chi Ngân Sách Nhà Nướctại Kho Bạc Nhà Nước Cần Thơ (Trang 56 - 61)

Trong thời gian qua, việc kiểm soát chi NSNN ở TP. Cần Thơ có nhiều tiến bộ, tích cực theo định hướng hiệu quả. Song cũng còn rất nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến việc kiểm soát chi NSNN ở TP Cần Thơ chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn. Cần có giải pháp quản lý chi NSNN ở TP Cần Thơ tích cực và hiệu quả hơn, thực hiện mục tiêu đến năm 2010 TP Cần Thơ đạt các chuẩn cơ bản của đô thị loại I (theo nghị quyết của Thành ủy TP Cần Thơ), đồng thời là một trung tâm kinh tế động lực của vùng ĐBSCL (theo nghị quyết của Bộ chính trị).

Từ kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng tình hình quản lý chi NSNN có những bất cập, hạn chế và những vấn đề cần quan tâm hoàn thiện công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN ở TP Cần Thơ hiện nay như sau:

4.2.3.1. Một số hạn chế chung

- Về cán bộ và tổ chức bộ máy:

Với khối lượng và yêu cầu công việc hàng ngày là rất lớn, số lượng cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, chứng từ còn thiếu, nhất là cán bộ kiểm soát vốn đầu tư XDCB. Trong thời gian qua, các cán bộ cũng được đào tạo nhưng chủ yếu là đào tạo về chuyên môn quản lý tài chính, bồi dưỡng về quy trình kiểm soát thanh toán, kiến thức quản lý Nhà nước… Do vậy, chưa đi sâu vào quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kỹ năng kiểm soát khối lượng hoàn thành.

Số cán bộ tiếp nhận, kiểm tra các khoản chi thường xuyên cũng còn hạn chế. Số cán bộ trẻ đang được đào tạo nên chưa có kinh nghiệm nhiều, nghiệp vụ chưa cao. Do đó, Kho bạc cần có chính sách đào tạo nhân lực, tuyển dụng thêm nhân sự đảm bảo đạt được kết quả tốt trong quá trình kiểm soát thanh toán NSNN.

- Về quy trình kiểm soát thanh toán:

Hiện nay, tùy theo từng loại hình thức chi, KBNN áp dụng từng quy trình khác nhau cho mỗi hình thức chi khác nhau. Điều đó gây khó khăn cho các đơn vị trong việc làm hồ sơ, chứng từ để được thanh toán. Thực tế có quá nhiều quy trình, quy định trong kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên

như: quy trình kiểm soát cấp tạm ứng, cấp thanh toán, chi bằng tiền mặt, chi bằng chuyển khoản, thanh toán vốn trong nước, vốn ngoài nước, vốn từ Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương…Thực chất các quy trình nói trên có nội dung cơ bản giống nhau hoặc có quan hệ chặt chẽ với nhau. Do đó KBNN nên hạn chế, thu gọn lại, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong việc thực hiện thanh toán, giao dịch với Kho bạc.

- Về tổ chức kiểm soát thanh toán: Do khối lượng công việc kiểm soát thanh toán thường dồn về thời điểm cuối năm , khối lượng công việc nhiều, gây khó khăn cho việc kiểm soát, nếu sơ suất dễ dẫn đến sai sót xảy ra.

- Về công tác chỉ đạo, điều hành:

Về cơ bản, KBNN Cần Thơ đã thực hiện tốt quy trình kiểm soát thanh toán, hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện tốt theo đúng quy trình. Tuy nhiên còn một số trường hợp như: việc kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ, hồ sơ, kiểm tra còn thiếu sót vài chi tiết nhỏ trong chứng từ, chứng từ còn tẩy xóa, màu mực mờ, …và hạn chế trong việc đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thanh toán, quyết toán, sắp xếp lưu trữ chứng từ hồ sơ. Do vậy cần tăng cường chỉ đạo đảm bảo thực hiện nghiêm túc, thống nhất theo quy định.

