Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều chủ yếu sử dụng yếu tố các khoản đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) hoặc dữ liệu về bằng sáng chế để đo lường sự đổi mới của công ty. Tuy nhiên, so với yếu tố R&D, số lượng bằng sáng chế không chỉ cho thấy mức độ đổi mới của công ty mà còn đo lường được chất lượng của sự đổi mới đó đối với doanh nghiệp. Vì vậy, việc sử dụng yếu tố số lượng bằng sáng chế có thể coi như là một cách tốt hơn để xác định được sự đổi mới của doanh nghiệp (Fang, Tian & Tice, 2014). Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu và tài liệu có được, do việc có sự không thống nhất trong cách trình bày bản báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của mỗi công ty tại Việt Nam nên nhóm rất khó để xác định được số lượng bằng sáng chế của mỗi công ty nói riêng. Do đó, nhóm tác giả chỉ có thể thay đổi cách tính toán trực tiếp sự đổi mới công ty trong một năm bằng việc dựa vào xem công ty đó có bằng sáng chế trong năm tài khóa đó hay không.
Nguồn cung cấp dữ liệu về bằng sáng chế được nhóm tổng hợp từ các bản báo cáo thường niên và báo cáo tài chính của mỗi công ty. Mặc dù lúc đầu nhóm muốn tìm kiếm dữ liệu thông qua trang web của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (IP Viet Nam) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam để có thể có dữ liệu chính xác nhất, nhưng do vấn đề kỹ thuật và số liệu không đầy đủ nên có khá nhiều dữ liệu của trang web bị mất hoặc không thể truy cập vào. Vì vậy, nhóm quyết định sử dụng phương pháp là trực tiếp lọc dữ liệu bằng sáng chế của mỗi công ty qua từng bản Báo cáo thường niên và Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này. Theo phương pháp của Cornaggia & cộng sự (2015), nhóm sẽ thay thế dữ liệu bằng sáng chế bị thiếu hoặc không có bằng số không. Và do không có số liệu chính xác về
số lượng bằng sáng chế mà một công ty có trong từng năm, cho nên nhóm sử dụng ‘1’ biểu thị cho việc công ty đó có bằng sáng chế trong năm tài khóa được xét đến.