Văn hóa ứng xử của người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện ngắn sơn nam (Trang 76 - 81)

6. Bố cục của luận văn

3.2.1. Văn hóa ứng xử của người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam

Trong cuốn sách “Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ”, các tác giả cho rằng: “Những khám phá cổ học trên đất Nam Bộ đã cho biết rằng từ thuở xa xưa, ít ra là cách ngày nay khoảng từ 4000 đến 2500 năm, con người đã có mặt trên vùng đất này và phạm vi cư trú cùng hoạt động của lớp cư dân đầu tiên ấy bao quát một địa bàn rộng lớn với những mật độ cư trú khác nhau”. Trải qua quá trình thời gian, những lưu dân đi tiên phong đến an cư, lập nghiệp đã tạo nên một diện mạo mới về văn hóa cho mảnh đất này. Nói cụ thể hơn, văn hóa Nam Bộ là sự tổng hợp, giao thoa của văn hóa bản địa trước đó và sau này; là sự tổng hợp về thái độ sống, cách ứng xử của con người Nam Bộ trong đời sống, quan hệ xã hội với nhau và trước thiên nhiên.

Sơn Nam được coilà "nhà Nam Bộ học", người có cách nhìn khái quát, xuyên suốt và sâu sắc về văn hóa Nam Bộ. Nhà văn Nguyễn Trọng Tín đã từng nhận xét: "Nhà văn Sơn Nam là một trong hai người còn lại hiểu biết nhiều về Nam Bộ. Ông có nhiều cống hiến cho văn chương và là người đứng đầu trong số các nhà văn Nam Bộ. Bên cạnh sự nghiệp sáng tác, ông còn rất nhiều công trình khảo cứu và sưu tập về văn hóa Nam bộ. Ðặc biệt, ông là người hiểu biết quá

trình hình thành dải đất Nam Bộ. Từ hiểu biết uyên bác đó ông lại thể hiện bằng những trang viết rất giản dị khiến nhiều tầng lớp độc giả đều đọc và dễ hiểu tác phẩm của ông". Sơn Nam viết nhiều đề tài, nhiều thể loại và xâu chuỗi lại có thể thấy ông đã vẽ nên diện mạo văn hóa Nam Bộ theo một phong cách riêng. Theo ông thì “Văn hóa đứng im một chỗ là văn hóa chết. Sống động, thích ứng với hoàn cảnh, đó mới là văn hóa, đúng theo nghĩa của nó”.

Qua các truyện ngắn của Sơn Nam, người đọc dễ dàng nhận thấy một điều rất có ý nghĩa. Đó là cùng với những thành tựu văn hóa vật thể, người dân Nam Bộ trong quá trình mưu sinh đã tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần rất đặc sắc. Nổi bật trong đó là sự linh hoạt và sự dung hòa của văn hóa ứng xử.Người Nam Bộ coi dung hòa, linh hoạt trong lối sống, cách sống là điều cốt lõi nhất. Nó là nguyên tắc ứng xử quan trọng nhất, được thể hiện một cách xuyên suốt trong đời sống hàng ngày, không chỉ giữa con người với nhau mà với thiên nhiên cũng như vậy.

