Về phía các doanh nghiệp nội địa

Một phần của tài liệu Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Savannakhet, Lào. (Trang 132 - 141)

5.4.1.1. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Tại tỉnh Savannakhet nói riêng và tại Lào nói chung, các doanh nghiệp chịu sức ép rất lớn từ việc cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do đó giải pháp này được thiết lập nhằm mục đích khắc phục hiệu ứng cạnh tranh của FDI, làm hạn chế và thích ứng với tác động lan tỏa tiêu cực của FDI đối với các doanh nghiệp trong nước. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước càng cao thì tác động lan tỏa tiêu cực của FDI càng ít có cơ hội xuất hiện và khả năng hấp thụ các tác động lan tỏa tích cực của các doanh nghiệp trong nước càng cao. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước càng tận dụng và sử dụng có hiệu quả các lợi thế do tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI tạo ra.

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần đảm bảo được nguồn vốn đầy đủ, cần chọn những sản phẩm có thế mạnh, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Doanh nghiệp cần quan tâm đến chiến lược thích ứng hóa sản phẩm nhằm thỏa mãn đến mức cao nhất nhu cầu của thị trường. Trong chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp còn phải tính đến việc phát triển sản phẩm mới, phải xem xét

thái độ của người tiêu dùng đối với sản phẩm để kịp thời đưa ra các giải pháp cần thiết. Doanh nghiệp cần coi trọng chiến lược sản phẩm gắn liền với việc đổi mới sản phẩm, gắn với chiến lược nhãn hiệu và các chiến lược dịch vụ sau bán hàng.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp như chế biến chế tạo, điện tử, máy móc, phương tiện đi lại, các ngành công nghiệp phụ trợ cần tiến hành các hoạt động nâng cấp máy móc, trang thiết bị sẵn có, tăng cường nghiên cứu và thường xuyên cập nhật thông tin về những công nghệ sản xuất mới. Tùy thuộc vào nguồn vốn của mình, có thể tiến hành mua mới hoặc nâng cấp dây chuyền hiện có. Xây dựng kế hoạch đầu tư, đổi mới thiết bị sản xuất một cách chi tiết, đồng bộ để đảm bảo tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp cần từng bước nâng cấp hệ thống nhà xưởng, tổ chức sản xuất, quản lý theo hệ thống tiêu chuẩn, cử các cán bộ tham gia các lớp huấn luyện về hệ thống tiêu chuẩn, có những điều chỉnh hợp lý và phù hợp sau khi được cấp phép để duy trì hệ thống tiêu chuẩn đã xây dựng và đăng ký. Đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu để giữ uy tín với những đối tác trên thị trường quốc tế.

Đối với ngành nông nghiệp như lúa gạo, chè, cà phê, chăn nuôi… ngành chịu tác động tiêu cực từ cạnh tranh theo chiều ngang. Các sản phẩm của họ cần đa dạng hóa hơn nữa, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng các thương hiệu mang tính địa phương cao để tận dụng tính độc đáo của sản vật địa phương nhằm thu hút hơn nữa lượng khách hàng.

Đối với ngành dịch vụ như ngân hàng, khách sạn, du lịch… không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, các dịch vụ cung ứng, đào tạo nhân viên làm việc chuyên nghiệp, năng động tạo cho người dùng những trải nghiệm thoải mái để giữ chân và thu hút khách hàng.

Để cạnh tranh với các mặt hàng của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược phù hợp nhằm hạ giá thành sản phẩm. Để làm được điều đó, cần nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong doanh nghiệp, từ đội ngũ quản lý đến người lao động về mục đích của việc cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khơi dậy khả năng sáng tạo, phát huy trí tuệ của từng cá nhân và tập thể nhằm tối thiểu hóa chi phí sản xuất. Ngoài ra,

từng thành viên trong doanh nghiệp cần tự trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề. Để giảm chi phí nguyên vật liệu doanh nghiệp cần dần dần thay thế nguồn nguyên liệu nhập ngoại bằng nguồn cung cấp trong nước. Việc chủ động tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu ổn định, chất lượng tốt và giá cả phù hợp sẽ giúp các doanh nghiệp đối phó được với những biến động trên thị trường cung nguyên vật liệu trên thế giới một cách nhanh, nhạy, hợp lý. Đầu vào ổn định sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, có thể giảm giá thành, và là một việc cần thiết để nâng năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Mặt khác, cần nâng cao ý thức trong việc mua bán, vận chuyển, bảo quản nhằm giảm thiểu tỷ lệ lãng phí nguyên vật liệu. Để giảm giá thành sản phẩm doanh nghiệp cần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí quản lý, giảm tiêu hao năng lượng điện trong sản xuất, chia sẻ giữa các doanh nghiệp chi phí tiếp thị, chi phí thông tin thị trường. Có chính sách “giữ chân” lao động, ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” Tầm quan trọng của việc ổn định người lao động với việc tận dụng tác động lan tỏa tích cực và hạn chế tác động lan tỏa tiêu cực từ FDI của các doanh nghiệp trong nước là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, không thể xóa bỏ hoàn toàn được tình trạng dịch chuyển nhân lực giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhưng có thể hạn chế được tình trạng này nếu chú trọng về quyền lợi của người lao động như có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, hoàn thiện chế độ phân phối thu nhập, bảo đảm người lao động nhận được tiền lương đúng với kết quả lao động và đúng thời hạn cam kết. Doanh nghiệp bảo đảm cho người lao động các chế độ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các chuyên gia, các cán bộ kỹ sư và công nhân có trình độ tay nghề cao thì cần có những chính sách đãi ngộ nhằm gắn kết họ với doanh nghiệp, nhằm tránh tình trạng chảy máu chất xám.

