6. Bố cục của luận văn
3.2.2. Sinh hoạt tín ngưỡng và phong tập tập quán đặc sắc
Sơn Nam được mệnh danh là nhà văn hóa Nam Bộ. Ông am hiểu sâu sắc ngọn nguồn văn hóa của mảnh đất xứ sở này. Văn xuôi của ông còn phản ánh sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và phong tục giản dị nhưng đa dạng sắc màu của người dân Nam Bộ. Qua nghiên cứu kĩ lưỡng và sâu sắc, Sơn Nam khẳng định
miền Nam Bộ là vùng “đa tôn giáo”. Trong suốt quá trình đi tìm miền đất hứa, những lưu dân tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống văn hóa tín ngưỡng vốn có, kết hợp với văn hóa bản địa nơi đây, đã tạo ra những sắc thái riêng biệt của văn hóa tín ngưỡng Nam Bộ. Một sự dung hòa, dung hợp các sắc màu của văn hóa người bản địa (như Stiêng, Mạ, Chrau,…) với lưu dân (như Chăm, Khmer, Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Thổ, Mường,…) mà thành. Đó là sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa các dân tộc.
Người dân Nam Bộ bấy giờ đa số ít được đi học và chưa thể thấm nhuần các triết lý tôn giáo siêu hình nhưng họ coi trọng thờ cúng, ma chay. Niềm tin của họ vào tôn giáo cũng rất chất phác, hồn nhiên như lời của chú Tư Đức trong “Sông Gành Hào”: “Tôi chưa hiểu hai tiếng tín ngưỡng là gì. Tôi tin Trời, tin Phật, thờ cha kính mẹ, quý mến ông già bà cả”. Trong tâm thức của người Việt, việc thờ cúng là việc linh thiêng, trang nghiêm, thể hiện tư tưởng, đạo lý “chim có tổ, người có tông”. [35, tr.187]
Đến vùng đất mới, những lưu dân vẫn không bao giờ quên đi cội nguồn, gốc gác tổ tiên. Bởi họ quan niệm ông, bà luôn đi theo để phù hộ độ trì, giúp con cháu tai qua nạn khỏi, bình an trong cuộc sống. Trong nghi thức thờ cúng của họcũng phản ánh hoàn cảnh sống cơ cực trong những ngày đầu đến khai phá vùng đất mới. Đó là cảnh cúng ở ngoài sân nhà, trên những tấm ván kê tạm với chiếc chiếu trải để vái lạy dưới đất. Họ lấy lá sen, lá khoai môn đựng cháo, bẻ cọng tre cọng cây làm đũa, lấy gáo dừa làm chén,… Thức cúng cũng bày biện đơn sơ có sẵn trong đời sống hằng ngày.
Người Nam Bộ trước khi làm việc gì quan trọng họ cũng cúng thổ thần. Họ cho rằng, “đất có Thổ công, sông có Hà bá”, nên bất cứ ngành nghề gì cũng có ngày cúng tổ. Họ tin vào sự thiêng liêng của những vật gần gũi, gắn bó với họ. Thậm chí một viên đá tình cờ nhặt được cũng trở thành vật thiêng, được thờ phụng cẩn thận (truyện “Hình bóng cũ”).Hay trong truyện ngắn “Sông Gành Hào”, cha con chú Tư Đức biết rằng giết cá sấu là “sát sanh”,nhưng vì sinh tồn của con người nên buộc phải giết. Vì thế mà sau khi chúng chết thì phải lập miếu thờ, vừa để mở đường tu cho vật, vừa để dưỡng tính cho người… Ở truyện “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” lại có cảnh thợ săn lễ tạ sau khi giết được con cá sấu hung bạo của ông Năm Hên. Hình ảnh nhân vật cầm bó nhang đỏ rực quơ đi quơ lại khấn vái bằng những lời bi ai để tế những oan hồn đã bị hùm tha, sấu bắt đã
bỏ mạng trên bước đường mưu sinh là một nghi thức bày tỏ lòng thành của bản thân.
Cùng nhau đến nơi mảnh đất xa lạ, không còn sự gắn kết chặt chẽ của tình nghĩa họ hàng như ở quê hương, bản quán nênhọ phải đoàn kết, yêu thương, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Bất cứ gia đình nào có việc hiếu hỉ, ma chay thì mọi người đều có mặt để sẻ chia, giúp đỡ. Đó cũng là dịp để thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, là dịp để bà con hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỉ niệm đã qua. Trong truyện “Cậu Bảy Tiểu”, Sơn Nam đã tái hiện cảnh tang ma đặc trưng ở Nam Bộ. Ở đó, dân chúng cùng nhau tụ họp, mỗi người việc việc để giúp đỡ gia chủ. Điều đặc biệt nữa là họ quan niệm, chết là đi đến một thể giới khác nên họ không quỵ lụy, đau buồn: “Đến đám ma, họ giết heo, uống rượu, đánh trống, đờn cò”[33, tr.176].
