7. Cấu trúc của đề tài
3.2. Quản lí hoạt động lưu thông tiền tệ trong xã hội
Ngoài việc các vua triều Nguyễn cho tiến hành việc đúc tiền ở các cục đúc tiền từ trung ương đến địa phương, triều đình còn phải tiến hành việc quản lí vấn đề lưu hành các loại tiền tệ trong xã hội. Đặc biệt vào đầu triều Nguyễn, khi nhà nước mới được hình thành và đi vào hoạt động, những đặc điểm chính trị của thế kỉ XIX buộc triều đình nhà Nguyễn phải có những chính sách để quản lý cũng như lưu thông tiền tệ trong nhân dân. Vì thế, khi nhà Nguyễn mới được thành lập (1802), trong nhân dân vẫn còn lưu hành tiền văn của các triều đại trước, do vậy, vua Gia Long đã ban hành quy định rằng sau 5 năm lưu hành loại tiền văn ấy thì cho tiêu hủy và cho đúc tiền thiếc trắng để nhân dân dùng. Điều này được ghi chép lại trong châu bản triều Nguyễn tập 3, tờ 99 Gia Long 16 (1817) như sau: “… Việc trị nước không gì hơn là nuôi dân, nuôi dân cũng trước phải ở chỗ lợi dân. Trước từ sau khi trải qua cuộc loạn lạc, tiền tệ lưu thông có phần loạn tạp. Năm trước đã giao cho Công đồng xem xét và vẫn cho lưu thông lượng tiền văn ngụy hiệu. Sau khi hết thời hạn 5 năm thì đều phải đem đi tiêu hủy. Nay số tiền đúc ra đã tạm được đủ dùng, hiện truyền giao về chất trữ ở kho công tại kinh thành” [56, tr.
65
loại tiền mới đúc để sử dụng. Ngoài việc yêu cầu người dân cả nước sử dụng tiền hiệu mới, vua Gia Long cũng yêu cầu các kho thuộc Vũ khố ở trung ương và địa phương cho thu gom tiền hiệu cũ trong nhân dân đổi lấy tiền hiệu mới mà dùng. Ở các kho nhà vua ra lệnh cho quan cai quản kho: “…thu gom số tiền thiếc hiệu cũ. Tiền hiệu mới ban ra
để cho dân chúng cùng sử dụng” [56, tr. 44]. Lại nghiêm cấm các hạng tàu thuyền trong
thành trấn không được chuyên chở tiền thiếc mới đúc cùng với loại thiếc trắng ấy xuống buôn bán cho các vùng phía dưới. Nếu ai làm trái sẽ y theo luật định mà trị tội [56, tr. 44]. Bên cạnh đó, năm 1812, vua Gia Long cho định điều lệ về các sở quan ngoài Bắc thành và Thanh Nghệ: “Mới đúc thứ bạc đính nặng một lượng để phòng khi gặp số lẻ
thâu vào phát ra cho tiện; ban cho thiên hạ tiêu dùng” [56, tr. 44]. Định giá vàng ngoài
Bắc thành: 1 lượng vàng giá 10 lượng bạc; vàng của dân đổi lấy vàng công, phải nạp 1 quan tiền đóng dấu.
Minh Mệnh năm thứ 20 (1839), bàn định tiền Gia Long, Minh Mệnh hạng lớn hạng nhỏ chứa ở kho ban bố ra để thông dụng, định giá tiền đồng hạng lớn cứ 1 đồng ăn 3 đồng tiền kẽm. Tiền đồng hạng nhỏ cứ 1 đồng ăn 2 đồng tiền kẽm, ở quan chi phát, cùng dân xã nộp thuế và chợ phố mua bán đều theo lệ ấy mà tính tiêu dùng [41, tr. 62].
Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), quy định lại giá thóc nộp bằng tiền của các huyện châu (trước định giá không đồng đều, có nơi định giá mỗi hộc thóc 1 quan 2 tiền; có nơi 1 quan 5 tiền, 1 quan 8 tiền… giá thóc không giống nhau) nay định các huyện châu được nộp thóc thuế bằng tiền, cho nộp làm 2 kỳ vụ đông và vụ hạ. Vụ hạ lấy ngày mồng 1 tháng 5. Vụ đông lấy ngày 1 tháng 10, đều do quan địa phương chiếu giá thóc ở chợ, cứ thực tâu lên, đợi Chỉ, tuân theo mà làm, để rõ rệt phép tắc nhất định [41, tr. 63].
Bên cạnh những chỉ dụ của các vị vua triều Nguyễn trong vấn đề lưu thông tiền tệ, vấn đề tính giá trị sử dụng của tiền tệ trong sinh hoạt đời sống cũng là một vấn đề khá phức tạp. Do sự khác nhau về đặc điểm các khu vực kinh tế, sự biến động của thị trường qua các thời kì, sự thay đổi về giá trị biểu hiện của tiền tệ… Do vậy, giá trị sử dụng tiền tệ ở các địa phương có sự khác nhau. Nếu như gạo trắng 1 phương ở Thừa Thiên có giá 2 quan 3 tiền thì gạo trắng 1 phương ở Tây Nam Kỳ lại có giá 1 quan 5 tiền [4, tr. 75]. Sự khác nhau trong giá trị sử dụng tiền tệ ở từng địa phương còn chịu sự khống chế thị trường của nhà nước, vì vậy, cùng là một loại hàng hóa nhưng giá cả ở mỗi nơi có sự khác biệt.
66
Như vậy, so với những thế kỉ trước, triều Nguyễn đầu thế kỉ XIX phải đối mặt với những thách thức của lịch sử trong việc lưu thông tiền tệ trong xã hội. Bên cạnh việc tiến hành đúc tiền, triều đình còn phải quan tâm đến vấn đề lưu hành những loại tiền tệ khác với người dân cả nước. Ở thế kỉ XIX, ngoài hệ thống tiền tệ của triều Nguyễn, trên thị trường Việt Nam còn có sự hiện diện của các đồng tiền từ nước ngoài thuộc vùng Đông Á và Âu Mỹ.
Khoảng giữa thế kỉ XIX, trên thị trường Việt Nam còn có sự tồn tại của các loại tiền khác nhau như tiền Tây Ban Nha (Piastre Espagnole), đô la thương mại Mỹ (Trade dollar Americain), đô la Anh (dollar Britannique) và đồng bạc Mễ Tây Cơ (Piastre Mexicaine). Trong đó, ở thế kỉ XIX, đồng bạc Mễ Tây Cơ chiếm ưu thế nhất và rất thông dụng, được nhiều người dân sử dụng, tồn tại mãi đến những năm 1903. Đồng bạc Mễ Tây Cơ có trọng lượng 27,073g với độ chuẩn hàm lượng bạc là 900/1.000. Các đồng bạc nước ngoài khác khi lưu hành tại Việt Nam cũng có giá trị tương đương với đồng bạc Mễ Tây Cơ - đó là 1 đồng bạc Mễ Tây Cơ có trị giá bằng 8 quan tiền đồng triều Nguyễn.
Nhìn chung, đồng tiền lưu hành dưới triều Nguyễn (1802-1883) vẫn chủ yếu là tiền đồng và tiền kẽm, chỉ có những công việc thanh toán lớn mới dùng đến vàng hay bạc thoi, hoặc dùng đồng bạc nước ngoài. Trong một cơ cấu xã hội khép kín với luồng nội ngoại thương lại chịu sự chi phối của nhà nước, do vậy, ở một số thời điểm, nhu cầu tín dụng trong nhân dân không cao, trong xã hội vẫn chủ yếu sử dụng tiền đồng và tiền kẽm để giao thương buôn bán mặc dù vàng bạc cũng là một loại tiền tệ dưới triều Nguyễn.