Dự phòng tuyến phá giặc

Một phần của tài liệu Lịch sử việt nam - Sơ kỳ thời đại đồ đồng doc (Trang 91 - 93)

: NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH

3. Dự phòng tuyến phá giặc

Biết chắc quân Tống thế nào cũng sang xâm lược để thực hiện mục đích đã theo đuổi từ lâu và để phục thù, nên Lý Thường Kiệt đã chủ động rút về rất sớm để xúc tiến việc chuẩn bị kháng chiến.

Nhà Tống không nghĩ đến việc quân ta tiến sang đánh phá các căn cứ xâm lược Ung, Khám, Liêm. Và một tháng sau khi mất châu Khâm, châu Liêm, triều đình Tống mới biết tin. Bị bất ngờ, vua tôi Tống rất hoảng sợ. Ti binh lược Quảng Tây xin thêm viện binh, lương thực, khí giới. Vua Tống ra lệnh phải cố thủ Quảng Tây. Triều đình cách chức Tri Quế Châu của Lưu Di, cho Quảng Tây 50.000 quan tiền để mộ thêm quân, mua thêm thóc. Đồng thời triều đình Tống quyết định đem ngay đại binh đánh thắng vào nước ta vừa thực hiện ý đồ xâm lược, vừa giải vây cho Ung Châu.

Ngày 2-2- l076 Triệu Tiết, người đã có nhiều chiến công đánh nước Hạ, được cử làm An Nam đạo hành doanh mã bộ đô tổng quản. Nhiều tướng giỏi khác ở biên thùy phía bắc như Lý Hiến, Yên Đạt, Ôn Cảo v.v... làm tùy tùng cho Triệu Tiết. Vua Tống lại viết "Thảo Giao Chỉ chiếu'' dụ dỗ ta: "Chiếu cho quân Giao Chỉ hay: khi thấy quan quân đến thì đừng chạy. Dân chúng đã chịu khổ sở lâu ngày, nếu dỗ được chúa các ngươi vào nội phủ, trẫm sẽ thưởng tước lộc cho. Càn Đức (vua Lý Nhân Tông - TG) còn trẻ, việc làm loạn không phải tự ngươi gây ra. Ngày nào ngươi tới chầu, trẫm sẽ tha thứ cho.

Đạo quân của Triệu Tiết chưa lên đường thì quân ta đã hạ được thành Ung Châu và rút về nước. Một lần nữa nhà Tống lại phải bị động thay đổi kế hoạch, dừng cuộc tiến quân, chuẩn bị kĩ càng hơn. Trước hết là sắp xếp lại tướng tá. Triệu Tiết và Lý Hiến mâu thuẫn với nhau, nên vua Tống phải cử thêm tướng Quách Quỳ.

Bấy giờ Quách Quỳ nhận chức chánh tướng, Triệu Tiết làm phó lo việc binh lương. Quách Quỳ cũng là tướng miền Bắc, đã từng giúp Phạm Trọng Yêm chống Hạ. Các tùy tướng cũng đều lấy từ các doanh trại Tây Bắc. Binh sĩ được huy động là l0 vạn quân kị bộ, 1 vạn ngựa. Trong số này 4,5 vạn là quân rút từ miền biên giới Liêu Hạ, do 9 tướng chỉ huy. Số còn lại là trưng tập ở các lộ, đặc biệt là các lộ dọc đường từ kinh đô đến Ung Châu.

Ngoài l0 vạn quân chiến đấu còn có 20 vạn phu đi phục vụ. Như vậy là bộ phận chủ yếu của đạo quân xâm lược này là những võ quan và binh sĩ thiện chiến. Trang bị của bố binh Tống ngoài vũ khí thông thường còn có máy bắn đá và hỏa tiễn (pháo thăng thiên). Vua Tống còn sai hàn lâm y quân viện chọn 57 bài thuốc trị lam chướng làm thành thuốc hoàn

cho mang theo để chữa bệnh cho binh sĩ.

