Hoạt động PR cộng đồng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động ứng dụng pr trong công tác tuyển sinh của trường đại học sư phạm đại học đà nẵng từ năm 2016 đến năm 2020 (Trang 79 - 82)

- Hiện tại, công tác tuyển sinh của trường do phòng Công tác sinh viên kiêm nhiệm mà chưa có một bộ phận chuyên trách làm quan hệ công chúng. Vì thế, Nhà

trường cần chú trọng đến vấn đề tuyển nhân sự, xây dựng một đội ngũ cán bộ PR năng động, nhiệt tình, có khả năng lên kế hoạch, chiến lược tuyển sinh ở quy mô lớn một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Tổ tư vấn tuyển sinh hay bộ phận quan hệ công chúng nên tách biệt, chuyên trách và độc lập.

Để làm được điều này, Nhà trường có thể mời các chuyên viên PR về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho Tổ tư vấn tuyển sinh hoặc chọn các giảng viên am hiểu về hoạt động PR để phụ trách công tác tuyển sinh. Đối với cách thứ 2, Nhà trường cần có chính sách đãi ngộ hợp lý cho các cán bộ vừa đảm nhiệm công tác giảng dạy vừa tham gia vào công tác tuyển sinh. Ngoài ra, đội ngũ tuyển sinh cần có sự tham gia của sinh viên, cựu sinh viên để tăng sự tin cậy trong mắt công chúng khi quảng bá hình ảnh trường tại các trường THPT.

- Nhà trường cần xây dựng một chiến lược PR tổng thể cho công tác tuyển sinh.Việc xây dựng một kế hoạch rõ ràng với từng hoạt động, thời gian cụ thể, đều đặn nhằm giúp công chúng biết nhiều hơn về hình ảnh Trường ĐHSP - ĐHĐN. Nội dung của từng hoạt động phải bám sát với mục tiêu phát triển, tầm nhìn và sứ mệnh của trường.

Đồng thời, kế hoạch ứng dụng PR trong công tác tuyển sinh cần bám sát thực tế, phù hợp với từng bối cảnh. Bên cạnh việc xây dựng chiến lược, kế hoạch PR, Nhà trường cần tổ chức công tác đánh giá sau mỗi hoạt động, sự kiện diễn ra. Việc đánh giá, tổng kết sẽ giúp Nhà trường nhìn nhận chính xác hiệu quả của việc ứng dụng PR trong công tác tuyển sinh, rút ra các mặt ưu, nhược điểm. Đặc biệt, Nhà trường có thể kiểm soát, ước tính được mức chi phí cho các hoạt động để phân bổ ngân sách một cách hợp lý. Từ các đánh giá đạt được, Nhà trường sẽ tổng kết rút ra kinh nghiệm và hoạch định phương hướng phát triển cho các năm tới.

Ngoài ra, việc tổng kết đánh giá còn là cơ hội để bộ phận PR hay Tổ tư vấn tuyển sinh nhìn nhận, khắc phục các thiếu sót để chuẩn bị tốt hơn cho các chương trình tiếp theo. Như vậy, năng lực chuyên môn của đội ngũ tuyển sinh sẽ được nâng cao và đưa hoạt động PR của Nhà trường đến gần với sự chuyên nghiệp.

- Xây dựng hệ thống tổ chức thông tin liên kết với thị trường lao động. Đặc biệt, Trường ĐHSP - ĐHĐN vừa đào tạo khối ngành sư phạm vừa mở rộng khối ngành cử nhân. Vì thế, Nhà trường cần mở rộng mạng lưới mối quan hệ với cả doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục. Mục đích của giải pháp này nhằm cải tiến chương trình đào tạo bám sát thực tế, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Để làm được điều này, mỗi năm Nhà trường cần theo dõi và nắm bắt thông tin của sinh viên sau khi ra trường để thu thập những nguyện vọng của sinh viên và nắm bắt thông tin thị trường lao động. Nhà trường nên thành lập một Hội sinh viên, một CLB, một cộng đồng dành riêng cho sinh viên đã đi làm. Đồng thời, Nhà trường cùng các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho sinh viên đã ra trường.

Như vậy, Nhà trường không chỉ xây dựng mối quan hệ vững chắc với các tổ chức việc làm mà còn kết nối tốt với sinh viên. Từ đó, Nhà trường tạo được môi trường việc làm sôi động cho sinh viên. Còn doanh nghiệp có được một đội ngũ lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả công việc. Khi tỷ lệ sinh viên có việc làm càng cao thì công chúng càng tin tưởng về chất lượng giáo dục của Trường ĐHSP - ĐHĐN. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh của Nhà trường trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng.

- Nâng cao chất lượng tuyển sinh trực tuyến về cả nội dung và hình thức. Thứ nhất, với kênh facebook, hình thức livestream tuyển sinh nên diễn ra ngoài khung giờ hành chính để phụ huynh và học sinh có thời gian theo dõi. Thứ hai, Nhà trường nên tiến hành dạy ôn thi, chia sẻ các phương pháp, bí quyết làm bài thi Đại học cho học sinh THPT trên kênh youtube. Hoạt động này nhằm mục đích gây ấn tượng với người học về chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, đây cũng là cách đưa hình ảnh Trường ĐHSP - ĐHĐN trở nên quen thuộc trong tâm trí công chúng. Thứ ba, Nhà trường cần đầu tư về nội dung, hình ảnh, video trên website tuyển sinh.

Hơn hết, Nhà trường nên xây dựng cả một trang web quảng bá về các chương trình, hoạt động, thành tích, chia sẻ của sinh viên về trường. Sau đó, Nhà trường tiến hành chạy quảng cáo các bài viết trên google để thông tin dễ dàng tiếp cận với người tìm.

- Để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, Nhà trường hãy tạo điều kiện cho người học tham gia trải nghiệm một ngày làm sinh viên UED. Các em học sinh THPT sẽ trực tiếp tham gia một buổi học ứng với nguyện vọng ngành nghề mong muốn theo học. Qua ngày trải nghiệm, các em có cơ hội giao lưu với sinh viên của trường để tìm hiểu kỹ hơn về ngành học. Đồng thời, các em có thể trải nghiệm phong cách dạy và học, cơ sở vật chất ở môi trường Đại học. Thông qua hoạt động này, Nhà trường sẽ tạo được sự tin cậy, uy tín đối với nhóm công chúng mục tiêu và giúp cho công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động ứng dụng pr trong công tác tuyển sinh của trường đại học sư phạm đại học đà nẵng từ năm 2016 đến năm 2020 (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)