- Việc tin học hóa công tác kiểm soát chi:

Công tác kiểm soát chi NSNN là một nghiệp vụ phức tạp, phạm vi quản lý rất rộng, thực hiện kiểm soát nhiều chương trình, dự án với nhiều nguồn vốn khác nhau, mỗi nguồn vốn lại có yêu cầu quản lý khác nhau. Do đó, việc chuẩn hóa các nghiệp vụ và quản lý thống nhất trên mạng máy tính trong phạm vi toàn quốc là vô cùng khó khăn.

- Việc thực hiện cơ chế một cửa:

Việc triển khai cơ chế một cửa đạt nhiều kết quả ban đầu rất tích cực, có thể khẳng định cơ chế một cửa trong ngành Kho bạc tuy còn một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu thực hiện nên không tránh khỏi những khó khăn. Một số khó khăn đó là một số đơn vị vẫn chưa quen thực hiện giao dịch tại quầy giao dịch một cửa. Việc thanh quyết toán các dự án, công trình thường dồn về cuối năm; do vậy đơn vị giao dịch đến quầy giao dịch rất đông, trong khi đó cán bộ trực tiếp chuyên quản phải chờ đợi và nhận hồ sơ từ cán bộ giao dịch một

cửa. Mặt khác, các đơn vị hoạt động trên một số lĩnh vực đôi khi thay đổi người đến giao dịch với kho bạc thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, thanh quyết toán còn hạn chế, do vậy việc hoàn thiện các hồ sơ gởi đến kho bạc phải trả lại nhiều lần để bổ sung, thời gian kéo dài liên quan đến nhiều bộ phận.

4.2.3.2. Đối với công tác chi thường xuyên

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực rất lớn của Ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ KBNN Cần Thơ, về cơ bản đã hoàn thành tốt công tác kiểm soát chi thường xuyên. Chỉ còn một vài trường hợp như chưa kiểm soát đầy đủ nội dung chi của các đơn vị sử dụng ngân sách, một số trường hợp không thống nhất giữa số tiền trên chứng từ được KBNN chấp nhận thanh toán và số tiền cơ quan tài chính duyệt quyết toán…

4.2.3.3. Đối với công tác thanh toán vốn đầu tư

- Tình trạng tập trung thanh toán khối lượng vào cuối năm

Hàng năm vào tháng 6 trước năm kế hoạch, các sở ngành địa phương đã xây dựng kế hoạch cho năm sau. Đến tháng 12 thì các chủ dự án đã được thông báo dạnh mục công trình, số tiền để triển khai trong năm kế hoạch. Việc phân bổ vốn, giao chỉ tiêu như vậy là kịp thời, tạo điều kiện cho các chủ dự án tổ chức triển khai.

Tuy nhiên từ nhiều năm nay, tình hình thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản không đồng nhất. Bình quân trong 9 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân rất thấp, cán bộ thanh toán thiếu việc làm, nhất là từ tháng 2 đến tháng 6, 7. Nhưng từ tháng 10 đến tháng 01 năm sau lại tập trung thanh toán với khối lượng rất lớn, tạo thành áp lực cho kho bạc phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân để đảm bảo theo kế hoạch. Nguyên nhân là do:

- Nhiều dự án, công trình đang ở giai đoạn triển khai như lập hồ sơ dự toán, trình duyệt, mời thầu, đấu thầu v.v… nên không có khối lượng thanh toán, trừ các công trình chuyển tiếp.

- Một mặt các nhà thầu chậm làm thủ tục thanh toán, chủ yếu tập trung cho công tác thi công, lấy khối lượng.

- Do ảnh hưởng ở công tác giải phóng mặt bằng, tuy hội đủ các yếu tố khác

nhưng không đền bù giải toả, tái định cư được nên việc triển khai dự án bị chậm lại.

- Năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. - Quá trình thi công phát sinh khối lượng phải làm thủ tục bổ sung, hoặc thay đổi thiết kế phải trình duyệt làm chậm tiến độ công trình.

- Tình hình trượt giá vật tư, đơn giá nhân công tăng làm tăng dự toán công trình phải lập hồ sơ trình duyệt bổ sung.

