: NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH
2. Văn học, nghệ thuật, giáo dục, thi cử
Trước tình hình giáo dục, thi cử sa sút nghiêm trọng ở thế kỷ XVIII, nhà Nguyễn cố gắng chấn chỉnh lại giáo dục Nho học, xoá bỏ những chủ trương, chính sách giáo dục tiến bộ thời Quang Trung.
Nội dung giáo dục thi cử về cơ bản không có gì khác các thời kỳ trước, vẫn là tứ thư, ngũ kinh, vẫn là thi Hương, thi Hội, thi Đình, nội dung các trường thi vẫn là thi kinh, nghĩa (trường thứ nhất), chiêu, chế, biểu (trường thứ hai), thơ, phú (trường thứ ba), thi văn sách (trường thứ tư). Từ năm 1822, triều Nguyễn mới bắt đầu mở khoa thi Hội. Dưới triều Nguyễn, kỳ thi Đình cũng chủ trương không lấy Trạng nguyên. Từ năm 1807 đến năm 1918, triều Nguyễn tổ chức được 47 kỳ thi Hương, lấy đỗ 5.000 cử nhân và hơn 10.000 tú tài Từ năm 1822 đến 1919, mở được 39 khoa thi Hội, lấy đỗ 558 tiến sĩ và phó bảng,
số người đỗ bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp chỉ hơn 10 người.
Văn học chữ Hán phát triển với nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Minh Mệnh, v.v..
Văn học dân gian tiếp tục phát triển, các loại thơ ca, hò vè ca dao, tục ngữ, phương ngôn, truyện tiếu lâm, v.v. xuất hiện nhiều. Các thể thơ nôm như lục bát, song thất lục bát được sử dụng phổ biến và ngày càng được trau chuốt. Một số tập thơ dài có nội dung sâu sắc, hình thức đẹp, trong sáng, nâng cao vai trò tiếng Việt. Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, v.v., đã trở thành tiếng nói vĩnh cửu của một thời, của muôn đời.
Nghệ thuật kiến trúc nổi trội Ở thế kỷ XIX là khu hoàng thành ở kinh đô Huế bao gồm hàng loạt cung, điện được trang trí phong phú, các lăng tẩm của các vua triều Nguyễn. Một số tranh chân dung, tranh vẽ sơn mài trên gỗ ở các đền, chùa, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống cũng là nét mới của nghệ thuật bấy giờ.
Nghệ thuật sân khấu, ca nhạc phát triển rộng rãi. Ở kinh đô Phú Xuân có nhà hát, sàn diễn. Những ngày lễ hội cổ truyền đã có thêm hàng loạt câu hát, điệu hò, điệu nhạc.