I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ GIAO TIẾP
1. Khái niệm chung về giao tiếp
1.3. Những đặc trưng cơ bản của giao tiếp
Giao tiếp dù có mục đích gì thì cũng diễn ra dưới dạng trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm… của những người cùng tham gia vào quá trình giao tiếp. Nhờ đặc trưng này mà mỗi người tự hoàn thiện theo yêu cầu của các chuẩn mực chung của các quan hệ xã hội mà họ tham gia vào. Đây là con đường xã hội hoá cá nhân: Giao tiếp đã làm cho con người nhận thức được các yêu cầu của nhóm, của xã hội đối với mỗi thành viên. Khi muốn gia nhập một nhóm xã hội nào đó, con ngưòi phảI tư biến đổi bản thân để theo yêu cầu của nhóm để được nhóm chấp nhận.
Giao tiếp là một biểu hiện của quan hệ xã hội, mang bản chất xã hội. Quan hệ xã hội lại được thực hiện bằng giao tiếp giữa con người với con người. Con người vừa là thành viên tích cực của các quan hệ xã hội với tư cách tự tạo lập nên các quan hệ xã hội vừa phải hoạt động tích cực cho sự tồn tại và phát triển của chính các quan hệ xã hội đó. Trong dạy học và giáo dục, quan hệ giữa thầy giáo và học sinh là một dạng quan hệ xã hội, một tồn tại xã hội khách quan. Quá trình dạy học và giáo dục được tiến hành thông qua hoạt động giao tiếp giữa thầy giáo và học sinh; được quy định rõ ràng trong nội quy của học sinh, trong quy định về quyền hạn và trách nhiệm của thầy giáo do dư luận định hướng. Luật giáo dục năm 2005 đã quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của thầy giáo và học sinh tromgh hệ thống giáo dục quốc dân.
Giao tiếp diễn ra ở cấp độ cá nhân nhưng có nội dung xã hội cụ thể và được thực hiện trong hoàn cảnh xã hội nhất định. Điều đó có nghĩa là: giao tiếp được tiến hành trong một thời gian, không gian và các điều kiện cụ thể. Không có giao tiếp tồn tại ngoài những con
người, cá nhân cụ thể. Vì thế, mỗi người đều mang vào quá trình giao tiếp đặc điểm riêng của cá nhân mình nhưng cũng không vượt qua các quy tắc chung đã được cộng đồng thừa nhận.
Giao tiếp là một hoạt động rất phức tạp của con người, là đối tượng của nhiều khoa học như Xã hội học, Ngôn ngữ học, Lý thuyết thông tin... Mỗi khoa học khai thác giao tiếp ở các góc độ khác nhau nhưng đều thừa nhận vai trò quan trọng của giao tiếp trong đời sống của con người.
Giao tiếp của con người không chỉ xảy ra trong hiện tại, mà bao gồm cả quá khứ và tương lai. Giao tiếp tính chất kế thừa, chọn lựa những gì quá khứ đã trải qua thông qua các phương tiện giao tiếp như ngôn ngữ, các phương tiện kỹ thuật nhằm lưu lại, giữ gìn những giá trị văn hoá tinh thần, vật chất của cộng đồng. Giao tiếp tạo điều kiện phát triển không chỉ nhân cách cá nhân mà còn là tiền đề cho sự phát triển của xã hội, cộng đồng, dân tộc, và hoà quyện vào nền văn minh nhân loại.
Giao tiếp của con người mang bản chất xã hội. Bản chất xã hội của giao tiếp thể hiện ở ở chức năng phục vụ các nhu cầu của xã hội hay của một nhóm người. Con người có đặc trưng là rất cần có giao tiếp với người khác. Cần hòa mình vào với cộng đồng để thỏa mãn các nhu cầu được trao đổi thông tin, kinh nghiệm với người khác, được người khác giúp đỡ trong cuộc sống, sinh hoạt, được người khác yêu thương, chăm sóc, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn. Sống trong cộng đồng, con người có cảm giác an toàn, được gần gũi với mọi người để được bảo vệ, không bị cô lập.
Để thoả mãn nhu cầu giao tiếp con người phải tiến hành hoạt động giao tiếp. Mục đích của hoạt động này là có được sự giao tiếp, trao đổi thông tin, tình cảm, kinh nghiệm của người này với người kia, nhằm thực hiện một hành động nhằm để thoả mãn nhu cầu.