Về kinh tế

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Hồng lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn hiện nay (Trang 36 - 37)

Các tỉnh ở vùng ĐBSH có vai trò là động lực đối với quá trình phát triển KT - XH của đất nước. Giao thông vận tải phát triển mạnh mẽ cả đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không; các hoạt động tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, tư vấn, chuyển giao công nghệ khá sôi động và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong phạm vi cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2015-2019 của các tỉnh ĐBSH trung bình là 62,48, cao hơn so với chỉ số bình quân cả nước (61,71); đặc biệt một số tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc luôn trong tốp đầu cả nước [PL3]. Cơ cấu KT có sự chuyển dịch khá mạnh, từ chủ yếu là sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu cầu lương thực của địa phương sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa; công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh hình thành một số

31

ngành KT mũi nhọn, những khu công nghiệp công nghệ cao có vốn đầu tư nước ngoài như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên...

Tuy nhiên, KT các tỉnh ở vùng ĐBSH cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là về vốn, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự phát triển của KT chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, quy mô sản xuất còn nhỏ, chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc lắp ráp các cấu kiện nhập khẩu; dây chuyền sản xuất còn lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường như sản xuất xi măng, sắt thép.., các ngành sản xuất có công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo ra được tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững. Kết cấu hạ tầng KT - XH còn lạc hậu; công nghiệp, đô thị tuy phát triển nhưng còn mang tính tự phát, thiếu các chiến lược, quy hoạch có tính vĩ mô tầm nhìn dài hạn, dẫn đến hiện tượng hoang hóa, lãng phí đất nông nghiệp. Vấn đề giao đất, giao rừng, dồn điền, đổi thửa, giải phóng mặt bằng còn nhiều tồn tại, bất cập dẫn đến những bức xúc khiếu kiện của nhân dân làm phát sinh điểm nóng về ANCT, TTATXH. Sản xuất nông nghiệp chưa hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung cho xuất khẩu, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao, một số loại thị trường hình thành chậm và chưa đồng bộ; đời sống nhân dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tỷ lệ lao động nông nghiệp tay nghề thấp thiếu việc làm còn lớn dẫn đến việc một lượng lớn lao động di cư đi khu vực khác gây nhiều khó khăn cho việc chuẩn bị lực lượng trong KVPT.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Hồng lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn hiện nay (Trang 36 - 37)