2.1.2.1 Kết quả đạt được
Sau một thời gian quản lý điều hành và đúc rút kinh nghiệm triển khai, Vietsovpetro đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý điều hành DA các Lô hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí nói chung. Đồng thời, lợi thế của việc nắm giữ vai trò Người điều hành của các DA hợp đồng chia sản phẩm dầu khí như dự án Lô 09-3/12, Lô 09-2/09 là Vietsovpetro hoàn toàn chủ động về mặt quản lý và kiếm soát DA.
Về hành lang pháp lý:
- Đã tổ chức xây dựng điều lệ dự án một cách bài bản các nội dung như hồ sơ kinh doanh, các thỏa thuận chặt chẽ về các phương diện của Dự án;
- Các văn bản hiện tại đã tương đối đầy đủ, đảm bảo quy trình phối hợp giữa các Phòng/ Ban chuyên môn khi triển khai các công việc của DA;
- Liên kết chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của tất cả các Ban chức năng trong xử lý công việc theo quy trình phối hợp;
- Có nhiều thuận lợi trong phối hợp triển khai/xử lý công việc, phân định rõ sự tham gia về mặt chuyên môn của các Phòng/ Ban chức năng;
- Tạo sự gắn kết chặt chẽ và thông suốt giữa Ban quản lý hợp đồng dầu khí, Nhóm QLDA Hợp đồng dầu khí các Lô 09-3/12, Lô 09-2/09 và các Đơn vị/ Phòng/ Ban;
- Đảm bảo tăng cường công tác hậu kiểm và giám sát quản lý các DA hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.
Về công tác lập các báo cáo “Đánh giá tiềm năng dầu khí và khả năng đầu tư vào công tác thăm dò và khai thác dầu khí các Lô 09-3/12, Lô 09-2/09 thuộc bể Cửu Long thềm lục địa Việt Nam” đã đánh giá đầy đủ các khía cạnh để có cơ sở thực hiện đầu tư vào dự án. Đã thực hiện đầy đủ các báo cáo về kế hoạch QLDA theo yêu cầu của Nhà nước, đặc thù của ngành Dầu khí bao gồm các báo cáo ODP, FDP, FEED, DE….
Về tổ chức quản lý, Vietsovpetro đã thiết lập được mô hình DA với việc phân quyền trách nhiệm từ Ban Tổng giám đốc theo lĩnh vực chuyên môn riêng biệt tới các Phó Tổng giám đốc phụ trách và các Phòng/ Ban/ Đơn vị phụ trách. Đối với các Dự án thuộc Lô 09-3/12, Lô 09-2/ 09, đã xây dựng được cấu trúc tổ chức bộ máy QLDA tương đối đầy đủ để có thể quản lý tất cả các mặt của các Dự án hợp đồng dầu khí do Ban QLHĐDK trực tiếp quản lý;
2.1.2.2 Hạn chế
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc quản lý tổng thể các dự án hợp đồng dầu khí vẫn còn một số tồn tại:
Theo thực tiễn công tác điều hành và cơ chế phối hợp trong việc triển khai DA, do Vietsovpetro đồng thời thực hiện nhiều vai trò từ hoạt động điều hành các Lô hợp đồng dầu khí như một phần hoạt động vận hành, khai thác và sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro, hoạt động như NĐH của một công ty hoạt động chung (JOC) đến việc tự thực hiện hầu hết công việc bằng nguồn lực nội bộ như một hình thức cung cấp dịch vụ của các nhà thầu đã dẫn đến tình trạng gây nhầm lẫn, khó phân biệt công việc của NĐH và công việc của Nhà cung cấp dịch vụ nội bộ cho các dự án hợp đồng dầu khí;
Thiếu sót xây dựng các quy trình, quy chế và hướng dẫn phục vụ cho các công tác quản lý, điều phối dự án hợp đồng chia sản phẩm dầu khí của Ban QLHĐDK về các lĩnh vực QLDA hài hòa và phù hợp với các vai trò của Vietsovpeotro như đã nêu ở trên về các lĩnh vực quản lý tổng thể dự án, quản lý tiến độ, quản lý rủi ro, quy chế nhân viên điều hành dự án...