Từ đó dẫn đến tình trạng tập trung thanh toán khối lượng trong quý 4 và tháng 1 năm sau tạo nên áp lực lớn cho Kho bạc.

- Sai sót về mặt logic thời gian

Một công trình xây dựng cơ bản bắt đầu từ khâu lập dự án, khảo sát, thiết kế… đến khâu thi công, hoàn thành nghiệm thu, tùy theo công trình lớn hay nhỏ mà thời gian thi công dài hay ngắn. Tuy nhiên có trường hợp nhiều công trình khi mang hồ sơ đến kho bạc thanh toán lại không theo trình tự về mặt thời gian. Một số trường hợp thường gặp như:

- Hợp đồng thi công ký kết trước khi có kết quả trúng thầu. - Điều chỉnh bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công sau khi thi công. - Nghiệm thu trước khi ký kết hợp đồng.

- Thời gian từ khi ký hợp đồng đến khi nghiệm thu quá ngắn, thậm chí có khi chỉ có vài ngày trong khi thời gian thi công phải mất hàng tháng v.v...

Nguyên nhân: một số công trình dù chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng địa phương cho chủ trương yêu cầu đơn vị thi công làm trước để kịp thời gian đưa vào sử dụng, thời gian làm hồ sơ kéo dài.

- Hạn chế ở khâu kiểm tra thực tế hiện trường

Hiện nay công tác kiểm soát thanh toán của Kho bạc chỉ căn cứ ở hồ sơ, trên cơ sở đối chiếu khối lượng, đơn giá nghiệm thu do A-B lập với dự toán được duyệt mà không giữa kiểm tra hồ sơ với kiểm tra thực tế tại hiện trường xây lắp. Thực tế có một số hạng mục, nhất là những phần khuất không thi công hay thi công không đúng thiết kế dự toán được duyệt, nhưng A-B vẫn nghiệm thu đưa vào giá trị đề nghị quyết toán. Một số công trình, hạng mục công trình lại không

thực hiện đúng chủng loại vật tư, vật liệu mà thiết kế dự toán đã phê duyệt, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Hơn nữa, đơn vị thi công kéo dài thời gian thực hiện dự án trong khi “vốn” chờ “công trình” mà rất ít chủ đầu tư xử lý phạt đơn vị thi công do vi phạm hợp đồng hoặc báo cáo với cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.

Việc kiểm tra sau cũng có thể kiểm tra khối lượng thực tế tại hiện trường khi thấy thật cần thiết (nếu trước thời điểm thanh toán chưa kiểm tra); kiểm tra các báo cáo quyết toán công trình hoàn thành hay hạng mục công trình hoàn thành do chủ đầu tư lập. Mặc dù chức năng kiểm tra báo cáo quyết toán dự án hoàn thành hoặc hạng mục công trình hoàn thành thuộc cơ quan tài chính, nhưng về phía KBNN cũng cần có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư lập và trình duyệt báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định, qua đó thực hiện kiểm tra và nhận xét về tình hình chấp hành trình tự quản lý đầu tư và xây dựng, chấp hành định mức, đơn giá xây dựng cơ bản; tổng số vốn đã cấp cho dự án và theo từng năm kế hoạch. Nhận xét của cơ quan KBNN là một trong những căn cứ để cơ quan Tài chính xem xét khi thẩm tra quyết toán dự án hoặc hạng mục công trình hoàn thành.

Qua việc phân tích công tác kiểm soát chi NSNN, ta thấy được những kết quả đạt đươc tương đối tốt nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định cần có biện pháp khắc phục. Để làm rõ vấn đề trên đề tài sẽ trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kiểm soát chi NSNN và tìm ra giải pháp để hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN ngày một tốt hơn.

CHƯƠNG 5

CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT CHI

NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Một phần của tài liệu Giải Pháp Hoàn Thiện Công Tác Kiểm Soát Chi Ngân Sách Nhà Nướctại Kho Bạc Nhà Nước Cần Thơ (Trang 56 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)