Khái niệm giao tiếp sư phạm

Một phần của tài liệu BẢN CHẤT và sự HÌNH THÀNH tâm lý NGƯỜI (Trang 50 - 51)

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ GIAO TIẾP

1.Khái niệm giao tiếp sư phạm

Hoạt động sư phạm là hoạt động có tương tác người - người. Vì trong hoạt động sư phạm có sự tương tác qua lại giữa người dạy và người học. Trong hoạt động sư phạm có hoạt động của người dạy và hoạt động của người học. Hai hoạt động này gắn bó chặt chẽ với nhau và phụ thuộc vào nhau. Cả người dạy và người học là chủ thể của hai hoạt động và cũng là chủ thể của quá trình tương tác qua lại giữa người dạy và người học. Sự tương tác ấy được thực hiện bằng giao tiếp giữa người dạy và người học hay còn gọi là giao tiếp SP

Vậy giao tiếp sư phạm là gì ? Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất cho rằng giao tiếp sư phạm là một dạng giao tiếp nghề nghiệp của những người làm việc trong ngành giáo dục, mà chủ yếu là trong những hoạt động sư phạm diễn ra ở nhà trường-đơn vị cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân.

Từ các phân tích về giao tiếp, về hoạt động sư phạm, có thể đi đến quan niệm: Giao tiếp sư phạm là sự tiếp xúc tâm lý giữa người dạy (giáo viên, giảng viên) và người học (học sinh, sinh viên) diễn ra trong các hoạt động sư phạm với mục đích là hình thành nhân cách người học.

Từ quan niệm trên về giao tiếp sư phạm, có thể nhận thấy giao tiếp sư phạm là hoạt động vận hành quan hệ giữa nhà giáo dục và đối tượng giáo dục. Bởi vì quan hệ giữa người dạy và người học đã được xác lập từ trước một cách khách quan mag không có sự lựa chọn. Người học vào học lớp nào, người dạy được phân công dạy lớp nào do sự phân công của nhà trường. Người dạy và người học không hoàn toàn biết trước về nhau. Một số trường hợp người học có thể chọn người dạy nhưng người dạy không biết trước người chọn mình là ai, là người như thế nào. Người học nghe tiếng tăm người dạy hoặc yêu thích môn học mà chọn chứ không hẳn đã biết rõ về người dạy. Hơn nữa, người học chọn môn học chứ không hẳn chọn người dạy. Mà một môn học không phải chỉ một ngưới dạy. Đây là đặc điểm giải thích tại sao phải coi trọng kỹ năng định hướng trong giao tiếp sư phạm.

Giao tiếp sư phạm là một thành phần của hoạt động sư phạm, là phương thức để nhà giáo dục thực hiện chức năng của mình. Hoạt động sư phạm diễn ra chủ yếu trong nhà trường nên giao tiếp sư phạm cũng diễn ra chủ yếu trong nhà trường. Các hoạt động ngoài nhà trường cũng nhằm mục đích giáo dục người học nhưng tỷ trọng không lớn bằng các hoạt dộng trong nhà trường. Do đó, chúng ta chủ yếu phân tích giao tiếp sư phạm với tư cách là hoạt động diễn ra trong nhà trường.

Các hoạt động diễn ra trong nhà trường chính là các hoạt động dạy học và giáo dục. Nhà giáo dục tổ chức các hoạt động để người học lĩnh hội các tri thức, kỹ năng kỹ xảo và rèn luyện nhưng phẩm chất tâm lý cần thiết đủ để đáp ứng được các yêu cầu của xã hội đối với vị trí của họ sau này. Như vậy, giao tiếp sư phạm là điều kiện để thực hiện hoạt động cùng nhau của người dạy và người học. Nếu không có giao tiếp giữa người dạy và người học người học thì không có hoạt động sư phạm.

Quan niệm về giao tiếp sư phạm như vậy cũng phù hợp với xu hướng dạy học hiện nay. Người học không tiếp thu một cách thụ động những gì người dạy muốn truyền đạt mà họ lĩnh hội một cách chủ động. Nghĩa là người dạy và người học là hai chủ thể của hoạt động tương tác qua lại. Người dạy tổ chức, điều khiển, người học chủ động học tập và rèn luyện. Do đó, hoạt động dạy học diễn ra trên nền giao tiếp sư phạm-một hoạt động mà cả hai đều là chủ thể tác động qua lại.

Trong giao tiếp sư phạm có sự tiếp xúc tâm lý giưũa người dạy và người học. Ngoài việc trao đổi thông tin là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo từ người dạy đến người học, người dạy và người học có sự trao đổi cảm xúc, có sự tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau. Sự nhiệt tình say mê tận tụy của người dạy sẽ tác động và truyền sang người học làm cho người học tích cực, tự giác và hứng thú học tập. Vì thế, giao tiếp sư phạm sẽ tạo ra bầu không khí tâm lý thuận lợi cho việc học tập và rèn luyện của người học. Nếu tối ưu hóa được quan hệ người dạy và người học, người học và người học thì hoạt động sư phạm chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao. Đương nhiên, trách nhiệm của việc tối ưu hóa quan hệ người dạy và người học trước hết thuộc về người dạy. Vì người dạy là người tổ chức và điều khiển các hoạt động sư phạm. Người dạy phải có tay nghề, có các kỹ năng tổ chức quá trình giao tiếp sư phạm đạt kết quả tốt. Chính vì thế, người thayd giáo không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải có các kỹ năng nghề nghiệp khác mà kỹ năng giao tiếp sư phạm là kỹ năng quan trọng trong hệ thống các kỹ năng nghề nghiệp của người thày giáo.

Một phần của tài liệu BẢN CHẤT và sự HÌNH THÀNH tâm lý NGƯỜI (Trang 50 - 51)