5.4.1.2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong nước

Sự yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực và khan hiếm về nguồn cung lao động chất lượng cao dẫn đến việc doanh nghiệp khó có khả năng thực hiện các công việc đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, từ đó dẫn đến doanh nghiệp khó đạt được kết quả kinh doanh như mong đợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động R&D. Số lao động trình độ cao tại tỉnh Savannakhet chiếm

tỷ trọng không cao, do vậy nâng cao chất lượng lao động là hướng đi đúng đắn và cần thiết để tỉnh Savannakhet có thể tăng cường được tác động lan tỏa tích cực từ FDI thông qua chuyển giao công nghệ, tri thức, bí quyết kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm, thực hiện R&D.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, doanh nghiệp cần phải:

Xác định rõ nội dung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghê đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài: Nội dung đào tạo cho cần bao gồm cả về kỹ năng kỹ thuật và các kỹ năng mềm trong lĩnh vực quản lý, thiết kế và phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường. Chương trình đào tạo cần hướng tới các nội dung sau:

Đào tạo chuyên môn kỹ thuật: Ở cấp độ chuyên môn, các trung tâm đào tạo có tầm quan trọng qua việc cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo, quản lý năng suất, sử dụng tối ưu các khả năng sẵn có. Bổ sung đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học, rà soát thiết kế chương trình đào tạo sát với thực tế. Cập nhật kiến thức và hướng tới những nội dung đào tạo của những nước có nền kinh tế, ngành công nghiệp và thương mại phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…

Đào tạo chuyên môn quản trị, quản lý: Các kỹ năng chuyên môn cần được phát triển không chỉ các kỹ năng về kỹ thuật mà còn cả về kỹ năng quản trị như: đánh giá quản trị sản xuất, kỹ thuật cải thiện năng suất, marketing, định giá và tính toán chi phí, tiếng Anh chuyên ngành, tổ chức nhà máy, đánh giá tính cạnh tranh, quản lý chiến lược, chuyên gia bán hàng... Đối với cán bộ quản lý các cấp, cả về kinh tế và kỹ thuật, cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ. Có tiêu chuẩn về chức danh quản lý và nghiệp vụ rõ ràng. Những người không bảo đảm yêu cầu, cần phải được đưa ra khỏi các vị trí quản lý. Các doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức tham quan, học hỏi các doanh nghiệp điển hình cùng ngành, các mô hình quản lý tốt của các liên doanh, kể cả mô hình quản lý tốt ở nước ngoài.

Đào tạo nghề: Việc đào tạo nghề góp phần hỗ trợ cho việc tiếp thu các kỹ thuật tiên tiến từ các doanh nghiệp FDI. Do đó, công nhân, lực lượng lao động trực tiếp tạo ra giá trị thặng dư của sản xuất cần được quan tâm để không ngừng nâng cao tay nghề, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Xác định hình thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Kết hợp việc đào tạo dài hạn với đào tạo ngắn hạn, giữa đào tạo chính quy với đào tạo tại chỗ, giữa đào tạo trong nước với việc cử cán bộ ra nước ngoài để đào tạo. Lao động có thể được đào tạo tại nơi làm việc, có thể vừa làm, vừa học do các kỹ sư giỏi kèm cặp trong quá trình làm việc của công nhân. Hình thức này có thời gian đào tạo ngắn, tốn ít chi phí, mà lao động vẫn nâng cao được tay nghề, học hỏi được những kỹ thuật mới. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này là lao động được đào tạo không có tính hệ thống, không cơ bản, số lượng đào tạo ít và chỉ phù hợp khi doanh nghiệp đang cần gấp lao động để đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ trong khi quỹ cho đào tạo hạn chế. Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn do các kỹ sư, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước giảng dạy cho lao động có tay nghề tại các doanh nghiệp để nâng cao trình độ và cập nhật thông tin về công nghệ mới. Gửi đi đào tạo tại các trường chính quy đòi hỏi chi phí lớn, nhưng kiến thức được đào tạo rất hệ thống, tạo điều kiện cho công nhân có tay nghề phát triển trong tương lai. Liên kết với các tổ chức quốc tế để cử cán bộ, học sinh tham gia các khóa đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ bán hàng, đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao... tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

5.4.1.3. Giải pháp về nguồn vốn

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hiệu ứng cạnh tranh. Do vậy để nâng cao tiềm lực của bản thân nhằm giữ vững chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp, không chỉ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, mà còn kể đến cả các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, cần thực hiện các giải pháp về nguồn vốn sao cho hiệu quả.

