7. Cấu trúc của đề tài
2.4. Các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đúc tiền và biện pháp xử lí của triều
triều Nguyễn (1802-1883)
Việc đúc tiền luôn được triều đình triều Nguyễn hết sức quan tâm, việc làm thể hiện cụ thể điều này là các vua triều Nguyễn từ vua Gia Long đến vua Tự Đức, ngay từ khi lên ngôi đã luôn quan tâm, liên tục cho các cơ sở thi hành việc đúc tiền sử dụng trong nhân dân cùng với đó là ban hành những chính sách ưu đãi đối với đội ngũ quan lại hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện như trong Dụ của vua Minh Mệnh ban năm thứ 10 (1829) rằng: “Nhà nước đúc tiền là để cho nguồn của dồi dào…” [41, tr. 45]. Mặc dù đã ban hành nhiều chính sách, chỉ dụ nhưng việc thực hiện hoạt
52
động đúc tiền vẫn tồn tại những hiện tượng tiêu cực, gây ảnh hưởng đến việc tiến hành hoạt động đúc tiền của triều đình cũng như là việc phát hành tiền đúc đến người dân cả nước.
Năm Gia Long thứ hai (1803), quan coi việc Hộ ngoài Bắc thành là Nguyễn Văn Khiêm dâng sớ tâu xin vua đúc bạc thì khắc thêm chữ để lấy đấy làm tin tránh việc mưu lợi hại dân. Vua cho là phải, sai sắc đồ ở Bắc thành là Trần Bình Phủ làm dấu “Trung bình” được khắc trên các đĩnh vàng, đĩnh bạc, phàm đĩnh vàng, đĩnh bạc công hay tư có in dấu “Trung bình” thì mới được thông dụng, ai làm đồ gian thì phải trị tội. [56, tr. 65]. Bên cạnh đó, để tránh trình trạng đúc tiền tràng lan gây nên lạm phát, ảnh hưởng đến việc mua bán, sinh hoạt của người dân. Năm 1804, vua Gia Long có Chỉ rằng: “Bắc
thành mở trường đúc tiền. Người nhận đúc tiền theo lệ nộp thuế. Nếu ai đúc riêng, phải trình quan Hộ tào giao cho viên giám đốc mới được đúc tiền. Ai không có đơn xin mà đúc tiền thì sẽ phải xét xử về việc đúc tiền riêng” [41, tr. 41]. Ngay từ những ngày đầu
lên ngôi, vua Gia Long cũng đã đưa ra những quy định đối với thợ đúc tiền ở các cục Bảo tuyền, đó là: Nếu người thợ đúc tiền bằng khuôn sắt thì mỗi ngày đúc tiền phải nộp thuế 1 quan tiền (nếu không đúc thì không phải nộp thuế) [41, tr. 11]. Nếu người thợ đúc tiền bằng khuôn đất (tùy bất cứ ngày nào có đúc hay không), đều phải nộp thuế mỗi lò mỗi ngày 1 quan tiền. Ai có đơn xin không đúc mới được miễn thuế. [41, tr. 12]. Năm 1812, vua Gia Long chuẩn y cho người buôn nhà Thanh (gồm cả Hoa kiều) ở phố Hàng buồm Bắc thành, tự xuất tiền riêng mua kẽm theo mẫu tiền của nhà nước mà đúc tiền, cứ nộp tiền kẽm 130 quan đổi lĩnh tiền đồng ở kho là 100 quan (trong số 100 quan, tính thực tiền 70 quan, còn tính vào bạc trung bình 30 quan). [41, tr. 12]. Đến năm 1813, vua cho định người nhận đúc tiền phải tự đem kẽm của mình đúc tiền nộp vào kho công, cứ tiền kẽm 120 quan, đổi được tiền đồng 100 quan, cấp cho nửa bạc nửa tiền. Ai đúc được nhiều tiền cũng theo lệ ấy mà làm [41, tr. 13].
