4.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
*Vị trí địa lý
Huyện Mèo Vạc là một huyện vùng cao núi đá, phía Đông Bắc của tỉnh Hà Giang nằm cách thành phố Hà Giang 164 km, nằm trong khoảng từ 23002' đến 23019' độ vĩ Bắc, từ 105012' đến 105024' độ kinh Đông.
Huyện Mèo Vạc có địa giới hành chính được xác định cụ thể như sau:
- Phía Nam huyện Mèo Vạc tiếp giáp huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang và tiếp giáp huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
- Phía Đông và Đông Bắc giáp biên giới Trung Quốc; - Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Đồng Văn;
- Phía Nam huyện Mèo Vạc tiếp giáp huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang và tiếp giáp huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Là huyện có đường biên giới chung với 2 huyện của Trung Quốc là Phú Ninh, tỉnh Vân Nam và Nà Pô, tỉnh Quảng Tây dài 40,35 km và có 1 cửa khẩu, có hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện nối liền với thành phố Hà Giang, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng và huyện Nà Pô của Trung Quốc đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, phát triển du lịch, quan hệ buôn bán quốc tế và phát triển nền kinh tế của huyện cũng như của tỉnh.
* Địa hình, địa mạo
Mèo Vạc là một huyện có đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, đặc trưng cho địa hình Cacxtơ, có đỉnh núi cao nhất là Chín Sán 1.900 m, thấp nhất là 275 m, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 1.150m, đã tạo ra một khí hậu đa dạng, có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình sản xuất cũng như đời sống của nhân dân trên địa bàn toàn huyện.
*Khí hậu
Là một huyện vùng cao núi đá, địa hình chia cắt mạnh, Mèo Vạc mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng có nhiều sắc thái của khí hậu á nhiệt đới, mùa lạnh thường kéo dài. Mùa hè có mưa nhiều, đôi khi kéo theo giông và mưa đá. Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 năm trước và kết thúc khoảng tháng 4 năm sau, vào mùa này có nhiều xã trên địa bàn huyện thiếu nước trầm trọng, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp.
- Nhiệt độ trung bình cả năm là 15,70C
- Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.600 - 1.700 mm - Độ ẩm bình quân trong năm là 80%
- Số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1.427 - 1.500 giờ - Tổng nhiệt lượng hàng năm có khoảng 5.725 độ
Với điều kiện khí hậu điển hình là á nhiệt đới, thường thiếu nước trầm trọng trong mùa khô nên sản xuất nông - lâm nghiệp, cũng như đời sống nhân dân trong huyện gặp nhiều khó khăn. Đây là một thử thách không nhỏ cho các nhà quản lý để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này.
* Thủy văn
Huyện Mèo Vạc có hệ thống 2 sông nhỏ là sông Nho Quế và sông Nhiệm có lưu vực nhỏ, độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thấp. Vào mùa mưa, nước ở thượng nguồn 2 con sông trên đổ về gây ngập lụt cục bộ làm ách tắc giao thông, sạt lở đất sản xuất của một số xã. Vào mùa khô, nước của hệ thống sông này không đủ để cung cấp nên nhiều nơi thiếu nước nghiêm trọng, nhất là những vùng núi đá.
