I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ GIAO TIẾP
1. Khái niệm chung về giao tiếp
1.2. Chức năng của giao tiếp
Giao tiếp có nhiều chức năng khác nhau phục vụ cho nhóm người hay từng thành viên trong xã hội. Có thể nêu lên những chức năng sau:
- Chức năng thông báo (truyền tin): Thông qua giao tiếp, con người chia sẻ thông tin, tình cảm, nói ra các mong muốn của mình... Quá trình thông tin có thể diễn ra hai chiều giữa hai người hay hai nhóm người
- Chức năng điều khiển, điều chỉnh hành vi, hoạt động: Thông qua giao tiếp, con người thúc đẩy, điều khiển hành vi của người khác theo hướng mong muốn, con người kết hợp hành động để tạo ra kết quả tốt hơn
- Chức năng tổ chức, điều khiển phối hợp hành động cuả một nhóm người trong một hoạt động cùng nhau (Thí dụ "hò dô ta" hoặc đếm "một hai ba" để cùng nhau nâng mội vật nặng chẳng hạn).
- Chức năng giáo dục và phát triển nhân cánh. Con người không thể sống cô lập, tách khỏi gia đình, người thân, bạn bè và cộng đồng người. Phạm vi giao tiếp của con người ngày càng được mở rộng: từ tiếp xúc với người mẹ đến anh chị em trong gia đình đến thầy giáo và bạn bè ở trường học rồi đến các đồng nghiệp trong một lĩnh vực ngành nghề nhất định. Như vậy, cùng với hoạt động của mỗi cá nhân thì giao tiếp giúp cho con người lĩnh hội được các chuẩn mực đạo đức xã hội, nắm được các kinh nghiệm xã hội lịch sử và hình thành nhân cách.
Ngoài ra, theo quan điểm của nhà ngôn ngữ học, giao tiếp có 6 chức năng:
- Chức năng nhận thức: trao đổi thông tin để nhận thức lẫn nhau và nhận thức những vấn đề 2 bên cùng quan tâm.
- Chức năng cảm xúc: hình thành các cảm xúc và trao đổi các trạng thái cảm xúc, tạo nên những trạng thái cảm xúc giống nhau.
- Chức năng siêu ngữ: Sự trao đổi thông tin không chỉ thông qua các dạng ngôn ngữ thông thường mà còn qua nhiều dạng ngôn ngữ khác làm cho quá trình trao đổi thông tin thêm phong phú cả về nội dung và hình thức trao đổi.
- Chức năng thơ mộng: Mỗi người đều sử dụng những từ ngữ giàu hình ảnh, gợi cảm để bộc lộ nội tâm mình. Nhiều tình huống, con người không thể nói thẳng ý nghĩ của mình mà phải mượn ý của người khác để nói ra làm cho quá trình giao tiếp hấp dẫn.
- Chức năng quy chiếu: Trong giao tiếp con người luôn tìm hiểu đặc điểm tâm lý của đối tượng để đánh trúng các đặc điểm đó, tạo nên hiệu quả cao trong giao tiếp.
- Chức năng duy trì sự tiếp xúc: Nhờ có giao tiếp, sự tiếp xúc giữa con người với con người được duy trì. Nói khác đi, giao tiếp làm cho quan hệ giữa con người với con người được hiện thực hóa, sự tiếp xúc giữa con người và con người đựoc tiếp tục. Nếu ngừng giao tiếp, sự tiếp xúc giữa con người với con người bị gián đoạn.