Lý Thường Kiệt thấy rằng Tống là một vương quốc lớn và đã điều động một đạo quân xâm lược khổng lồ ( binh phu hơn 30 vạn);vì thế nếu ta đem toàn bộ lực lượng ra quyết chiến với chủ lực địch ngay khi chúng mới vào biên giới thì rất bất lợi. Nhưng mặt khác ông lại thấy nhà Tống tiến hành cuộc chiến tranh này trong thế bị động, trong lúc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự uy hiếp của Liêu, Hạ. Nhà Tống không thể kéo dài chiến tranh, không thể dốc nhiều lực lượng cho chiến tranh. Vua Tống dặn Quách Quỳ ''phải lo việc An Nam cho chóng xong". Còn về phía ta thì tiềm lực vật chất tuy là hơn địch, nhưng vua tôi, quân dân đều đồng lòng quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc với tư thế chủ động của người vừa giành thắng lợi trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến và ta lại được chiến đấu trên đất nước mình, quê hương mình.

Lý Thường Kiệt quyết định sẽ chặn đứng bước tiến của quân xâm lược trước miền đất chủ yếu của Tổ quốc. Đó là kinh đô Thăng Long, đầu não của lực lượng kháng chiến, là phủ Thiên Đức (Từ Sơn, Bắc Ninh) quê hương của nhà Lý, là vùng đồng bằng phì nhiêu giàu có, đông dân. Đó cũng chính là mục tiêu chủ yếu mà quân địch cần đánh chiếm.

Thủy binh địch tập trung ở Khâm Châu. Từ Khâm Châu, theo Chu Khứ Phi, tác giả sách Lĩnh ngoại đại đáp (đời Tống) thuyền đi một ngày đến châu Vành An. ở Vành An thuyền theo sông Đông Kênh vào cửa Bạch Đằng, lên Vạn Xuân (Phả Lại trên sông Lục Đầu) để vào Thăng Long hoặc tiếp ứng các ngả cho các cánh quân bộ. Thủy binh địch không phải là lực lượng lớn, lại không tinh nhuệ nhưng có nhiệm vụ phối hợp với bộ binh "ghé và bờ Bắc sông để chở đại quân qua sông"'.

Về mặt biển, phía ta tướng Lý Kế Nguyên phụ trách một đội thủy binh đóng dọc sông Đông Kênh. Sông Đông Kênh là đoạn nối ven biển giữa đất liền và các hải cảng từ Móng Cái vào đến cửa Bạch Đằng. Lý Kế Nguyên phải chặn bằng được thủy binh địch, làm thất bại kế hoạch - hợp quân thuỷ bộ của Tống.

Lực lượng chủ yếu của địch trong cuộc xâm lược này là bộ binh và kị binh. Quân kị, quân bộ tập kết ở Ung Châu và các trại xung quanh. Từ đó quân địch sẽ theo nhiều đường qua vùng Đông Bắc nước ta để tiến vào Thăng Long.

Các mũi tiến công của bộ binh địch đều phải đi qua vùng núi rừng Đông Bắc hiểm trở. Đó là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày. Lý Thường Kiệt giao cho các tù trưởng chỉ huy các đội quân thiểu số, lúc đó gọi là quân thượng du - lợi dụng địa hình, đón đánh địch.

Phò mã Thân Cảnh Phúc, thủ lĩnh châu Quang Lang đóng quân ở động Giáp (vùng Kép, Bắc Giang), khống chế con đường chính Lạng Sơn – Thăng Long. Lợi hại nhất là những đội phục binh của ông đặt ở đèo Quyết Lí và ải Giáp Khẩu.

Yểm trợ cho Thân Cảnh Phúc về phía tây là quân của Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận Linh, Hoàng Kim Mãn ở vùng Châu Môn, ngăn chặn đường từ Bình Gia (Lạng Sơn) đến Thái

Nguyên. Phía đông Thân Cảnh Phúc là quân của Vi Thủ An đóng ở châu Tô Mậu ngăn chặn đường từ Tư Lăng (thuộc Ung Châu) đến Lạng Châu. Những đạo quân thiểu số trên đây rất thông thạo địa hình, là nỗi e ngại lớn cho kẻ địch. Triệu Tiết nói rằng: ''Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc ở động Giáp đều cầm cường binh''.

