: NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH
2. Tình hình công thương nghiệp
- Thủ công nghiệp nhà nước.
Thời Nguyễn, thủ công nghiệp nhà nước giữ một vai trò quan trọng, bao gồm 57 cục với nhiều công xưởng và ngành nghề khác nhau như làm gạch ngói, đúc, làm đá, vẽ, làm đồ pha lê, vàng, bạc, khắc chữ, đúc súng, làm đạn, đóng thuyền, bè, làm đồ trang sức, in ấn, sản xuất lịch và một số máy móc. Nhà nước tuyển chọn các thợ giỏi từ các tỉnh theo chế độ công tượng, được hưởng lương (tiền và gạo). Những sản phẩm làm ra đều có chất lượng cao. Do tiếp xúc với khoa học kỹ thuật phương Tây, nên các thợ thủ công lành nghề ở các công tượng đã chế tạo được máy cưa ván gỗ, nghiền thuốc súng, xe nước, xe chữa cháy. Năm 1839, các đốc công Hoàng Văn Lịch, Vũ Huy Trinh cùng với các thợ công xưởng đóng thành công chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước đầu tiên, đã cho chạy thử thành công trên sông Ngự Hà (Huê). Sau đó, họ còn đóng thêm được hai chiếc khác. Nhưng triều đình bấy giờ không khuyến khích nghề đóng tàu thuỷ. Việc khai mỏ vàng, bạc, chì do nhà nước quản lý kinh doanh cũng khá phát triển với tổng số 139 mỏ, 3122 thợ khai mỏ vào năm 1833.
Thủ công nghiệp trong nhân dân khá phát triển. Các làng nghề thủ công tiếp tục được duy trì và mở rộng bao gồm các nghề xây dựng, làm đồ gốm, sành sứ, dệt vải, lụa... Quảng Nam, Quảng Ngãi là địa phương sản xuất đường nổi tiếng cả nước. Năm 1848, sản xuất được 200 vạn cân. Các nghề làm pháo, in tranh dân gian, đan lát, làm nón rất phát triển với các làng nổi tiếng như Bình Đà, Đồng Kị (làm pháo), làng Đông Hồ (in tranh dân gian). Ở đô thị có nhiều phường thủ công, nhất là ở Hà Nội. Nhưng các làng và phường thủ công vẫn không phát triển thành các phường hội có quy chế hoạt động rõ
ràng như các phường hội ở Tây âu thời trung đại thiếu những thương nhân giàu có đứng ra kinh doanh một mặt hàng nhất định để làm cơ sở ra đời các công trường thủ công từ bản chủ nghĩa. Nhà nước thiếu những chính sách khuyến khích và nguồn tiêu thụ bị hạn chế cũng đã làm ảnh hưởng đến sự vươn mạnh của các nghề thủ công. Tuy vậy, dưới triều Minh Mệnh đã xuất hiện một hiện tượng mới trong nghề khai mỏ, đó là việc Chu Văn Hổ đã bỏ vốn xin nhà nước cho thuê thợ khai thác mỏ kẽm Bản Sơn (Thái Nguyên). Thợ được chuyên môn hoá theo công việc và trả lương theo trình độ. Đáng tiếc là sau khi Chu Văn Hổ mất, không có ai tiếp tục cách thức tổ chức khai mỏ của ông.
Nhìn chung, thủ công nghiệp ở nửa đầu thế kỷ XIX vẫn chưa vượt qua được phương thức sản xuất cá thể, lạc hậu.
- Thương nghiệp.
Việc buôn bán trong nước được mở rộng và phát triển. Các sản phẩm ở miền Nam như thóc, gạo, đường. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi được thuyền bè chở ra Bắc; tơ lụa, đồ gốm miền Bắc được chở vào các tỉnh ở miền Trung và miền Nam. Các chợ làng, huyện tiếp tục hoạt động, nhất là các chợ ở một số trung tâm thương mại như Hà Nội, Hội An, Sài Gòn, Chợ Lớn. Tuy nhiên, chủ trương "trọng nông, ức thương" của nhà nước đã làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển tự do của thương nghiệp. Chính sách thuế khoá và thể lệ kiểm soát nghiêm ngặt và phức tạp càng làm cản trở sự phát triển của nội, ngoại thương. Triều Nguyễn đứng trước những hoạt động ráo riết của phương Tây chuẩn bị xâm lược Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX nên đã lo sợ và thực hiện chính sách "đóng cửa", không buôn bán với các nước tư bản phương Tây nữa. Các đô thị cũ như Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến mà ở những thế kỷ XVI-XVII là những trung tâm buôn bán với các nước, kể cả các nước phương Tây thì sang đến thế kỷ XIX hầu như tàn lụi hẳn.
Ở nửa đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn cũng có quan hệ ngoại thương với các nước quanh vùng. Năm 1824, Minh Mệnh cử người đem thuyền buôn đi công cán ở Hạ Môn (Xingapo), Giang Lưu Ba (Inđônêxia). Những năm tiếp theo, thuyền buôn của nhà Nguyễn tiếp tục chở hàng hóa sang Quảng Đông, Lữ Tống (Philippin), Boócnêo, Băng Cốc (Thái Lan)... và mua các thứ len, dạ, vũ khí, đạn dược chở về.
Nhìn chung, nền kinh tế hàng hoá Việt Nam dưới triều Nguyễn tuy có một số hoạt động mới, nhưng vẫn không có bước phát triển đáng kể.
Nguồn:Lương Ninh 2000, Chương XI – Triều Nguyễn và xã hội Việt Na
Tình hình xã hội và cuộc đấu tranh của nhân dân
Tình hình xã hội và cuộc đấu tranh của nhân dân