Tận dụng vốn của các công ty nước ngoài: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải liên kết với các doanh nghiệp FDI để mở rộng các mối liên kết và huy động vốn cho mình.

Các doanh nghiệp cần dự báo, lên kế hoạch huy động vốn một cách chính xác và cụ thể: Sử dụng nhiều hình thức huy động vốn khác nhau như: duy trì mối quan hệ tốt với ngân hàng, đảm bảo giữ uy tín trong các quan hệ tài chính, tranh thủ sử dụng hợp lývốn của khách hàng, huy động vốn nhàn rỗi của cán bộ nhân viên với lãi suất hợp lý...

Nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp: Đây là nguồn vốn rất quan trọng giúp cho doanh nghiệp chủ động trong đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp phải luôn dành một phần vốn nhất định để thường xuyên đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, đồng thời thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ để khi cần có thể chủ động tiến hành đổi mới công nghệ. Phần vốn và quỹ này được lấy từ lợi nhuận của hoạt động sản xuất kinh doanh, từ việc bán, cho thuê tài sản...

Nguồn vốn từ bên ngoài: Huy động nguồn vốn tiềm năng từ dân cư. Nguồn vốn này được huy động bằng cách: phát hành cổ phiếu, trái phiếu để bán thông qua thị trường chứng khoán hoặc trực tiếp cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Đối với các doanh nghiệp nhà nước thì cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, bởi vì với hình thức sở hữu này các doanh nghiệp sẽ có điều kiện huy động và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả hơn.

Liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác trong nước để thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ đòi hỏi vốn lớn, vừa giải quyết được vấn đề thiếu vốn vừa chia sẻ được rủi ro đầu tư đổi mới công nghệ.

Doanh nghiệp phải xây dựng các đề án, chiến lược cụ thể về đổi mới công nghệ để xin hỗ trợ của Nhà nước hoặc được ưu đãi trong vay tín dụng ở ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.

Tiến hành huy động vốn từ các cổ đông và ngân hàng thương mại. Ngoài ra doanh nghiệp có thể tiến hành tìm hiểu và tiếp cận với hình thức thuê tài chính (bên cho thuê tài chính đứng ra mua các loại động sản theo yêu cầu của doanh nghiệp và cho doanh nghiệp thuê lại trong thời gian nhất định theo thỏa thuận).

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự có, vốn khấu hao để lại, vốn phát sinh từ bán hoặc cho thuê các thiết bị không sử dụng, bán giảm giá hàng hoá tồn kho, huy động vốn nhàn rỗi từ cán bộ, công nhân viên, lao động.

Đẩy mạnh quá trình đa dạng hoá sở hữu và tạo sự liên kết về vốn giữa các thành phần kinh tế thông qua cổ phần hoá, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê…

5.4.1.4. Tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, sự chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp cùng ngành cũng như giữa khách hàng FDI đối với nhà cung cấp trong nước, và trong lĩnh vực công nghiệp làm tăng hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước. Và vì vậy các doanh nghiệp này cần nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ, tận dụng tác động lan tỏa công nghệ từ các FDI. Nâng cao trình độ thiết bị công nghệ đi đôi với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là những điều kiện cơ bản để nâng cao khả năng hấp thụ tác động lan tỏa từ FDI của các doanh nghiệp trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước phải chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Đảm bảo tính đồng bộ trong dây chuyền công nghệ: Trong lựa chọn thiết bị, công nghệ phải tính đến tính đồng bộ giữa công nghệ hiện có với công nghệ đầu tư mới hoặc đồng bộ giữa các dây chuyền công nghệ mới được đầu tư mới với nhau. Ngoài ra cần có chính sách đào tạo hợp lý nguồn nhân lực để sử dụng công nghệ đạt hiệu quả cao.

Lựa chọn công nghệ tương đối hiện đại để tránh lạc hậu trong một khoảng thời gian ngắn. Để lựa chọn được công nghệ thích hợp, các doanh nghiệp phải đánh giá công nghệ mới tiếp nhận trên 4 nội dung cơ bản là: năng lực hoạt động của công nghệ, hiệu quả của công nghệ, trình độ kỹ thuật và công nghệ và tác động của công nghệ tới môi trường sinh thái và môi trường văn hóa xã hội của doanh nghiệp. Trên cơ sở xác định mức vốn đầu tư cho công nghệ mới và nguồn vốn huy động để mua, vận hành và quản lý công nghệ mới đó một cách hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Savannakhet, Lào. (Trang 132 - 141)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)