4.1.1.2. Các nguồn tài nguyên * Tài nguyên đất
Theo số liệu đã được kiểm kê thống kê đất đai và xây dựng thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của huyện Mèo Vạc cho thấy tổng diện tích tự nhiên huyện Mèo Vạc là 57.418,21 ha, trong đó:
+ Đất nông nghiệp của huyện Mèo Vạc là 45.689,62 ha, chiếm hầu hết phần lớn diện tích đất tự nhiên của toàn huyện với diện tích chiếm 79,57% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Mèo Vạc;
+ Đất phi nông nghiệp của huyện Mèo vạc là 1.772,62 ha, chiếm diện tích khá ít so với đất nông nghiệp khi chỉ chiếm 3,09% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện Mèo Vạc;
+ Đất chưa sử dụng còn 9.955,98 ha chiếm 17,34% diện tích tự nhiên. Nhìn chung, tài nguyên đất của huyện rất đa dạng tạo nên một hệ thống thực vật khá phong phú, hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất tương đối khá nhưng thường ở dạng cây trồng không hấp thụ được và địa hình chủ yếu là đất dốc nên việc canh tác, trồng rừng để đạt hiệu quả cao cần có những biện pháp canh tác thích hợp, áp dụng mô hình trồng cây trên đất dốc, tăng cường trồng cây cải tạo đất để nâng cao độ phì và tránh hiện tượng xói mòn trên đất dốc.
*Tài nguyên nước
* Nước mặt: Do địa hình phân cắt mạnh nên huyện Mèo Vạc có các khe suối. Các khe suối này hầu như có nước quanh năm nhưng do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, lòng suối thấp nên khả năng phục vụ cho thâm canh cây trồng và sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu nhờ vào nước trời.
Mèo Vạc có hệ thống 2 sông nhỏ là sông Nho Quế và sông Nhiệm nằm ở phía Nam huyện, chảy theo hướng Tây Nam, lưu vực nhỏ, độ dốc lớn, nhiều thác gềnh, hiệu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thấp. Trên địa bàn huyện, nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất chủ yếu lấy từ các mạch nước trong khe núi chảy từ rừng đầu nguồn Chí Sán, có độ cao 1.900m. Tuy vậy, nguồn nước này có độ dốc lớn nên về mùa khô thường gây ra thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân khoảng 2 - 3 tháng. Trong huyện còn nhiều suối, khe, rạch nhỏ nằm rải rác trên địa bàn huyện nhưng cũng có độ dốc lớn nên tình trạng thiếu nước vào mùa khô vẫn thường xuyên xảy ra. Nhìn chung, lưu lượng nước của 2 con sông và hệ thống suối phân bổ không đều, chỉ phục vụ một số ít vùng thuộc hạ lưu, còn lại là chưa đáp ứng các nhu cầu phục vụ cho nhân dân.
- Nước ngầm: Huyện đã khai thác nước ngầm tuy nhiên số lượng giếng khoan ít, do địa hình đồi núi, chủ yếu là núi đá vôi, có độ dốc lớn, lượng mưa ở mức trung bình nên nước ngầm rất khan hiếm và việc đầu tư khai thác thường kém hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện cần tìm những giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước, đặc biệt là nước sinh hoạt trong mùa khô trên địa bàn toàn huyện, đảm bảo cho nhân dân trong huyện có cuộc sống ổn định.
* Tài nguyên nhân văn, du lịch
Là một huyện nằm trong khu du lịch Cao nguyên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có danh lam thắng cảnh đẹp được du khách thường xuyên thăm quan đó là đỉnh Mã Pì Lèng và dòng sông Nho Quế, huyện có nhiều dân tộc sinh sống nên có nhiều phong tục, tập quán và các nền văn hóa khác nhau được hình thành lâu đời trong quá trình phát triển, một số dân tộc có lễ hội rất sinh động như chợ tình Khâu Vai. Ngoài ra, huyện còn có lễ hội của tộc người Lô Lô, bao gồm lễ hội cầu mưa, các điệu múa độc đáo như múa vui được mùa hay còn gọi là múa hái ngô, múa kiếm, múa kéo nhị; dân tộc Giấy có điệu múa trống đặc sắc, các điệu múa trên hấp dẫn các du khách khi đến du lịch Mèo Vạc.
Bản sắc dân tộc tạo nên nhiều sắc thái riêng cho nền văn hóa của huyện nhưng cũng tạo ra nhiều khó khăn cho việc quản lý do sự khác biệt về phong tục và ngôn ngữ giữa các dân tộc với nhau.