Định nghĩa Đổi mới sáng tạo

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG của văn hóa VÙNG tới NĂNG lực đổi mới SÁNG tạo của DOANH NGHIỆP VIỆT NAM (Trang 28 - 29)

Trong các nghiên cứu, định nghĩa về ĐMST có nhiều cách tiếp cận. Schumpeter (1943) đưa ra khái niệm về đổi mới - sáng tạo, theo đó đổi mới - sáng tạo là việc các doanh nghiệp đưa ra sản phẩm, quy trình, phương pháp hoặc hệ thống mới. Theo Schumpeter, ĐMST cũng bao gồm việc tạo ra các thị trường mới hoặc các hình thức tổ chức công nghiệp mới. Đây được coi là cách tiếp cận đầu tiên về vấn đề ĐMST trong doanh nghiệp. Ngoài ra, OECD (2005) đã nhấn mạnh một định nghĩa về đổi mới - sáng tạo tại cấp độ doanh nghiệp như sau: “Đổi mới - sáng tạo là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ) hay một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”.

ĐMST là việc tiến hành thực tế các ý tưởng, dẫn đến sự ra đời của những sản phẩm, dịch vụ mới hoặc nhằm cải thiện sản phẩm, dịch vụ đã có (Schumpeter, 1983). Để tăng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp trên thế giới đều được phát triển theo hướng tổ chức ĐMST (Banbury & Mitchell, 1995). Đây là công cụ hữu ích tạo nên sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nếu muốn cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tầm nhìn và khả năng để thực hiện ĐMST một cách nghiêm túc và hiệu quả (Kiều, 2019).

ĐMST là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa (Luật Khoa học và công nghệ, 2013). Một doanh nghiệp được định nghĩa là đổi mới công nghệ nếu nó giới thiệu ít nhất một sản phẩm hoặc quy trình mới, hoặc được cải tiến đáng kể; một doanh nghiệp đổi mới phi công nghệ được định nghĩa là đã đề xuất một trong những thay đổi về chiến lược marketing, thay đổi các kỹ thuật quản lý hoặc cơ cấu tổ chức (Mai & cộng sự, 2018).

Như vậy, ĐMST thường được tiếp cận theo 2 cách: (i) ĐMST là một quá trình hoặc (ii) ĐMST là kết quả thể hiện bằng sản phẩm, dịch vụ, quy trình, phương pháp tổ chức và marketing mới (Trần, 2021). Trong phân tích ở đề tài này, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp cận ĐMST là kết quả của quá trình doanh nghiệp có những tác động tích cực, đổi mới trong vận hành thể hiện qua các sản phẩm, dịch vụ và quy trình cải tiến của doanh nghiệp.

ĐMST đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp và các bên liên quan. Tùy thuộc vào bối cảnh của doanh nghiệp, ĐMST có thể đem lại những ảnh hưởng, sự thay đổi cho doanh nghiệp theo thời gian.

ĐMST trong các doanh nghiệp được thể hiện rõ qua sự chuyển động tích cực và mạnh mẽ từ trong chính tư duy và hành động cụ thể của các nhà quản lý (Nguyễn & Nguyễn, 2021). Ví dụ, các doanh nghiệp dành nhiều sự quan tâm và đầu tư cho việc đẩy mạnh nghiên cứu thị trường nói riêng và nghiên cứu phát triển (R&D) cải thiện công nghệ cho sản phẩm, quá trình và dịch vụ mới, cải tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các doanh nghiệp không còn xu hướng cạnh tranh về giá, mà phải cạnh tranh tập trung vào những giá trị mới đem lại cho khách hàng khi tham gia sử dụng sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp nào không có sự thay đổi về mặt giá trị sẽ không thể cạnh tranh được (Hill, 2003). Yếu tố ĐMST là nhân tố cần thiết cho lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và đóng góp vào sự thành công và phát triển của mô hình kinh doanh (MacAdam & Keogh, 2004). Vì vậy, các doanh nghiệp cần hiểu sâu và xác định rõ biện pháp đổi mới, sáng tạo trong quá trình vận hành của doanh nghiệp để thích ứng với sự đổi mới của môi trường kinh doanh hiện nay.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG của văn hóa VÙNG tới NĂNG lực đổi mới SÁNG tạo của DOANH NGHIỆP VIỆT NAM (Trang 28 - 29)