Hà Giang là một tỉnh miền núi thuộc vùng Trung Du Miền núi Bắc bộ với khí hậu khá là lạnh, diện tích đất hầu hết là núi đá Tai Mèo, với diện tích tự nhiên là 7.929,48km, gồm 10 huyện và 1 thành phố với 195 đơn vị hành chính cấp xã (177 xã, 5 phường và 13 thị trấn). Kinh tế của tỉnh dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng ngành tăng trung bình trên 5%/năm. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã từng bước phát triển đi lên chuyển dịch theo hướng nhu cầu thị trường và có giá trị về kinh tế cao góp phần tích cực vào việc chuyển dịch nền kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho đồng bào giúp xóa đói giảm nghèo triệt để.
Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp và nông thôn còn thiếu và không đồng bộ, đặc biệt là hệ thống dịch vụ, bảo quản chế biến và lưu thông nông sản ở khu vực nông thôn. Các sản phẩm nông sản có tính cạnh tranh rất thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của thị trường ngày một tăng cao. Để đẩy mạnh công tác sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển hơn nữa và đi theo hướng sản xuất hàng hóa
bên cạnh đó kết hợp tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác thì cần phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất phù hợp với đặc điểm khí hậu cũng như địa hình của từng vùng, tập trung phát triển mạnh những sản phẩm cây trồng vật nuôi hàng hóa mang tính đặc thù, tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường. Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay đã và đang hội nhập với nền kinh tế thế giới với rất nhiều cơ hội và thách thức mới đã được mở ra cho chúng ta và tác động mạnh mẽ tới quá trình phát triển nông nghiệp của nước nhà nhờ xuất nhập khẩu cũng như có thị trường cạnh tranh là tiềm năng rất lớn mà chúng ta cần nắm bắt. Trong đó có cả những tác động tích cực và tiêu cực. Mặt khác, trong điều kiện BĐKH, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang, cần phải có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của BĐKH gây ra cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tổ chức lại sản xuất cho nông dân, liên kết sản xuất và thực hiện chương trình khởi nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt để nhân dân hiểu rõ hơn bản chất của tổ chức lại sản xuất, vai trò bản chất của hợp tác xã kiểu mới, các hình thức hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, việc mỗi huyện xây dựng một xã, mỗi xã một thôn điển hình về phát triển kinh tế, mỗi làng một sản phẩm.
Qua 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, BCĐ đề án từ tỉnh đến huyện đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tập trung vào các cây con thế mạnh đã được xác định trong đề án “Cam, chè, dược liệu và Trâu, bò, Ong”. Để có nguồn vốn triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu trong khi nguồn vốn đầu tư của Trung ương vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số “209; 86”. Có thể đánh giá chính sách đã đi vào cuộc sống, đúng ý nguyện của người dân, có tác động mạnh đến sản xuất nông lâm nghiệp. Kết quả giải ngân lũy kế đến ngày 20/5/2018 đã giải ngân được 483.564 triệu đồng cho 5.590 hộ. Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ lãi suất tiền vay 44.407 triệu đồng. Qua theo dõi
kiểm tra, đánh giá của ngân hàng thương mại cho thấy cơ bản các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tỷ lệ rủi ro, nợ xấu thấp.
a) Đối với cây cam: Mục tiêu đề án đến năm 2020 ổn định diện tích cam kinh doanh là 5.000 ha; trong đó 70% sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích cam hiện nay có khoảng 8.306 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 3.364,9 ha; niên vụ 2017 - 2018 sản lượng thu được khoảng 40.000 tấn. Diện tích cam đã chứng nhận VietGAP là 2.776 ha, chiếm 33% diện tích cam toàn tỉnh; chiếm 59% diện tích cho sản phẩm. Như vậy diện tích hiện nay đã gần gấp đôi so với mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo không phát
triển trồng mới cam để tránh thiệt hại cho người sản xuất khi chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ. Thành lập được các tổ sản xuất, HTX, cho đến nay có 56 tổ sản xuất và 06 HTX tham gia sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng được chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam sành, đồng thời quản lý sản phẩm theo tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao giá trị, giữ uy tín chất lượng và thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Thu nhập đem lại cho các hộ sản xuất cam năm 2018 khoảng 400 tỷ đồng. Năm 2018, chỉ đạo thực hiện xây dựng sản phẩm cam quốc gia đối với cam sành Hà Giang, lấy huyện Bắc Quang để thực hiện.