Những người lưu dân rất tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia. Người đã chết nếu không được cúng kiếng để siêu thoát thì hồn vía họ cứ luẩn quẩn bên cạnh người thân hoặc người đã làm điều tội lỗi với mình. Chúa Ngưng và Ma Nương trong truyện “Hình bóng cũ” của Sơn Nam chính là hai vị thần cai quản đất đai như “Thổ Công” ở miền ngoài. Tập tục “lên xác” xuất hiện trong các truyện ngắn của nhà văn giống với hình thức “lên đồng” ở miền Trung và miền Bắc nhưng ở miền Nam nó có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu, lúc nào.
Ở Nam Bộ, đình làng, miếu miễu không chỉ thờ Thành hoàng, Thổ thần mà còn là nơi thờ cúng các vị anh hùng đã xả thân vì cộng đồng. Trong truyện “Con ngựa đất”, ông Hương cả Ban khẳng định trước mặt tên quan tham biện chủ tỉnh rằng đình làng này trước kia thờ cúng ông Nguyễn Trung Trực. Những người anh hùng có công với dân đều được dân quý mến và tôn thờ trang trọng ở nơi linh thiêng nhất. Vì thế, Nam Bộ ngày nay còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa như đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, lăng Hoàng Gia, lăng Tứ Kiệt,…
Những lưu dân khi tìm đến vùng đất Nam Bộ vốn đã mang trong mình khát vọng tự do, không chịu sự gò bó bởi những khuôn phép, lễ giáo hà khắc. Tính cách ấy gặp điều kiện thuận lợi của miền đất mới nên càng được phát huy tối đa. Do chủ yếu gắn bó với nghề làm nông, nghề rừng và đánh bắt thủy sản nên họ thường làm theo thời vụ. Những lúc rảnh rỗi họ thường giải trí bằng nhiều cách như cờ bạc, ăn nhậu và đặc biệt là ca hát. Vì thế, các hình thức sinh hoạt văn nghệ có điều kiện hình thành và phát triển rực rỡ ở Nam Bộ.
Nếu ở miền Bắc khiến người ta thường nghĩ đến như hát dân ca quan họ, miền Trung có hát ca trù, cò lả, chầu văn, bài chòi thì miền Nam với lối hát bội và những câu hò, điệu lý cải lương đã thấm sâu vào tâm hồn, đời sống tinh thần của mỗi người dân.Hát Vọng cổ là một trong những sinh hoạt văn nghệ độc đáo ở Nam Bộ. Những khi có dịp, nhiều gia đình thường tổ chức hát cải lương, vọng cổ. Truyện ngắn “Ông già xay lúa”của Sơn Nam miêu tả một khung cảnh cavọng cổ rất ấn tượng ở nhà ông Năm. Ông này vừa xay lúa, cạnh bên là tiệc rượu bởi “ai làm cứ làm, ai hát cứ hát, ai đàn cứ đàn”. Ông Năm bảo chàng ca sĩ: “Thôi làm một bản vọng cổ nghe coi! Lựa thứ nào văn chương hay một chút. Vọng cổ mà văn chương hay! Họ rao sơ sơ rồi bắt đầu: Ác ngậm non Ðoài, ngọn
gió Ðông Nam nó thổi đưa mặt nhựt hồi về nơi Tây Bắc…Bài này trích trong
cuốn “Vọng cổ Bạc Liêu” bán tại chợ Rạch Giá”[35, tr. 159]. Trong truyện “Anh hùng rơm”, thì: “Ruộng đất quá phì nhiêu, chẳng cần bón phân, mỗi công đất thâu hoạch hơn 20 giạ. Qua tháng Mười một, mãn mùa gặt, dân chúng còn hưởng thêm mùa dưa hấu trồng ngay trên ruộng. Nếu trúng mùa dưa thì rõ ràng là vốn một lời mười. Họ tha hồ ăn xài suốt tháng Giêng cờ bạc, đờn ca vọng cổ lai rai đến lúc tháng Ba, sa mưa”[33, tr. 11]. Hầu như mọi người dân ai nấy đều đam mê cờ bạc hoặc đờn ca Vọng cổ mùi mẫn. Với lời ca mềm mại, tươi mát, ngọt ngào; giai điệu du dương, nhạc điệu trầm buồn dễ thấm sâu vào hồn người và mỗi người khi nghe hoặc khi hát đều tìm thấy một phần bóng hình của mình trong đó. Địa chủ nhà giàu thì nghe vọng cổ, ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, còn những người tá điền đi làm thuê làm mướn dù vất vả cực khổ nhưng họ vẫn ca vọng cổ để quên bớt nỗi nhọc nhằn. Đây là một đoạn trong truyện ngắn “Ngày mưa đầu mùa”:"Cả bọn vỗ tay rôm rốp. Tiếng ca vọng cổ bắt đầu. Anh tài tử nọ hớp miếng rượu, gỡ con khô cá sặc nướng, vừa nhai vừa nghĩ ngợi. Khi câu rao đờn ghi ta vừa dứt, nhạc sĩ gõ vào thùng đàn một tiếng cốp thì anh tài tử nọ cũng vừa nuốt xong một miếng khô. Anh ta ca một câu khá dài, đại khái nói về tâm sự bi hùng của tráng sĩ Kinh Kha"[35, tr. 50].
