Thái Lan cũng là một quốc gia đi đầu trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2000. Tỷ trọng vốn FDI trong GDP đã tăng lên 50% vào năm 2017, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của ASEAN (trừ Singapore). Do đại dịch COVID-19 và biến động kinh tế sau đó, dòng vốn FDI dự kiến có giảm nhưng vẫn giữ được mức đáng kể (OECD, 2021).
Ngay từ giai đoạn 1959 - 1971, Thái Lan đã thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế thay thế hàng nhập khẩu. Quốc gia này đã có chủ trương giảm dần đầu tư từ Chính phủ, khuyến khích đầu tư tư nhân. Theo đó, năm 1959, Thái Lan đã thành lập Bộ Đầu tư và đến năm 1960 đã ban hành Đạo luật Đầu tư.
Giai đoạn 1972 - 1996, Bộ Đầu tư Thái Lan đã ban hành chính sách thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ bên ngoài với những ưu đãi về đất, việc làm để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu. Từ năm 2005, chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự biến chuyển theo hướng đầu tư chọn lọc với chính sách ưu tiên nhà đầu tư trong nước, hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phi sản xuất và các loại hình dịch vụ tài chính. Thống kê cho thấy, FDI vào Thái Lan đầu tư nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp, sau đó là thương mại, bất động sản, xây dựng… Trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, các doanh nghiệp nước ngoài thường có năng suất cao hơn, tập trung đầu từ vào R&D hơn, trả lương cao hơn và thuê nhiều lao động có kỹ năng và phụ nữ hơn. Mặc dù các chỉ tiêu về kết quả hoạt động này của các doanh nghiệp nước ngoài khẳng định tầm quan trọng của sự đóng góp trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài vào nền kinh tế Thái Lan, nhưng chúng cũng có thể chỉ ra những khoảng trống còn lại về năng lực phù hợp của các doanh nghiệp trong nước, do đó là tiền đề quan trọng của sự lan tỏa tích cực từ FDI.
FDI hỗ trợ sự chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng tích cực hơn. Nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào liên kết cung ứng và mua với các doanh nghiệp nước ngoài ở Thái Lan, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa FDI và kết quả phát triển bền vững có thể một phần là do sự lan tỏa tích cực của FDI đối với các doanh nghiệp trong nước. Trên thực tế, các doanh nghiệp nội địa liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài có năng suất cao hơn so với các doanh nghiệp nội địa không làm như vậy.
FDI cũng hỗ trợ xanh hóa nền kinh tế ở Thái Lan. Như ở hầu hết các Quốc gia Thành viên ASEAN (AMS), FDI tập trung vào các lĩnh vực ít ô nhiễm hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Các công ty nước ngoài trung bình ít sử dụng năng lượng hơn các công ty Thái Lan, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Thái lan đã xác định rõ việc thu hút nguồn vốn FDI để nâng cao hiệu ứng lan tỏa tích cực cần tập trung vào ba lĩnh vực cần ưu tiên là: ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ, Thái Lan chủ trương thu hút FDI vào các ngành thích hợp. Ban đầu, do cơ sở kinh tế ở điểm xuất phát thấp, họ chủ trương sử dụng FDI vào các ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu, như: dệt may, lắp ráp các thiết bị điện và phương tiện giao thông… Cùng với sự phát
triển nhanh chóng của công nghiệp điện tử và một số công nghệ tiên tiến khác, hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư tập trung vào những ngành, như: sản xuất máy vi tính, điện tử, hàng bán dân dụng, công nghiệp lọc dầu và kỹ thuật khai thác mỏ… Để khai thác ưu thế về vị trí địa lý, cũng như khắc phục sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với trình độ phát triển cao của nền kinh tế, thu hút FDI còn hướng vào việc tạo ra một hệ thống các ngành dịch vụ thúc đẩy đầu tư quốc tế.
Về phía nhà nước, chính phủ Thái Lan đã tạo nên một môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng rất chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ cho hoạt động sản xuất. Thủ tục cấp giấy phép đơn giản, thuận tiện. Chú trọng việc phân bổ nguồn lực FDI sao cho cân đối giữa các ngành và các vùng miền. Hỗ trợ các giải pháp vê nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao nguồn lực cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nội địa cũng đã và đang từng bước xây dựng thương hiệu, tập trung nguồn lực, cải tiến sản phẩm để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó việc chú trọng vào nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao trình độ, tay nghề của nguồn lao động cũng là nhiệm vụ mà các doanh nghiệp này chú trọng.