Nhưng lực lượng vũ trang của các dân tộc miền núi này rõ ràng là không thể chặn đứng được giặc. Với sức mạnh to lớn ban đầu, các mũi tiến công của bộ binh Tống có thể vượt qua những chiến tuyến phụ của quân ta. Tuy nhiên muốn đến được Thăng Long, dù đi đường nào, cũng phải qua sông Cầu. Dòng sông chặn ngang tất cả các con đường bộ từ Quảng Tây vào Thiên Đức (Thăng Long). Đường thủy từ Bạch Đằng muốn vào Thiên Đức – Thăng Long cũng phải qua sông Cầu ở khu vực Vạn Xuân. Thượng lưu sông Cầu rất hiểm trở, khúc sông từ Thái Nguyên đến Đa Phúc có thể qua lại được nhưng sang sông rồi lại gặp phải dãy núi Tam Đảo khó vượt qua.

Tại bờ nam sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt cho đắp đất làm chiến lũy dọc sông. Phía ngoài lũy, mặt giáp sông, ông sai đắp cọc tre làm nhiều lớp giậu. Dưới bãi sông còn có những hố chông ngầm. Sông rộng, chông ngầm, giậu dày, luỹ cao kết hợp với nhau chặt chẽ tạo thành một chiến tuyến lợi hại.

Nói chung chiến tuyến Như Nguyệt chạy dài từ Ngã Ba Xà đến Vạn Xuân (Phả Lại). Nhưng trên đoạn sông này, hai bên bờ có nhiều chỗ núi ăn sát bờ sông (núi Nham Biền ở huyện Việt Yên, Bắc Giang), hoặc rừng cây um tùm. Ở những chỗ đó không cần thiết phải đắp chiến luỹ. Lý Thường Kiệt chỉ cho tập trung đắp luỹ làm rào ở những nơi địch có khả năng vượt sông và quan trọng nhất là khu vực bến Như Nguyệt, Thị Cầu, Vạn Xuân. Quân chủ lực được điều đến để chiến đấu bên chiến lũy. Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy ở đây. Một bộ phận quân đóng ngay bên phòng tuyến ở những vị trí xung yếu, những nơi địch có thể vượt qua. Theo sách Việt điện u linh, Lý Thường Kiệt cho đóng thành những trại quân: Như Nguyệt, Thị cầu Phấn Đồng (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) và Vạn Xuân. Đây là những cứ điểm quan trọng có thể liên hoàn thủy bộ, ứng cứu cho nhau nhanh chóng kịp thời. Theo truyền thuyết dân gian của một số làng thì đại bản doanh Lý Thường Kiệt ở xã Yên Phụ (Yên Phong, Bắc Ninh). Xã này nằm trên con đường cổ từ bến Như Nguyệt về Thăng Long, cách Như Nguyệt khoảng 6 km, không xa các đường khác về Thăng Long. Nơi đây lại có núi Thất Diệu gồm bảy ngọn núi thấp nổi lên giữa cánh đồng. Vị trí và địa hình này có thể phù hợp với yêu cầu chỉ huy sở của đại quân đã nêu ở trên.

Toàn bộ chủ lực quân, thủy bộ của ta trên chiến tuyến Như Nguyệt có thể và trên 6 vạn. Lý Thường Kiệt đã kết hợp địa hình tự nhiên, bãi chướng ngại vật với quân đội mà bố trí lực lượng có trọng điểm để vừa có thể kiểm soát, bảo vệ được toàn chiến tuyến vừa có thể nhanh chóng tập trung đánh lại có hiệu quả những mũi đột phá của địch và tổ chức phản công khi có thời cơ.

Một phần của tài liệu Lịch sử việt nam - Sơ kỳ thời đại đồ đồng doc (Trang 91 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w