7. Bố cục của đề tài
3.2.2. Vạch đường hướng hoạt động cứu nước
Tiểu La Nguyễn Thành gặp Phan Bội Châu đưa ra những kế sách hành động. Mùa xuân năm 1903, dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Quýnh, Phan Bội Châu từ trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế vào Quảng Nam đến nông trang Nam Thịnh gặp Nguyễn Thành. Thế là lửa đã gặp gió, Tiểu La Nguyễn Thành đã gặp được người đồng tâm đồng chí để mưu bàn đại sự, vì thế ngay từ đầu mới gặp Phan Bội Châu mà Nguyễn Thành vui thích như bạn quen đã lâu ngày, cùng nhau kể chuyện tâm phúc đến suốt đêm. Trong cuộc hội kiến này, mọi nhân tố đã được Nguyễn Thành chuẩn bị sẵn sàng, ông đưa ra 3 kế sách hành động mà ông đã dày công suy ngẫm bấy lâu nay khiến cho Phan Bội Châu vô cùng khâm phục. Trong Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu kể lại: "Tôi đem chí muốn ra phân trần. Cụ vỗ tay nói: "Hay dữ! Thuở nay, ai muốn mưu toan đại sự, trước hết phải cần ba điều này: một là thu phục lòng người, hai là góp số tiền lớn, ba là sắp đặt mua sắm quân khí cho đủ. Hễ lòng người đã chịu tin phục thì số tiền lớn có thể góp được. Có tiền thì vấn đề quân giới không khó giải quyết đâu".
Tiểu La Nguyễn Thành chủ trương Tôn phù nhà Nguyễn để thu phục nhân tâm. Nguyễn Thành cho rằng: "...phải hiểu dân trí và tập quán của dân nước nhà, không thể nào bắt chước làm theo châu Âu cho được. Bọn ta muốn có cách kêu gọi nhân tâm cho dễ, nếu không mượn tiếng phò vua giúp chúa thì những nhà sang họ lớn kia, ai chịu phụ hoạ theo mình. Vậy thì ta dầu có bụng cứu nước mặc lòng, chẳng qua chỉ chết thân mình cho tròn được một tiếng vậy thôi, ngoài ra không ăn thua lợi ích gì cho việc lớn.
"Vua Hàm Nghi trốn tránh ở chốn nào, đã lâu không nghe tin tức ra sao. Còn vua Thành Thái hiện tại thì ở trong tay người Pháp kiềm chế, anh em ta không làm cách gì ra vào thân cận bên mình ngài đặng. Sẵn có dòng dõi của đức Đông Cung Cảnh là đích tự Cao Hoàng, hiện nay đang còn. Chúng ta khởi nghĩa nên trước hết tôn ngài lên làm cung chủ, có thế thì danh nghĩa mới thuận, hiệu lệnh được chuyên, mỗi khi ta cất tiếng kêu gào, thuận theo chiều gió, tất nhiên có tiếng vang bóng sâu xa lắm vậy". Để thực hiện kế sách này, ông giới thiệu với Phan Bội Châu một người trong hoàng tộc đã từng âm mưu quang phục bị thất bại, trốn vào Quảng Nam được ông lo liệu, giúp đỡ, ẩn thân tại đây 5, 6 năm rồi. Đó là Tôn Thất Toại, nhưng Phan Bội Châu không vừa ý, muốn tìm một người khác có tài trí hơn. Trong Tự Phán Phan Bội Châu đã nói rõ chủ trương này của Tiểu La Nguyễn Thành: "Tiểu La nói với tôi rằng: "Món ta khỉ sự, trước hết phải thu lòng người. Hiện những người nước ta bây giờ, ngoài tôn quân thảo tặc ra còn chưa có tư tưởng gì lạ. Sở Hoài Vương, Lê Trang Tôn, chẳng qua là một thủ đoạn. Vả lại sắp tính việc lớn, tất phải trù có món tiền thật to. Kim tiền nước ta là ở Nam kỳ, mà khai thác ra Nam kỳ là công đức triều Nguyễn làm. Vua Gia Long lấy lại nước rặt là nhờ tài lực ở trong ấy. Bây giờ nếu ta tìm được chính giòng Gia Long, đặt làm minh chủ, hiệu triệu Nam kỳ tất ảnh hưởng mau lắm". Đối với Tiểu La Nguyễn Thành, trong hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ, chủ nghĩa tôn quân vẫn còn đắc dụng, nó là nước cờ để thu phục nhân tâm, tập hợp quần chúng, vận động tài chánh, điều vô cùng quan trọng mà Phan Bội Châu chưa hề nghĩ đến. Trong Ngục Trung Thư, chính Phan Bội Châu đã xác nhận: "Tôi với hai ông Đặng (Đặng Tử Kính) , Lê (Lê Võ), ban đầu thật chúng tôi chưa hề suy tính tới việc tôn người dòng dõi nhà vua. Tới đây nghe Nguyễn Quân, chúng tôi cho là phải lẽ lắm. Phan Bội Châu tán đồng chủ trương tôn quân của Tiểu La Nguyễn Thành vì nó là một "biện pháp" hữu hiệu đối với hoạt động cách mạng cứu nước lúc
bấy giờ, nhất là ở Nam kỳ, dân chúng vẫn còn nhớ triều đại cũ, nên muốn thu hút sự hợp tác của họ, cần phải xướng lên việc "phù trợ quân vương" để kêu gọi lòng người.
Tháng 12 năm 1903 Tiểu La Nguyễn Thành thúc giục Phan Bội Châu lên đường vào Nam kỳ, Tiểu La nói với Phan Bội Châu: “Anh bây giờ Nam hành được rồi”. Ông lo liệu cho Phan Bội Châu rất chu đáo, từ việc mua sẵn giấy thông hành, đưa tiền lộ phí đến việc phái người nhà là Tư Doãn đi theo giúp đỡ Phan Bội Châu, do đó cuộc Nam du của Phan Bội Châu chẳng những đạt được những mục đích là gặp Trần Thị, một nhà tu hành yêu nước ẩn cư tại Thất Sơn thuộc tỉnh Châu Đốc để bàn việc, tìm tin tức của dư đảng nghĩa quân Nam kỳ và giới thiệu ông Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với Nam kỳ Nghĩa dân, mà còn mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho phong trào Đông du về sau. Phan Bội Châu trở về đến Quảng Nam, vào nhà Tiểu La báo cáo những việc Nam hành, ở lại một hôm rồi trở về kinh.