Năm 1811, Lý Gia Du giám đốc sở đúc tiền ở Bắc thành và coi các mỏ đồng, mỏ kẽm tâu rằng: “Nhà Lê lập ba sở đúc tiền, thường đúc luôn luôn, cho nên thừa tiền tiêu,
đến đời Tây Sơn đúc không phải phép, tiền mỗi ngày một ít, giá lúa hạ mà dân chịu đói, lụa vải rẻ mà dân chịu rét; nay nhờ có thánh minh soi xét, cho mở trường đúc tiền, cho dân được phép đúc tiền kẽm, nhưng mấy người đúc tiền, nhà giàu thì ít, tay không thời nhiều, mua đồng, mua kẽm, nhà giàu phần nhiều mua được hạ giá, mấy người tay không
53
phải mua giá cao. Vả lại lấy tiền mới đổi tiền cũ, thời lúc thâu lúc phát, mấy tên tư lại thường hay sách nhiễu; vì cớ ấy cho nên người ta không dám đúc tiền. Xin từ nay về sau, hễ mua bán đồng, kẽm, thời quan định giá, để cho vật giá không đến nổi cao hạ; đã đúc thành tiền, cho đem ra tiêu dùng. Như thế thời người ta giành nhau mà đúc, tiền càng thêm nhiều”. Ngài y cho, kiến lập thêm sở đúc tiền, sức cho dân biết rằng: Ai có
đồng, kẽm, phải nạp cho nhà nước, sẽ theo quan giá trả tiền, cấm không được mua bán riêng [56, tr. 42].
Để hạn chế tình trạng có lúc thừa có lúc thiếu tiền trong mọi hoạt động của đời sống và tài chính của Nhà nước, các vua triều Nguyễn đã cho định lại lệ đúc tiền. Năm 1813, vua Gia Long cho định lại lệ đúc đĩnh bạc mới. Với việc đặt thợ bạc, ở các dinh trấn cùng các đạo Long Xuyên, Kiên Giang, Thanh Bình chọn thợ bạc là những người am hiểu về bạc (gồm 2 người), lập làm ty quan thợ bạc một người, thủ hợp thợ bạc một người, tâu cấp cho bằng son. Nhân dân khi đem nộp bạc phải xem xét rõ ràng mới được nhập vào kho. Nếu xem xét không đúng, thu phải bạc giả hoặc lấy bạc không đủ tuổi lẫn lộn kẽm thiếc mà đúc để ngầm đổi bạc trong kho hoặc biết dân đem bạc giả đến đổi nhưng không báo cáo mà cùng ngầm tráo lộn vào để kiếm lợi, việc phát ra thì chiếu theo số bắt bồi thường và trị tội. Vua cấm tiêu hủy bạc, quan quân dân thứ làm đồ đạc không được đem đĩnh bạc mới chế mà tiêu hủy, làm trái thì cứ 1 đĩnh đánh 20 roi [46, tr. 317]. Tháng 7-1827, vua Minh Mệnh cho định lại lệ đúc tiền kẽm. Trước đây cục Bảo tuyền ở Bắc thành đúc tiền kẽm có năm thừa đến 30.000 cân, có năm lại thiếu. Qua việc thanh tra, vua xét thấy là điều quan ngại, vua dụ Bộ Hộ rằng: “Cục Bảo tuyền là nguồn của ở
đấy mà ra, quan hệ đến việc chi tiêu của nhà nước, việc đúc tiền hao hay trội phải có tiêu chuẩn nhất định mới không có tệ chấm mút. Thế mà đến nay hàng năm đúc tiền, hoặc dôi ra, hoặc hụt đi, tuỳ ý thay đổi, dẫu bụng dạ quỷ quyệt không có chứng cớ rõ rệt, mà gian dối từ lâu, tình trạng không hỏi cũng biết. Vậy lĩnh cục là Trần Xác và Hiệp lý là Hoàng Văn Tân giao cho bộ bàn xử. Còn số kẽm đúc còn thừa cũng nên theo đấy trừ tính, châm chước định thành ngạch, bàn kỹ tâu lên” [47, tr. 645].