Một số quy trình, quy chế hiện hành của Vietsovpetro được xây dựng cho Lô 09- 1 với đặc thù khác biệt, chưa phù hợp với tính chất của các Hợp đồng chia sản phẩm (PSC), ví dụ như:
+ Quy chế VSP-000-KTKH-209 về quản lý dự án đầu tư liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro chỉ áp dụng cho các dự án mua sắm tài sản máy móc;đóng mới & cải hoán các giàn khoan, giàn khai thác, tàu biển, phương tiện nổi; các dự án dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Chưa có quy trình về quản lý điều hành các DA hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (Dự án về tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí (E&P)).
+ Chưa xây dựng hoàn chỉnh quy chế mua sắm riêng cho các DA hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí. Hiện tại, quy trình mua sắm đang áp dụng được xây dựng từ quy chế mua sắm chung từ Lô 09-1 (có đặc thù khác với các dự án hợp đồng dầu khí mới) dẫn đến thời gian mua sắm dài, không đáp ứng kịp tiến độ của DA dẫn đến tình trạng thiếu hụt vật tư thiết bị; gây khó khăn và phức tạp trong việc hoàn thành công việc của DA, là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm chậm tiến độ tổng thể của DA.
Quy định về quản lý dự án và quản lý đầu tư còn chồng chéo khi Vietsovpetro là doanh nghiệp nhà nước, dẫn tới khối lượng công việc lớn và khó minh giải phạm vi quản trị/đối tượng báo cáo theo thẩm quyền.
Hầu hết các phòng chuyên môn trực thuộc bộ máy điều hành chất lượng tổ chức thực hiện các công tác chuẩn bị cho các dự án đầu tư và theo dõi quá trình thực hiện đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu. Các phòng/ ban chuyên môn chưa thực sự chuyển biến theo mô hình tổ chức mới trong công tác quản lý dự án đầu tư các hợp đồng dầu khí mà vẫn tập trung vận hành theo đường lối quản trị của loại hình công ty Liên doanh giữa 2 nhà nước theo Hiệp định Liên chính phủ cho Lô 09-1.
Chưa xây dựng chính sách nhân viên riêng cho từng loại hình DA, hiện đang áp dụng chính sách nhân viên chung của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, nên hạn chế sự khuyến khích đối với nhân sự tham gia trực tiếp quản lý và điều hành DA.
Công tác báo cáo/chỉ đạo (Dự án<-> Liên doanh và Dự án <-> Tập đoàn) còn có trùng lặp do một số quy định chưa đồng nhất giữa PSC, JOA và các quy định nội bộ. Khối lượng dự án nhiều trong tương quan đầu mối quản lý thu gọn, đôi khi dẫn đến tình trạng quá tải công việc.
Công tác lập báo cáo đầu tư vẫn còn nhiều tồn tại như chất lượng báo cáo phục vụ nghiên cứu, đánh giá để đầu tư vào dự án chưa cao, có một số dự án báo cáo đầu tư phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, thời gian thực hiện công tác tư vấn còn chậm.
Các hạn chế tại hệ thống biểu mẫu và cấu trúc chỉ tiêu quản lý ngân sách/chi phí của các DA hiện tại như:
+ Không thống nhất về biểu mẫu, chỉ tiêu quản lý và mức độ chi tiết của các hạng mục giữa các DA và nhóm DA (thăm dò/phát triển/khai thác);
+ Không đồng nhất về cấu trúc các chỉ tiêu tại biểu mẫu CTCT&NS được duyệt, gọi vốn và báo cáo chi phí;
+ Chưa thống nhất cách hiểu đối với hạng mục ngân sách chính, làm cơ sở kiểm soát giới hạn vượt 5% và 10% theo quy định của hợp đồng chia sả phẩm dầu khí (không phù hợp giữa hạng mục ngân sách chính G&G và khoan); lập ngân sách đối với các hạng mục CTCT&NS kéo dài nhiều năm, quy định về việc chuyển ngân sách sang năm tiếp theo, ...