Chính sách đô hộ của phong kiến nhà Minh

Một phần của tài liệu Lịch sử việt nam - Sơ kỳ thời đại đồ đồng doc (Trang 116 - 118)

: NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH

2. Chính sách đô hộ của phong kiến nhà Minh

Quan lại nhà Minh thi hành chính sách triệt để cướp bóc, vơ vét chỉ trong 6 tháng xâm lược, quân Minh đã cướp của nước ta 235.900 con voi, ngựa, trâu bò; 13.600.000 thạch thóc; 8.670 chiếc thuyền và nhiều vàng bạc, châu báu đem về Trung Quốc. Chính quyền đô hộ tăng thuế ruộng đất lên gấp ba lần (bằng cách bắt ghi một mẫu thành ba mẫu) so với thời nhà Hồ. Tất cả nghề thủ công, buôn bán, v.v. đều bị đánh thuế. Chính quyền đô hộ kiểm soát việc sản xuất muối, nắm độc quyền buôn bán muối. Người đi đường chỉ được phép mang nhiều nhất là ba bát muối. Nhân dân còn phải cưỡng bức đi khai thác vàng, bạc, mò ngọc trai dưới biển, khai thác lâm thổ sản, các hương liệu quý, đi lao dịch. Nhiều người còn bị bắt làm nô tỳ, hoặc bị bắt đưa về Trung Quốc, phục dịch bọn quan lại nhà Minh. Năm 1407, Trương Phụ bắt đem về nước 7.700 thợ thủ công. Nhiều thầy thuốc, thợ thủ công, dân phu, phụ nữ, trẻ con, đào hát, phường nhạc cũng bị bắt đem về Trung Quốc. Quân Minh còn cướp ruộng đất của nhân dân chung quanh trại của chúng, biến thành đồn điền giao cho quân lính cày cấy.

Đồng thời, các quan lại nhà Minh còn ráo riết thi hành chính sách ngu dân, đồng hoá dân tộc.

Trong suốt hai mươi năm đô hộ nước ta (1407-1427), chính quyền đô hộ nhà Minh đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp từ tinh vi đến trắng trợn nhằm xoá bỏ quá khứ đấu tranh, dựng nước và giữ nước bất khuất của dân tộc ta, thủ tiêu những di sản văn hoá truyền thống tốt đẹp của nhân dân Đại Việt để chiếm đóng vĩnh viễn đất nước ta. Nhà Minh nhiều lần đốt sách vở, kể cả sách học của trẻ em, phá huỷ các bia đá. Tháng 8 - 1418, chính quyền đô hộ tịch thu những sách còn sót lại đem về nước. Nhiều tác phẩm có giá trị về văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, quân sự về thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XIV trở về trước đều bị cướp hoặc bị thiêu huỷ, trong số đó có bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển của Lê Văn Hưu, Vạn Kiếp bí truyền, Binh thư yêu lược của Trần Quốc Tuấn, Tử thư thuyết của Chu An, các bộ luật Hình thư, Hình luật của nhà Lý, nhà Trần, Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc, v.v.. Năm 1414, chính quyền đô hộ mở trường học ở phủ, châu, huyện để tuyên truyền, nhồi nhét tư tưởng mê tín với đội ngũ giáo viên là những thầy cúng, thầy chùa, thầy phù thuỷ, đạo sĩ. Chúng bắt nhân dân Đại Việt ăn mặc theo phong tục tập quán người Hán. Năm 1414, cấm con trai, con gái không được cắt tóc ngắn, phụ nữ phải mặc áo ngắn, quần dài.

Chúng còn thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc và đàn áp tàn bạo. Sau khi đặt được nền đô hộ ở Đại Việt, nhà Minh đã xoá bỏ tên Đại Việt của nước ta, đặt làm quận Giao Chỉ và tổ chức chính quyền đô hộ trên đất nước ta. Đứng đầu chính quyền đô hộ là ba ty: thừa

tuyên bố chính sứ ty (ty Bố chính), đô chỉ huy sử ty (Đô ty), đề hình án sát ty (ty tư sát).

Ba ty đóng ở thành Đông Quan, chịu sự điều khiển, giám sát trực tiếp của triều đình nhà Minh. Dưới quận là phủ, châu, huyện (năm 1407 cả quận Giao Chỉ có 15 phủ, 36 châu, 181 huyện và 5 châu trực thuộc vào quận). Năm 1419, để nắm chắc các địa phương, nhà

Minh lập ra đơn vị lý gồm 110 hộ do lý trưởng đứng đầu, giáp có 10 hộ do giám thủ cai quản. Ở Đông Quan được tổ chức thành phường , ngoại thành thành các sương . Bên cạnh các cơ quan hành chính và tư pháp, có một hệ thống tổ chức quân sự đồ sộ nhằm sẵn sàng đàn áp các cuộc nổi dậy chống chính quyền đô hộ. Một hệ thống đồn luỹ mọc lên khắp nơi. Mỗi vệ có 5.600 quân, mỗi thiên hộ sở có 1.120 quân, mỗi bách hộ sở (100 hộ) có 120 quân. Ngoài hệ thống đồn lũy, vệ sở còn có cả một hệ thống trạm dịch, cứ 10 dặm có một trạm dịch, tất cả có 374 trạm dịch. Chính quyền đô hộ còn tuyển lựa một số người làm tay sai cho chúng và xây dựng một đội nguy quân. Đối với nhân dân, chúng thi hành biện pháp kiểm soát chặt chẽ, dùng hình phạt tàn bạo để khủng bố, tiêu diệt tinh thần chống chính quyền đô hộ. Trong Bình Ngô đại cáo , Nguyễn Trãi đã tố cáo tội ác tàn bạo của giặc Minh như sau:

"Thui dân đen trên lò bạo ngược, Vùi con đỏ dưới hố tai ương,

Tát khô nước Đông Hải, khôn rửa sạch tanh hôi Chẻ hết trúc Nam Sơn khó ghi đầy tội ác”.

Hai mươi năm đô hộ của nhà Minh đã gây nhiều hậu quả tai hại cho đất nước ta, làm đình trệ nền kinh tế, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ, những di sản văn hoá bị phá huỷ, cuộc khủng hoảng cuối thế kỷ XIV không được giải quyết mà còn thêm sâu sắc hơn, con đường phát triển của đất nước ta bị chững lại. Thế nhưng, nền đô hộ tàn bạo của nhà Minh không tiêu diệt được ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã sớm bùng lên liên tục cho tới khi đất nước được độc lập, tự chủ hoàn toàn.

Giới thiệu Liên hệ Hỏi & Đáp ? Hình ảnh lịch sử Sử ca

NỘI DUNG CHI TIẾT

Thời kỳ lịch sử Sự kiện lịch sử Nhân vật lịch sử Di Tích lịch sử Bài viết về lịch sử Phóng sự - Ký sự

Một phần của tài liệu Lịch sử việt nam - Sơ kỳ thời đại đồ đồng doc (Trang 116 - 118)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w