Người dân đem bạc đến cục xin đúc, phải theo đúng thức mà chế tạo. Nếu đĩnh bạc đúc thành mà kém phân li thì thợ đúc bị xử theo luật “cắt xén vành tiền” gia thêm một bậc. Người quản thợ thất sát thì xử tội kém người thợ hai bậc. Ai dám đúc riêng thì xử
54
theo luật “đúc tiền tư”. Ai pha lẫn đồng chì vào thì xử theo luật “làm vàng giả” [47, tr. 216].
Năm 1828, vua Minh Mệnh ra lệnh cấm đúc trộn tiền. Ở Lạng Sơn, xét thấy trên chợ phố có loại tiền dáng lạ gồm hơn 100 quan. Quan tỉnh ấy là Hoàng Văn Tài và Đào Đức Lung vì không xét rõ được kẻ gian, đều bị giáng một cấp. Đem tiền giả đi tiêu hủy và nghiêm cấm dân trong hạt không được sử dụng hạng tiền ấy. Nếu sau này còn sử dụng tiền ấy thì bắt cả người mua và người bán lập tức giải đem trị tội… [41, tr. 45]. Vua nhân bảo bộ Hộ rằng: “Cục Bảo tuyền là chỗ của cải tự đấy mà ra, bọn lại ty dễ
mượn thể làm gian, nếu không hạn chế mà ngăn dứt, thì cái tệ đúc tiền trộm như ở Lạng Sơn sẽ không ít đâu. Nên truyền dụ cho thành thần rút thợ đúc. Lại sức cho nhân dân, ai có chứa kẽm cũ thì hạn trong một năm phải đem bán cho Nhà nước. Từ sang năm về sau ai chứa 100 cân kẽm trở lên thì bị tội. Trong cục Bảo tuyền phải kiểm soát lẫn nhau, ai đúc trộm thì chém để răn kẻ khác. Nếu mặc kệ không xem xét, sự phát giác thì đều trị tội nặng” [47, tr. 715].
Năm 1829, sau khi vua cho bãi đúc tiền kẽm ở Bắc thành (12-1828), vua Minh Mệnh cho định lại lệnh cấm đúc tiền trộm. Vua bảo bộ Hộ rằng: “Nhà nước đúc tiền là
để nguồn của dồi dào dân được tiện dụng. Từ trước đến nay số tiền lưu thông ở dân gian, đã thấy đầy đủ. Như nay hai cục Bảo hóa, Bảo tuyền ở Kinh và ở ngoài, đã sai thôi đúc, nhưng còn nghĩ bọn hèn mọn hám lợi khỏi sao cái tệ đúc trộm, sẽ đến nỗi tiền mất giá, hàng đắt lên, giá các thứ ngày cao vọt. Nên dụ sai quan Bắc Thành chuyển sức cho phủ huyện các trấn trong hạt nghiêm ngặt dò xét có đồng tiền nào dị dạng mới đúc thì xét cho ra để trừng trị” [47, tr. 812]. Tháng 8 năm 1829, vua nghe tin dân gian đúc
trộm tiền nhiều để tiêu lẫn với tiền nhà nước đặc biệt là ở Bắc thành và các tỉnh lân cận, vua Minh Mệnh liền dụ rằng: “Hiện nay của trọng tiền khinh, vật giá đắt lên, thì cái tệ
tiêu tiền lẫn lộn không những chỉ ở các hạt Bắc Thành mà thôi. Nếu không chỉnh đốn nghiêm ngặt thì sợ bọn tiểu dân không biết phạm pháp càng nhiều thì không phải là người nhân đức dụng tâm như thế” [47, tr. 852]. Vua ra lệnh cho phủ Thừa Thiên cùng
các thành trấn đạo nghiêm sức cho các phủ huyện trong hạt, gia tâm dò xét, nếu có người phạm tội đúc tiền trộm thì chém đầu để răn đe dân chúng. Vua ra lệnh cho quan Bắc thành nghiêm sức cho các cửa quan, bến đò, phàm các đường tất phải đi qua, ở hai hạt
55
Tuyên Quang và Thái Nguyên(4) ngày đêm phải khám xét, nếu có người mang lén kẽm đi qua thì bắt trị tội, nếu dung túng thì cũng quy tội. Bên cạnh những biện pháp với hình phạt nặng nề dành cho người phạm tội, vua Minh Mệnh cũng cho ban hành những biện pháp mềm dẻo đối với những người dân đã trót trữ lầm tiền đúc trộm, đó là “...hẹn cho
trước cuối năm nay phải đem nộp hết ở quan để tiêu huỷ và cấp trả cho số tiền nhà nước (mỗi 2 đồng, cấp cho 1 đồng tiền nhà nước)” [47, tr. 852]. Lại chiếu số tang, chiết lấy
một nửa số tiền nhà nước để thưởng cho người bắt được. Ngoài hạn ấy, mà còn dám trữ giấu và đem tiêu lẫn lộn thì theo điều luật đúc trộm tiền mà xử tội. Người bắt được thưởng như lệ [47, tr. 852].