b) Đối với cây chè: Với quan điểm là không khuyến khích trồng mới, tập trung vào thâm canh để nâng cao hiệu quả năng suất, chất lượng chè được phát triển chuỗi giá trị, giá trị chè được nâng cao bằng cách áp dụng phương thức sản xuất Chè theo tiêu chuẩn GAP với độ an toàn cao. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn đầu tư và xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn, công nghệ cao, có tổ chức theo hoạch định và có phân vùng nguyên liệu riêng cho các cơ sở cũng như nhà máy chế biến để tránh tranh chấp vùng nguyên liệu, cạnh tranh không lành mạnh. Diện tích chè hiện có trên địa bàn toàn tỉnh 20.626,3 ha; diện tích cho sản phẩm đạt 18.231,8 ha; năng suất 37,04 tạ/ha; sản lượng 67.532,5 tấn. Trong đó diện tích cấp chứng nhận GAP là 7.153 ha chiếm 39,2% diện tích cho thu hoạch của toàn tỉnh. Giá bán sản phẩm chè GAP cao hơn từ 2 lần so với sản xuất thông thường. Hiện đã
hoàn thiện hồ sơ và đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang” dự kiến được công nhận vào quý IV/2018.
c) Đối với cây dược liệu: Tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục 29 loài dược liệu trồng giai đoạn 2016-2020 được thụ hưởng theo chính sách 209; 86 của tỉnh. Phối hợp với Viện hóa sinh biển thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xác định thành phần hóa - lý của 11 loài dược liệu nằm trong danh mục 29 loài được ban hành. Triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất giống và xây dựng quy trình kỹ thuật trồng trọt các cây dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh, đã hoàn thành 5 quy trình trồng trọt và 20 quy trình sản xuất giống; được Hội khoa học ngành nghiệm thu cấp cơ sở. Tổ chức các Hội nghị, hội thảo để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu. Kết quả đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh như: Công ty TNHH MTV Dược khoa; Công ty Cổ phần Nam Dược; Công ty Cổ phần phát triển dược liệu ANVY, Công ty TNHH Y học Bản địa, Tập đoàn TH trumilk, Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Bông Sen Vàng… Kết quả phát triển trồng dược liệu (năm 2017): trồng mới được 2.042,9 ha. Để thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 01/10/2012 của Ban chấp hành Tỉnh ủy Hà Giang về sản xuất nông nghiệp t theo hướng hàng hóa tập trung trong giai đoạn 2012-2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện Chương trình cánh đồng mẫu 5 cùng bắt đầu chỉ đạo thí điểm trong vụ Xuân năm 2012. Từ năm 2012 đến năm 2016 đã triển khai thực hiện trên diện tích 36.083,2 lượt ha; trong đó: Lúa 21.833,2 ha, ngô 13.062,8 ha; đậu tương 323 ha; lạc 864,2 ha. Năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha đối với lúa; năng suất ngô đạt trên 45 tạ/ha. Vụ Xuân năm 2018 triển khai tập trung vào 04 cây trồng chính lúa, ngô, đậu tương, lạc với tổng diện tích 1.877,80 ha/253 cánh đồng. Trong đó; lúa 634,5 ha/111 cánh đồng; ngô 969,5 ha/107 cánh đồng; lạc 151 ha/26 cánh đồng….). Diện tích cánh đồng mẫu sinh trưởng phát triển tốt, bà con nhân dân chăm sóc và làm cỏ đảm bảo theo quy trình kỹ thuật. Cơ cấu giống cánh đồng mẫu tập trung vào các giống như: cây lúa sử dụng các giống Nhị ưu 838, Nhị ưu 725, Việt lai 20, Thiên ưu 8, ĐS1, J02…; cây ngô sử dụng các giống NK 4300, NK 66, CP999…