7. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Khái niệm và đặc điểm xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động
động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả
Theo khoản 2, Điều 2, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định “xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”. Theo tác giả luận văn, tác giả đồng nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về khái niệm xử phạt vi phạm hành chính.
Từ đó tác giả hiểu khái niệm xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả như sau: Xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả là hoạt động của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh những đặc điểm chung của hoạt động xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả mang những đặc điểm riêng như sau:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả cần phải xử phạt nghiêm minh, tính răn đe cao. Bản chất của hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả là lừa dối người tiêu dùng để thu lợi bất chính, tước đoạt giá trị vật chất và tinh thần của người khác. Sử dụng hàng giả về lâu dài còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, kinh tế và thậm chí tính mạng của người tiêu dùng. Do đó, ngoài hình thức
chính là phạt tiền và cảnh cáo còn có các hình phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm đó gây ra
Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả phức tạp và khó xác định hành vi vi phạm. Các mặt hàng hóa được làm giả trên thị trường hiện nay rất đa dạng, trà trộn vào các loại hàng hóa được bày bán tràn lan. Thậm chí người bán hàng cũng không biết hàng hóa mình bán ra là hàng thật hay hàng giả vì qua nhiều đầu mối cung cấp khác nhau. Hàng hóa giả bán tại thị trường hiện nay rất tinh vi, sản phẩm ở trong là giả nhưng bao bì bên ngoài lại là thật khiến cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng không thể phân biệt được bằng mắt thường. Từ những sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thông thường đến những hàng hóa công nghệ cao. Vì vậy, vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả đang diễn ra thường xuyên, và hết sức tinh vi; khiến cho công tác giám định hàng hóa trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối cho ngành, và các cấp trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả xuất phát từ thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Sản xuất, buôn bán hàng giả với giá thành thấp hơn hàng thật, chi phí nhập hàng giả thấp sẽ đem lại nguồn thu lời cho người buôn bán. Tuy nhiên, cũng vì thị yếu của người tiêu dùng luôn chuộng hàng ngoại nhập, hàng hóa của thương hiệu lớn nhưng lại muốn bỏ ra ít chi phí để có được. Chính vì điều này đã tăng khả năng tiêu thụ hàng giả trong thị trường Việt Nam ngày nay. Người tiêu dùng khi mua hàng không có thói quen quan tâm về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm khiến người bán thấy lợi trước mắt mà thực hiện hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thứ ba, đối tượng xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả rất đa dạng và phổ biến như: tổ chức và cá
nhân thuộc tất cả các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả diễn ra trên nhiều lĩnh vực vì vậy các đối tượng xử phạt vi phạm hành chính cũng đa dạng theo từng lĩnh vực, theo từng phân cấp thị trường và xuất phát từ thị yếu tiêu dùng của người tiêu dùng trên từng địa bàn.
Chủ thể doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam thường có hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, kiểu dáng, thương hiệu của các sản phẩm nước ngoài gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng như: đồng hồ, đồ gia dụng điện tử, mỹ phẩm cao cấp…Các thương hiệu hay bị các doanh nghiệp làm giả phải kể đến như: lĩnh vực điện máy gia dụng Panasonic, Samsung, Sony…; lĩnh vưc mỹ phẩm cao cấp như: Dior, Mac, Ohui…;lĩnh vực thời trang: Gucci, LV, Zara, Nike…
Chủ thể cá nhân và hộ kinh doanh thường kinh doanh các mặt hàng hóa giả thông thường cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày như: mì chính, gia vị, dầu gội, bánh kẹo…
Thứ tư, chủ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định trong luật cũng như các văn bản khác rất đa dạng và phong phú. Bao gồm nhiều cơ quan mà trước hết là các cơ quan có chức năng quản lý hành chính đối với ngành và lĩnh vực, UBND các cấp và các cơ quan có vai trò kiểm soát đối với lĩnh vực quản lý hành chính tương ứng; các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
Thứ năm, mục tiêu xử phạt vi phạm hành chính hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả là kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả cũng như tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.