Ngay từ đầu, ngoài số cư dân bản địa có mặt từ trước, đa số những lưu dân đặt chân đến vùng đất mới là dân nghèo đi tìm nơi an cư lạc nghiệp; cũng có người vốn là tội đồ, tù nhân chạy trốn sự truy đuổi của chính quyền; bên cạnh đó còn có thêm người Hoa, Chăm, Khmer,… cũng đến đây kiếm sống. Lúc vừa đặt chân đến, của cải vốn liếng hầu như không có, họ phải sống dựa vào thiên nhiên. Sau đó, họ chăm chỉ, cần mẫn làm ruộng để ổn định dần cuộc sống. Nghề làm nông vốnlà nghề ổn định nhất đối với người Việt, vì không thất nghiệp. Người có tiền của thì làm chủ, thuê nhân công khai phá đất đai. Người ít vốn hoặc tay trắng thì tự mình khai khẩn hoặc làm thuê, làm mướn. Trong “Một vũng máu tầm thường”, nhân vật Tư Tôm từng lấy nghề trộm cắp để sinh sống nhưng cuối cùng vẫn quay về chọn nghề nông, dù cơ cực nhưng sống lương thiện và đem lại sự no đủ, ổn định. Sống nơi thiên nhiên ưu đãi, nơi mà mọi người quan niệm “làm chơi ăn thiệt”, họ dựa vào đất đai, sông nước, rừng cây… để kiếm kế sinh nhai. Bên cạnh làm nông, còn có làm nghề vườn, trồng cây ăn trái, buôn bán kiếm lời. Trong truyện “Bức tranh con heo”, ông hương trưởng làm nghề đốn củi rồi khi gia đình đã khá giả, có chút vốn liếng vợ chồng ông

mua đất, lập vườn” trồng trọt, mở rộng vườn tược. Khác với nông dân Bắc Bộ

hay Trung Bộ, người dân nơi đây không chỉ trồng lúa mà còn biết đào kênh dẫn nước, tạo nên các miệt vườn, trồng nhiều loại hoa quả giá trị nên đời sống sung túc. Theo Sơn Nam, miệt vườn là tên gọi những vùng cao ráo, có vườn cam

vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre,… Dân Nam Bộ có câu hò:"Chuồn chuồn bay thấp/ Mưa ngập ruộng vườn/ Nghe lời nói lại càng thương/ Thương

em, anh muốn lập vườn cưới em”…

Tuy làm ruộng và lập vườn được nhiều người chọn lựa, nhưng những lưu dân thời kỳ đầu khẩn hoang còn chọn nghề rừng và nghề đánh bắt thủy sản. Câu tục ngữ “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” là nhằm nói đến hai nghề khổ cực nhưng cũng là kế sinh nhai chính của nhiều người. Bởi với nguồn lợi thiên nhiên màu mỡ, trù phú, sẵn có thì họ chỉ cần lấy về sử dụng. Nghề “phá sơn lâm” là chặt cây, xẻ gỗ làm nhà; đốn củi đốt than; đốt rừng làm rẫy,… Những nhân vật như Tư Châu Xương, Năm Bình Thủy, chú Tư Đức,… chỉ dựa vào đấy để sinh sống. Ngoài ra,còn có những nghề rất lạ khác mà chỉ Tây Nam Bộ mới có như đốt ong lấy mật hoặc “len trâu”. Nghề len trâulà cách gọi công việcchăn trâuvào mùa nước nổi. Khi hết mùa lụt lội, những người cai thầu mà dân nơi đây gọi là “tằng khạo” (người làm thuê) lùa trâu về cho người chủ đã thuê mình và nhận tiền công. Ngoài ra, còn vô số nghề khác như nghề bắt cá sấu (truyện “Bắt sấu rừng U Minh Hạ”, “Con sấu cuối cùng”, “Sông Gành Hào”,…), nghề bắt chim (truyện “Tháng chạp chim về”, “Con trích ré”), nghề bắt rùa (truyện “Cấm bắt rùa”), nghề bắt rắn (truyện “Con rắn ri voi”), nghề bắt cọp,… Đã là nghề nghiệp thì tất yếu sẽ có những điều được coi là “bí quyết” hành nghề. Ở truyện “Người mù giăng câu”, có đoạn miêu tả rất hay về bí quyết bắt cá của một cao thủ. “Ở Rộc Lá này, cá tôm quá nhiều so với mấy nơi khác trong ấp. Từ tháng mười đến tháng giêng, cá lội từng bầy trở về sông Cái, suốt ngày suốt đêm không ngừng. Ban ngày, cá đi đớp bọt, trắng bờ rạch. Ban đêm thức giấc vào bất cứ lúc nào, ta cũng nghe cá lóc táp mồi, cá trê chép miệng kế bên nhà. Nguồn lợi to tát vô cùng!”[35, tr. 98].Nhân vật chính trong truyện là ông lão mù, đơn độc, già cả vẫn câu được rất nhiều cá vì đã đúc kết được kinh nghiệm sâu sắc: “Vào đầu mùa, cá thường ăn mồi khi nước lớn. Giữa mùa, cá ăn lúc chạng vạng, lúc trăng sửa soạn mọc. Hừng sáng, chừng đâm mây ngang, cá trở lại ăn một lần chót.”[35, tr. 98]. Ông nắm được đặc điểm của từng loài cá: “Rạch nào lắm ghe xuồng qua lại, cá ăn ở sát bờ. Rạch nào im lặng, cá lội ngay giữa dòng. Trước khi giăng cá trê, phải quậy cho nước đục. Mỗi chỗ cá chỉ ăn một lần”[35, tr. 98]. Quả thật, phải là người từng trải trên sông nước, gắn bó sâu sắc với nghề giăng