Đối với vấn đề đúc trộm tiền, vua Minh Mệnh từng dụ bộ Hộ rằng: “Nhà nước đúc
tiền cho dân đủ tiêu dùng. Lại sợ dân ngu thấy lợi mà dễ phạm phép, cho nên có luật cấm đúc tiền trộm, phép nước rất nghiêm, là để dứt hẳn cái tệ điêu bạc. Nay lại nghe nói người nước Thanh đúc tiền ở nước ấy đem đến trộn lẫn để dùng khiến hàng hoá đắt mà tiền rẻ, có lẽ cũng do cớ ấy. Vậy hạ lệnh cho quan Bắc Thành nghiêm sức cho hạt duyên biên, phàm chỗ giáp giới nước Thanh, đường thuỷ, đường bộ, cửa ải, bến đò phải tìm cách dò thám, nếu có kẻ chở tiền kẽm từ nước Thanh đến thì bắt trị tội” [48, tr. 74].
Cũng như vua Minh Mệnh, vua Tự Đức (1856), vua cho rằng việc đúc tiền cốt là để tiện lợi sử dụng, cho dân có dồi dào tiền… Duy việc ấy làm đã lâu ngày, thì cái lệ lẫn lộn mỏng méo, không thể nào không có. Sai các quan địa phương ở những nơi có lò đúc tiền, phải hết lòng kiểm soát trông nom, cốt phải đúc cho dày bền đúng như mẫu thức. Nếu có một đồng không đúng phát ra mối tệ gian dối, thì cứ đem quan tỉnh ấy mà hỏi tội [56, tr. 524].
Mặc dù những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đúc tiền dưới triều Nguyễn đã từng xuất hiện ở những thời kì trước nhưng ở thế kỉ XIX, bờ cõi đất nước thống nhất trên một lãnh thổ rộng lớn, những chuyển biến trong kinh tế, xã hội tác động làm cho hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đúc tiền xuất hiện ngày một nhiều và việc quản lý lại gặp nhiều trở ngại, một bộ phận quan lại bị mai một càng làm việc thi hành các Chỉ dụ của Nhà nước trở nên khó khăn ở giai đoạn đầu. Dù vậy, ngày từ khi triều Nguyễn được thành lập không chỉ quan tâm đến đúc tiền để lưu hành và sử dụng trong nhân dân,
4 Tuyên Quang và Thái Nguyên là những nơi sản xuất ra kẽm chiếm hầu hết số lượng kẽm được sản xuất trên cả nước.
56
các vua Nguyễn còn luôn trăn trở về những tiêu cực xuất hiện liên quan đến việc đúc tiền của triều đình. Việc ban hành những Chỉ dụ trên đã phần nào giảm thiểu những hiện tượng tiêu cực, giúp ích cho việc lưu hành tiền tệ trên phạm vi cả nước.