Đào tạo và phát triển nhân lực

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản trị nhân lực tại công ty CP đầu tư và tư vấn gia linh (Trang 27 - 29)

Có thể nói rằng, trong xu thế cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay chính là cạnh tranh về chất lượng nhân lực. Bởi vì con người là yếu tố quyết định sự thành bại của mọi tổ chức. Do đó, đào tạo và phát triển nhân lực có vai trò quan trọng và cần được quan tâm đúng mức trong các doanh nghiệp. Phát triển nhân lực là tổng thể các hoạt động học tập có tổ chức được tiến hành trong những khoảng thời gian nhất định để nhằm tạo ra sự thay đổi hành vi nghề nghiệp của người lao động (Nguyễn Ngọc Linh, 2018)

Đào tạo là những cố gắng của tổ chức được đưa ra nhằm thay đổi hành vi và thái độ của nhân viên để đáp ứng các yêu cầu về hiệu quả công việc. Đào tạo là một công cụ quan trọng để giải quyết các vấn đề của tổ chức và phát triển nhân viên. Đào tạo và phát triển nhân lực là một trong những biện pháp tích cực tăng khả năng thích ứng của tổ chức trước sự thay đổi của môi trường. Đào tạo và phát triển cung cấp cho tổ chức nguồn vốn nhân sự chất

lượng cao góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh. Đào tạo được coi là một vũ khí chiến lược của tổ chức nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trước các đối thủ. Đào tạo và phát triển giúp tổ chức nâng cao năng suất lao động, hiệu quả thực hiện công việc, nâng cao chất lượng của nhân lực, tạo điều kiện cho áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ thông tin và quản lý vào tổ chức. Đối với người lao động, đào tạo và phát triển tạo ra được sự gắn bó giữa người lao động và tổ chức, tạo ra sự chuyên nghiệp của người lao động, tạo ra sự thích ứng giữa ngƣời lao động và công việc hiện tại cũng như tương lai, tạo cho người lao động tư duy, tri thức mới trong công việc.

Ngày nay đào tạo được coi như một khoản đầu tư vào nguồn vốn nhân lực của tổ chức và việc đầu tư cho đào tạo gắn liền với khả năng sinh lợi lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp. Có rất nhiều phương pháp để đào tạo bồi dưỡng nhân lực và mỗi một phương pháp lại có những ưu, nhược điểm riêng. Xu hướng hiện nay là kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo bồi dưỡng. Cụ thể:

Đào tạo trong công việc: Đây là các phương pháp đào tạo mà người học được học ngay tại nơi làm việc dưới sự hướng dẫn của người lao động lành nghề hơn thông qua quan sát, trao đổi thực tế, thực hành công việc. Đào tạo trong công việc có ý nghĩa thiết thực vì người lao động vừa được làm việc, vừa có thu nhập, rèn luyện và tích lũy tri thức thực tiễn. Phương pháp này mang lại sự chuyển biến gần như ngay tức thời trong kiến thức và kỹ năng thực hành. Tuy nhiên, đối với phương pháp này, kiến thức lý thuyết được trang bị không có hệ thống, người học việc có thể bắt chước những kinh nghiệm, cách làm tiên tiến của người dạy. Do đó, điều kiện tiên quyết của phương pháp này là người dạy phải được chọn lựa cẩn thận và đáp ứng được các yêu cầu của chương trình đào tạo về trình độ chuyên môn, mức độ thành thạo trong công việc và khả năng thị phạm, truyền thụ kiến thức. Đào tạo trong công việc thường có đào

tạo theo kiểu chỉ dẫn công việc, đào tạo theo kiểu học nghề, kèm cặp chỉ bảo, luân chuyển và thuyên chuyển công việc.

Đào tạo bồi dưỡng ngoài công việc: Là phương pháp đào tạo trong đó người học được tách khỏi sự thực hiện các công việc thực tế, bao gồm các phương pháp: Tổ chức các lớp tại tổ chức; cử đi học ở các trường chính quy; các bài giảng, các hội nghị hoặc các hội thảo; đào tạo theo kiểu chương trình hóa với sự trợ giúp của máy tính; đào tạo theo phương thức từ xa; đào tạo theo kiểu phòng thí nghiệm...

Nếu như đào tạo nhân lực tập trung vào các công việc hiện tại thì phát triển nhân lực lại là sự chuẩn bị cho công việc tương lai, trong thời gian dài hạn. Phát triển nhân lực là hoạt động học tập vượt ra khỏi phạm vi công việc trước mắt của người lao động, nhằm mở ra cho họ những công việc mới dựa trên cơ sở những định hướng tương lai của tổ chức. Phát triển nhân sự xuất phát từ yêu cầu, mục tiêu kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có đủ nhân lực để thực hiện mục tiêu của mình. Ngoài ra phát triển nhân lực còn giúp cho người lao động bộc lộ năng lực của mình, tạo cho họ môi trường thuận lợi để họ làm việc tốt hơn và tạo cho họ cơ hội thăng tiến. Nội dung của công tác phát triển nhân lực bao gồm: (i)Thăng chức và bổ nhiệm cán bộ, người lao động vào các chức vụ quản trị; (ii) Giải quyết chế độ cho nhân viên, quản trị viên khi họ rời khỏi doanh nghiệp và (iii) Tuyển dụng đội ngũ lao động mới.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản trị nhân lực tại công ty CP đầu tư và tư vấn gia linh (Trang 27 - 29)