câu mới có thể thông thuộc được như vậy. Đấy là cách tận dụng quy luật tự nhiên, tận dụng thiên nhiên khéo léo của người dân Nam Bộ.

Thậm chí họ còn đặt ra những quy ước, “quy tắc” hành xử rất lạ mà chỉ ở vùng đất này mới có. Chẳng hạn quy tắc “không tận diệt” của những người thợ hành nghề bắt sấu ở miền đất này. Trong truyện “Sông Gành Hào” có một tình tiết rất thú vị. Số là sau khi Tư Đức diệt được một con sấu dữ thì ông kiểm lâm Rốp yêu cầu phải giết nốt con còn lại. Nhưng Tư Đức không đồng ý. Nguyên nhân khiến anh từ chối rất đơn giản. Đây là đoạn đối thoại giữa người thợ săn U Minh với viên kiểm lâm người Pháp: “Ông lớn nói đúng. Nhưng mình giết một con là đủ rồi, giết hết mình có tội với trời đất. - Tội gì vậy, chú Tư? -Tội sát sanh. Để con còn lại cho nó đi tu. Đạo Phật của ông bà có nói lại như vậy đó. Ông Rốp suy nghĩ mãi, vuốt râu: Dân An Nam giỏi quá, hiền từ quá”[35, tr.202]. Đến khi kiểm lâm Rốp muốn thưởng tiền cho công trạng giết sấu thì Tư Đức lại khiến Rốp lại một lần nữa bất ngờ. Anh chỉ xin được cất một cái miễu để thờ con sấu vừa bị giết. Theo Tư Đức, bất luận là sấu hay cọp, hễ nó hại mình thì mình giết. Nhưng khi đã giết được nó rồi thì nên thờ, vì còn phải cho nó cơ hội để nó còn tu tâm dưỡng tánh trong kiếp sau.

Nét linh hoạt, dung hòa trong văn hóa ứng xử của người Nam Bộ còn thể hiện rõ qua cách di chuyển, cư trú, ẩm thực…Chẳng hạn với hệ thống sông ngòi dày đặc, phần nhiều là vùng ẩm thấp, mặt nước nhiều hơn đất gò bồi nên người Nam Bộ cũng rất linh hoạt trong cách cư trú. Trong truyện ngắn Sơn Nam, ta thấy cảnh người dân dựng nhà nổi, nhà sàn hoặc chòi để ở. Nhà sàn làm bằng những vật liệu có sẵn như cây dừa nước, cây đước, cây bần, cây tràm. Họ dựng nhà sàn ngay trên sông, hoặc nửa trên cạn nửa dưới nước; mục đích là để tránh lũ lụt, sự ẩm thấp dễ gây dịch bệnh và tránh thú dữ, rắn rết. Nhà thường hướng mặt ra sông… Một dạng nhà kháclà nhà chòi. Đây là kiểu nhà tạm bợ nhưng rất phổ biến đối với những người hay di chuyển để làm việc theo thời vụ, theo mùa. Kiểu nhà chòi đơn sơ, nhỏ bé này thường được dựng lên dọc các bờ sông, bờ rạch, vàm, cửa sông hay ở ngoài vịnh xa xôi...

