Khái niệm “Văn hóa vùng” được cấu thành từ hai thành tố “Vùng” và “Văn hoá”. Xét về mặt từ nguyên “Vùng” - Region, được hiểu là một khu vực địa lý, như vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gắn với một cấp hành chính nhà nước. Trong khi đó, thuật ngữ “lãnh thổ” - Territoire, được hiểu là một vùng hay khu vực địa lý thuộc một cấp quản lý hành chính nhà nước và trong một vùng có thể có nhiều lãnh thổ. Theo khái niệm địa lý vùng truyền thống, vùng là một hệ thống không gian giới hạn và là biểu hiện của sự thống nhất về mặt tổ chức (Allen & cộng sự, 1998; Amin, 2004; Bristow, 2010; Castells, 1996; Cooke & Morgan, 1994; Gilbert, 1988). Năm 1905, Herberton là người đầu tiên đưa ra định nghĩa về thuật ngữ vùng trên thế giới. Theo Herbert-son (1905), vùng đại diện cho sự thống nhất về cấu hình tự nhiên, khí hậu, cũng như thảm thực vật. Khái niệm vùng địa lý được Blache (1910) nhận định là sự kết hợp khác nhau giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa (con người và thiên nhiên hợp tác và định hình lẫn nhau). Do đó, khu vực địa lý được quan niệm như một môi trường cụ thể, hữu hình, một thực tại vật chất tồn tại như một khung tham chiếu cho dân số sống ở đó (Vujadinovič & Šabić,2017)
Văn hóa vùng (regional culture) là toàn bộ môi trường và các hoạt động văn hóa được thực hiện trong đó được tạo ra và bồi dưỡng bởi các cư dân trong khu vực và phản ánh bản sắc và truyền thống dân tộc, ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa của khu vực và tạo tiền đề cho sự phát triển các năng lực văn hóa và xã hội trong các khu vực đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại (Bộ Văn hoá Cộng hòa Lithuania, 2021). Còn Lê (2020) đã nhận định văn hoá vùng là một thực thể văn hoá bao gồm những nét đặc trưng, những sắc thái riêng mà các vùng khác không có hoặc có mà không điển hình, không tiêu biểu.
Văn hóa vùng ảnh hưởng sâu sắc đến lối sống, nếp suy nghĩ, hành vi, cách ứng xử của dân cư trong vùng, hình thành lên đặc điểm dân cư khu vực, tạo ra sự riêng biệt, đặc sắc của khu vực đó. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các vùng miền trong một quốc gia.