2. Phân tích đánh giá dự án đầu tư
2.1.2.5. Quan điểm phân tích dự án
Dự án là một tập hợp các hoạt động, các bên liên quan phải chịu những chi phí bỏ ra khác nhau và nhận về những lợi ích cũng khác nhau.
Dự án đầu tư cần được phân tích đánh giá trên các góc độ khác nhau , dưới các quan điểm khác nhau. Kết quả của dự án đối với nhà tài trợ vốn (ngân hàng) khác với chủ đầu tư (chủ sở hữu). Mặt khác, một dự án có thể rất tốt đối với chủ đầu tư nhưng có thể lại không tốt đối với toàn bộ nền kinh tế và ngược lại.
* Quan điểm tổng đầu tư.
Theo quan điểm tổng đầu tư (còn gọi là quan điểm của ngân hàng), xem xét một dự án là nhằm đánh giá sự an toàn của số vốn vay mà dự án có thể cần huy động. Do đó, quan điểm tổng đầu tư xem xét tới tổng dòng tiền mặt chi cho dự án (kể cả phần đóng thuế) và tổng dòng tiền mặt thu về (kể cả phần trợ cấp , trợ giá). Từ quan điểm này, các ngân hàng (nhà tài trợ) sẽ xác định được tính khả thi về mặt tài chính của dự án, nhu cầu cần vay vốn của dự án cũng như khả năng trả nợ và lãi vay của dự án.
* Quan điểm chủ sở hữu
Theo quan điểm của chủ sở hữu (quan điểm của chủ đầu tư), mục đích là xem xét giá trị thu nhập ròng còn lại của dự án so với những gì họ có được trong trường hợp không thực hiện dự án. Khác với quan điểm tổng đầu tư, quan điểm phân tích của chủ sở hữu khi xem xét tính toán dòng tiền mặt phải tính đến (cộng thêm) vốn vay ngân hàng cho dòng tiền mặt vào và khoản trả lãi vay và nợ gốc ở dòng tiền mặt ra.
* Quan điểm của nền kinh tế.
Theo quan điểm của nền kinh tế, khi sử dụng phân tích kinh tế để tính toán mức sinh lợi của dự án theo quan điểm của toàn quốc gia, các nhà phân tích sử dụng “giá cả kinh tế” – “giá mờ” để xác định giá trị thực của các yếu tố đầu vào và đầu ra của dự án. Những giá mờ mày có tính đến thuế và trợ cấp. Ngoài ra cần phải tính các ảnh hưởng ngoại lai tích cực và tiêu cực do dự án gây ra. Đối với các dự án công ích, đặc biệt như giao thông vận tải, trường học, bệnh xá…thẩm định về mặt tài chính có rất ít hoặc không có ý nghĩa mà chủ yếu là thẩm định về mặt kinh tế.
* Quan điểm ngân sách.
Quan điểm ngân sách cho rằng các dự án có thể tạo ra nguồn chi ngân sách dưới dạng trợ cấp (trợ giá) hoặc cho vay ưu đãi nhưng đồng thời cũng tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ thu lệ phí hay các khoản thuế trực tiếp , gián tiếp. Quan điểm ngân sách chỉ quan tâm đến các khoản sẽ phát sinh liên quan đến thu , chi của ngân sách mà thôi.
* Quan điểm nhu cầu cơ bản
Quan điểm nhu cầu cơ bản cho rằng cần phải tính toán lợi ích của các ảnh hưởng ngoại lai do dự án mang lại. Ví dụ với một dự án như giáo dục , ý tế, phát triển giới…cần tính toán giá cả dịch vụ và mức chênh của nó với độ sẵn lòng chi trả chung của toàn xã hội.