Ngoài ra, còn một hình thức cư trú rất “đặc biệt” nữa là ở luôn trên ghe, trên xuồng. Ghe, xuồng vừa là phương tiện đi lại, di chuyển nhưng đồng thời cũng là nơi che mưa che nắng trên bước đường mưu sinh. Chẳng hạnhai cha con chú Tư Đức trong truyện “Sông Gành Hào” sống lang bạt bằng nghề đốn củi lậu, sống cảnh “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Khi bị kiểm lâm Rốp bắt vì

tội chở củi lậu và trục xuất về quê thì thành thật: “Chết thì tôi chịu chớ tôi thề không đi về. Cha con tôi không có nhà cửa gì ráo. - Vậy chớ mọi khi chú ăn cơm tại đâu, ngủ tại đâu? - Dạ thưa ăn tại xuồng này, ngủ tại xuồng này. Nó là cái nhà của tôi”[35, tr. 186]. Hay trong truyện “Đại chiến với thầy Chà”: “Tôi tên Chòi Mui. Vì hồi mới lại rừng này, tôi nghèo quá không có nhà, xin một cái mui ghe cũ của người ta về để tạm trú ẩn. Chòi Mui nghĩa là cái Chòi làm bằng Mui ghe. Lối xóm kêu như vậy riết rồi thành quen”[34, tr.56].

Sống nhờ vào thiên nhiên, tận dụng tiện ích từ đó để phục vụ cho nhu cầu của mình là cách ứng xử thông minh. Chẳng hạn tục “thủy táng” người chết trong mùa lũ (truyện “Một cuộc biển dâu”); cất nhà chòi, nhà sàn (nước dâng cao thì nhà cũng nâng cao); trâu bò không có cỏ ăn thì “len” lên vùng Thất Sơn, Ba Thê cao ráo, chờ hết lũ lại về. Thậm chí có cả những việc mà người xứ khác không thể nào tưởng tượng nổi. Trong truyện “Tình nghĩa giáo khoa thư”, nhân vật Tư Cóchở khách, đến chỗquá hẹp, liền nghĩ ra cách “chèo khô”đáng kinh ngạc: “Con rạch thâu hẹp lại. Chiếc tam bản lắc nghiêng như trái dừa khô trên mặt nước đầu sóng gió. Anh trạo chèo một chèo, nghiêng mình bên hữu. Rồi bỗng nhiên anh chụp mỗi tay một cây chèo mà chèo trên đất khô bên bờ rạch. Chiếc tam bản lại lướt nhanh trong lòng nước quá hẹp, vừa đủ lọt bề ngang (…) Mọi lần mùa hạn, nước cạn queo, dưới sông đầy bùn non, tôi cưỡi trâu trên bờ mà kéo. Chiếc tam bản đi như cộ kéo lúa...”[35, tr. 260]. Trong truyện “Vẹt lục bình”, lão Ngượt đã dạy nhân vật Hai Cần những kĩ năng trên sông nước có một không hai: Khi đi xuồng trên rạch nước chảy xuôi mà gió ngược thì lấy sợi dây ở mũi xuồng buộc vô gốc cây Bần này cho thật chắc. “Nó trôi theo dòng nước, nó kéo xuồng mình đi tới càng nhanh, bất chấp gió thổi ngược ra sao”[38, tr. 235]. Rồi khi gặp trường hợp nước chảy ngược mà gió xuôi thì cách khắc chế nó là “một nắm gió bằng ba bó chèo”, chỉ cần chặt một tàu dừa nước để làm buồm, “dựng tàu lá này lên cao, cho nó bọc gió” [38, tr. 237]. Sống nơi muỗi mòng, rắn rết nhiều vô kể, họ tạo ra cái phảng để mở đường, cắt cỏ; cái cà rang để nấu