Những người dân Nam Bộ còn rất mê Hát bội. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo có nguồn gốc lâu đời và được các lưu dân “gồng gánh” trên đường Nam tiến để tưởng nhớ nguồn cội từ miền Trung nắng cháy. Ở truyện “Hát Bội giữa rừng” của Sơn Nam có cảnh coi hát rất độc đáo. Dù xóm Khoen Tà Tưng mới chỉ có hai mươi căn chòi lá nhưng mỗi người chia nhau một việc. Với điều kiện xa xôi cách trở, thú dữ, sấu bầy, người dân không nề hà bỏ công
sức dựng rạp giữa sông cho gánh hát trình diễn. Họ lại còn nuôi cơm toàn bộ ban nhạc nam nữ, phải đưa đón diễn viên... Cảnh tượng dưới sông cá sấu ngóng mỏ nhìn, trên bờ cọp trông xuống, giữa sông người dân xúm đen xúm đỏ trên xuồng được bao quanh bởi chiến lũy là hàng rào dựng bằng cây tràm để làm nhà hát, sân khấu.Thật là cảnh tượng có một không hai. Đối với người dân sống giữa nơi hẻo lánh, rừng rậm hoang vu, xem hát còn vui hơn cả khi tết đến xuân về: “Xóm Khoen Tà Tưng rộn rịp còn hơn Tết, suốt ba bốn ngày liên tiếp họ dựng rạp, xốc nọc dưới sông. Mấy anh chị đào kép mới tới vô cùng mừng rỡ, họ cởi áo ra tiếp tay. Nhà cất xong, bây giờ tới lượt lợp lá, lót sàn. Lá dừa mọc sẵn dựa mé. Tràm nhỏ cây, ở đâu mà chẳng có, cứ đốn về lót thế cho sàn. Đêm hát ra mắt, vui quá đỗi là vui! Đào kép thì áo mão xanh đỏ, đầu giắt lông trĩ, ngặt hai bàn chân thiếu hia, thiếu hài. Trống đánh thùng thùng, kèn thổi tò tí te. Hai bên rạp chong bốn ngọn đuốc sáng rực.”[34, tr. 207-208].
Hát bội còn được sử dụng trong các buổi cúng kỳ yên. Đây là lễ tế thành hoàng ở đình làng lớn nhất trong năm của người dân Nam Bộ. Các lễ hội kỳ yên được tiến hành vào đầu năm và cuối năm, để tạ ơn thành hoàng bổn cảnh, các thần linh và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ, giúp dân an cư lạc nghiệp. Ở vùng ven biển, lễ hội nghinh Ông là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa và tâm linh của cư dân. Lễ hội này khi cúng cũng có hát bội để tế thần. Trong ngày hội, hầu hết tàu thuyền đánh cá đều về tập trung về để nghinh Ông, tế lễ, vui chơi và ăn uống. Hát bội có thể xem là món ăn tinh thần cao quý, mang nhiều ý nghĩa truyền thống tốt đẹp. Thế nhưng theo thời gian, lại có thêm những hình thức văn nghệ mới được hình thành. Chẳng hạn như hát cải lương. Thể loại này ra đời tính đến này đã tồn tại gần một trăm năm và gắn bó với đời sống văn hóa của người Nam Bộ.
