B. NỘI DUNG LUẬN ÁN
2.4.4. Xác định các nhóm chức đặc trưng trong polyme thông qua phổ hồng ngoạ
ngoại (FT-IR)
Phổ hồng ngoại hay còn gọi là phổ dao động, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu vật chất. Phổ hồng ngoại có thể ứng dụng cho quá trình đồng nhất các chất, xác định cấu trúc phân tử một cách định tính, phân tích định lượng (dựa vào định luật hấp thụ ánh sáng Bouguer- Lamber - Beer như trong phân tích đo quang), nghiên cứu động học phản ứng… Khi chiếu một chùm ánh sáng đơn sắc có bước sóng nằm trong vùng hồng ngoại qua mẫu phân tích một phần năng lượng bị hấp thụ làm giảm cường độ tia tới. Sự hấp phụ này tuân theo định luật Bourguer-Lamber-Beer:
A = lg Io/I = ε.l.C Trong đó:
A: Mật độ quang
T=Io/I (%): Độ truyền qua Ε: Hệ số hấp thụ
l: Chiều dài cuvet
C: Nồng độ chất nghiên cứu (mol/l)
Phương trình trên là phương trình căn bản cho các phương pháp phân tích phổ hấp thụ nguyên tử cũng như phân tử. Đường cong biểu diễn sự phụ thuộc mật độ quang vào chiều dài bước sóng kich thích gọi là phổ. Một số phân tử, khi dao động gây ra sự thay đổi momen lưỡng cực điện có khả năng hâp thụ bức xạ hồng ngoại để cho hiệu ứng hồng ngoại hay còn gọi là phổ dao động. Theo quy tắc này các phân tử có hai nguyên tử giống nhau không cho hiệu ứng phổ hồng ngoại. Khi tần số dao động của nhóm nguyên tử nào đó trong phân tử ít phụ thuộc vào các thành phần còn lại của phân tử, thì tần số dao động đó được gọi là tần số đặc trưng cho nhóm đó. Các tần số đặc trưng hay còn gọi là tần số nhóm thường được dùng để phát hiện các nhóm chức trong phân tử.
Phổ FT-IR của các mẫu nghiên cứu được ghi trên máy Perkin Elmer Spectrum 10.5.2, tại Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh. Các mẫu bột mịn trước khi đo không cần ép viên với KBr mà có thể quét trực tiếp trên máy.