ăn; cái nóp để đêm đến chui vào đó tránh muỗi và thú dữ... Rõ ràng, đây là

những ứng xử linh hoạt của con người với tự nhiên trong môi trường sông nước. Có thể thấy người dân Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam rất sáng tạo, linh hoạt trong việc mưu sinh. Khác với người phương Tây luôn tìm cách chinh phục, cải tạo thiên nhiên thì người dân nơi đây lại tìm cách tận dụng thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để kiếm sống và cư trú.

Trong giao tiếp, sinh hoạtcộng đồng, văn hóa ứng xử của người Nam Bộ có những nét đặc sắc riêng.Trên nền tảng của văn hóa Việt Nam, con người nơi đây đã sáng tạo thêm những giá trị độc đáo, vừa để thích ứng với điều kiện và môi trường sống đặc thù vừa đóng góp vào di sản chung của dân tộc. Điều kiện sống có nhiều khác biệt đã làm cho văn hóa Nam Bộ có bản sắc dễ nhận thấy. Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành thông chí có nhận xét về lối sống của người dân xứ này: “Khi khách đến nhà, đầu tiên gia chủ bày trầu cau, sau dọn tiếp cơm bánh, thết đãi chu đáo đầy đủ, không kể là người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu, tất cả đều được đón nhận tiếp đãi đàng hoàng cho nên người đi chơi không cần đem theo lương thực, nhưng lại khiến có nhiều người trốn tránh pháp luật hay đến xứ này, bởi đã có chỗ ăn ở vậy”. Sự hiếu khách của người dân Nam Bộ được Sơn Nam mô tả trong nhiều truyện như “Ruộng lò bom”, “Đại chiến với thầy Chà”, “Một vũng máu tầm thường”,… Ở truyện “Ruộng lò bom”có nhân vật Tư Cồ là người lớn xác, vai u thịt bắp, lang bạt khắp Nam kỳ lục tỉnh, đi làm thuê làm mướn mọi nơi, chán chỗ này thì đến chỗ khác, đi đâu cũng có đất sống, cũng được đón tiếp, chẳng lo chuyện cơm áo gạo tiền. Hay như ông Chòi Mui tiếp đón thầy Chà, dù không có tiền nhưng ông vẫn đêm hôm “dám chống xuồng lại tiệm mua chịu nửa lít rượu đãi khách. Về nhà, ông bắt hai con cá lóc đốt lửa nướng trui”[34, tr.53]. Con người miền Nam sống hào phóng, tận tình giúp đỡ người khác mà không bao giờ tính toán, so đo thiệt hơn. Với cách sống như vậy đương nhiên là họ cũng rất ghét sự giả dối, lừa lọc.

Mang trong mình khí phách của những người “mang gươm đi mở cõi” cho nên cách cư xử thường thẳng thắng, bộc trực; không vòng vo, úp mở, không giả tạo, quỵ lụy, van nài… Nhân vật trong các truyện của Sơn Nam như “Xóm Bàu Láng”, “Cậu bảy Tiểu”, “Đảng cánh buồm đen”, “Hình bóng cũ”,…dù giàu sang hay nghèo khó đều giống nhau ở tinh thần khảng khái. Họ có thể nhận phần thiệt về mình mà không oán trách, tủi hờn. Tính cách hiếu khách, ngay thẳng, phóng khoáng đã tạo nên một bản sắc riêng về về con người nơi đây mà khiến ai cũng yêu mến, trân trọng.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện ngắn sơn nam (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)