Nét sinh hoạt văn hóa độc đáo khác nữa cần phải kể đến là hò đối đáp mà dân Nam bộ còn gọi tên khác là Hát huê tình. Chính điều kiện, môi trường sông nước kênh rạch chằng chịt đã tạo thuận lợi cho hình thức nghệ thuật này phát triển. Người dân hò trên sông nước, trong những lúc làm đồng, trong buổi trà dư tửu hậu hay liên hoan, đám đình,… Đây là hình thức diễn xướng dân gian mà mục đích là để bày tỏ tâm tư tình cảm, giải trí để quên đi những căng thẳng, mệt nhọc sau những giờ lao động vất vả. Cũng nhờ chính những lời hò, lời ca này mà nhiều cặp nên duyên vợ chồng với nhau. Ở truyện “Ngày xưa tháng chạp”, nhân vật ông Ba giải thích rằng: “Hồi đó, hò có lớp lang đầu đuôi. Thầy hò phải giỏi như thầy tuồng. Mới vô là câu dạo đầu. Chúc mừng lẫn nhau, chúc mừng
chủ ruộng, tạ ơn Thần Nông” [38, tr.157]. Trong một truyện khác là “Con Bảy đưa đò”, Sơn Nam tái hiện cảnh hò đối đáp trên sông nước thật thi vị giữa chàng khách lạ và cô Bảy đưa đò: “Khách bên xuồng nọ lên tiếng: Ớ nàng ơi! Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng. Nàng còn nghĩ phận
chữ tùng, thì trao dây xích buộc vòng sau đây. Tức thì khách quày xuồng đi
trước, rủ con Bảy tranh tài với khách. Nào chịu thua, con Bảy liền bơi theo sau. Mái chèo nhịp nhàng: Đêm khuya anh thức dậy xem trời/ Anh thấy sao Nguyệt Bạch, ngó xuống lòng rạch, anh thấy con cá chạch nó lội đỏ đuôi/ Nước chảy xuôi, con cá buôi nó lội ngược/ Nước chảy ngược, con cá nược nó lội theo/ Anh than với em rằng số phận anh nghèo/ Đũa tre đâu dám đánh đèo với đũa mun.Giọng con Bảy lảnh lót đuổi theo:Canh khuya em thức dậy, em lau nĩa rửa dĩa, dọn bàn/ Tay em sang rượu chát, miệng em hát một đôi câu / Trên lầu kia có tiếng chuông đánh rộ/ Dưới nhà việc trống để tàn canh / Em đây lịch sự chi đó mà đi đâu năm bảy người giành?/ Giả như con cá kia ở chợ, dạ ai đành nấy mua.”[33, tr. 240]. Hò đối đáp đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần và được thể hiện đặc sắc trong nhiều truyện của Sơn Nam như “Ngày xưa tháng chạp”, “Chuyện rừng tràm”, “Cô Út về rừng”, “Ngó lên sở thượng”,…
TIỂU KẾT
Trong chương ba, chúng tôi đã đi vào tìm hiểu truyện ngắn Sơn Nam trên những phương diện về vẻ đẹp hương sắc Nam Bộ. Bức tranh thiên nhiên được nhà văn miêu tả sinh động ở nhiều góc độ: đó là vẻ đẹp vừa cổ sơ, bí ẩn nhưng cũng vừa hết sức khắc nghiệt đối với con người. Tuy nhiên, với sự màu mỡ, trù phú vượt trội, thiên nhiên nơi đây đã cung cấp một nguồn sản vật vô cùng to lớn, giúp con người tồn tại, an cư lạc nghiệp. Mảnh đất cực Nam đã trở thành “miền đất hứa” đối với những người dân đi mở đất. Họ không phải lo lắng đến chuyện “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” mà sống vẫn một cách thoải mái, ung dung, yêu đời đúng với bản tính vốn có.
Bên cạnh đó, Sơn Nam đã đưa người đọc trở về với những giá trị văn hóa, phong tục, những giá trị cội nguồn mang nét đặc trưng riêng khó lẫn của người dân Nam Bộ.Đó là lối ứng xử linh hoạt với cộng đồng, dung hòa với tự nhiên; là nét sinh hoạt tín ngưỡng, phong tục mang đậm bản sắc Nam Bộ. Những giá trị đó được xem là hồn cốt tạo điểm nhấn, giá trị riêng cho tác phẩm truyện ngắn. Ông đã có đóng góp xuất sắc khi làm rõ nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Nam Bộ trong bức tranh đầy sắc màu của văn hóa Việt Nam nói chung.
KẾT LUẬN
Sơn Nam được mệnh danh là “một thổ công của Nam Bộ”, nhà văn hóa, nhà biên khảo lớn về văn hóa văn học miền Nam. Ông là một trong những nhà văn có thể xếp vào hàng tác gia của văn học Việt Nam hiện đại. Là tác giả hiếm hoi ở mảnh đất Nam Bộ viết thành công ở nhiều lĩnh vực và được độc giả rất mực yêu mến.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nơi đây. Vì thế, tâm hồn Sơn Nam ngay từ nhỏ đã được tưới tắm bởi vẻ đẹp hoang sơ của cánh đồng lúa chín, tâm trí ông đã in hằn, thuộc làu cảnh nắng, mưa, lên xuống của mùa nước nổi, tiếng xào xạc của những rừng đước, rừng tràm và tiếng ríu rít của những đàn chim cuối chiều bay về tổ. Tất cả những điều đó đã trở thành một mảnh tâm hồn, thành những trải nghiệm đáng quý để ông ghi dấu vào các truyện ngắn của mình.
Hơn sáu mươi năm cầm bút, lăn lộn khắp các vùng của miền Nam lục tỉnh và cùng với quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông đã để lại một di sản