Về cơ bản, công tác CCTTHC nhiều năm qua trên địa bàn huyện Quế Sơn đã có sự cải thiện tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, phát huy tinh
thần trách nhiệm và đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức khi giải quyết TTHC đáp ứng kịp thời trước nhu cầu của công dân, tổ chức. Đúng vậy trong quá trình CCTTHC những năm qua, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách CCTTHC, huyện Quế Sơn thực hiện nghiêm chủ trương “3 nhất” của Huyện ủy đề ra (gồm: thực hiện giờ giấc làm việc và chất lượng công việc tốt nhất; giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đạt kết quả cao nhất; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống tốt nhất) và mô hình “4 xin, 4 luôn - 3 không, 3 nên” (gồm: xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ, luôn nhẹ nhàng; không gây phiền hà với nhân dân, không thờ ơ thiếu trách nhiệm trước nhân dân, không sách nhiễu với nhân dân; nên vui vẻ khi tiếp xúc phục vụ nhân dân, nên lắng nghe ý kiến của nhân dân, nên gần dân và sát dân). Nhờ đó, tác phong, lề lối làm việc của phần lớn cán bộ, công chức trong các cơ quan HCNN đã có những chuyển biến nhất định, thể hiện thái độ và cung cách phục vụ nhân dân tốt hơn. Ngoài ra, “Mô hình làm thêm ngày thứ Bảy
tại bộ phận một cửa” của UBND thị trấn Đông Phú đã được duy trì tốt từ năm 2008
đến nay là một điển hình thực hiện tích cực chính sách CCTTHC bắt đầu từ cấp xã. Việc công khai các TTHC, quy trình giải quyết công việc, thời hạn giải quyết, phí và lệ phí phải nộp đã giúp cho các đối tác xã hội và công dân bước đầu nắm được quy trình và các thủ tục cần thiết khi có nhu cầu giải quyết công việc. Việc thực hiện cơ chế "một cửa" có chất lượng tốt hơn đã góp phần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan HCNN, tạo cơ chế giám sát của nhân dân đối với cơ quan HCNN [xem thêm Phụ lục các bảng: 2.4A; 2.4B; và 2.4C] qua đó đã giúp tạo sự chuyển biến tích cực về việc điều chỉnh cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan HCNN từ huyện đến xã cùng đội ngũ cán bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp ở Quế Sơn. Từ việc giải quyết TTHC trên địa bàn huyện từ khâu tiếp nhận, xử lý, vào sổ, thu phí, trả hồ sơ đều thực hiện trên phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu nên rất nhanh chóng, chính xác, minh bạch, nhất là trong thu lệ phí và lưu trữ hồ sơ. Tính đến năm 2018[53;tr.06], số TTHC áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 trên địa bàn huyện chiếm 90% (225/250).
Về cơ bản, Bộ phận Một cửa các cấp từ huyện đến các xã trên địa bàn Quế Sơn đã được thường xuyên chú trọng kiện toàn theo đúng quy định tại Nghị định
61/2018/NĐ-CP và Thông tư 01/2018/TT-VPCP. Kết quả bước đầu của CCTTHC thông qua thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" đã góp phần: (i) Tăng cường thêm năng lực, trách nhiệm của cơ quan HCNN và kỹ năng, nghiệp vụ cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của của cán bộ, công chức; (ii) Tiết giảm việc đi lại nhiều lần của người dân và doanh nghiệp; công việc được giải quyết nhanh hơn hoặc đúng hẹn với số hồ sơ hành chính giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ cao, công khai, minh bạch, bình đẳng, giảm bớt khâu trung gian nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, tổ chức và doanh nghiệp trên các lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ... Minh chứng tiêu biểu, đó là tình hình giải quyết hồ sơ ở 10 lĩnh vực (đất đai, cấp phép xây dựng, tài chính – kế hoạch, tư pháp, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế hạ tầng, y tế, văn hoá thông tin, lao động thương binh xã hội) trên địa bàn huyện Quế Sơn đã được cải thiện đáng kể, điển hình:
Năm 2018[53;tr.04], trong tổng số 3150 hồ sơ được tiếp nhận, cụ thể số hồ sơ đã giải quyết có tỷ lệ: 41,3% là sớm hạn với 1301 hồ sơ (tập trung chủ yếu vào tư pháp - hộ tịch 1296 hồ sơ, còn lại là y tế và văn hoá thông tin); 57,17% hồ sơ đúng hạn (1801 hồ sơ); 1,5% hồ sơ đang giải quyết với 48 hồ sơ (36 hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai và số còn lại thuộc tài nguyên môi trường, kinh tế hạ tầng, cấp phép xây dựng); và không có hồ sơ nào trễ hạn.
Năm 2020, ở cấp huyện[56;tr.07]: tổng số hồ sơ tiếp nhận 123.519 hồ sơ; Hồ sơ đã giải
quyết là 123.014 hồ sơ. Trong đó: 21,44% hồ sơ trả trước hẹn (26380 hồ sơ); 78,51% hồ sơ trả đúng hạn (96583 hồ sơ); chỉ có tỷ lệ rất nhỏ 0,04% hồ sơ trả trễ hạn (51 hồ sơ); 6.24% hồ sơ chuyển sang năm sau (505 hồ sơ).
Trong 6 tháng đầu năm 2021[18]: (i) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện có tổng số hồ sơ tiếp nhận là 4.180 hồ sơ: 89,88% hồ sơ đã giải quyết (3.757 hồ sơ); 9,54% hồ sơ đang giải quyết (399 hồ sơ); và mặc dù vẫn còn tỷ lệ rất nhỏ hồ sơ trả trễ hạn là 0,57% (24 hồ sơ), song huyện đã kịp thời có thư xin lỗi gửi đến công dân theo quy định; (ii) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn: đã tiếp nhận 33.925 hồ sơ. Trong đó, có đến 99,6% hồ sơ đã giải quyết (33.794 hồ sơ); và 0,39% hồ sơ đang giải quyết (131 hồ sơ).
Tính đến năm 2020 [56;tr.03-04], huyện đang duy trì thực hiện cắt giảm 30% tổng thời gian giải quyết đối với 34 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã; và 168 TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện (các lĩnh vực: Tư pháp 40 thủ tục; Giáo dục và Đào tạo 27 thủ tục; Lao động, TB&XH 34 thủ tục; Tài chính – Kế hoạch 11 thủ tục; Kinh tế và Hạ tầng 05 thủ tục; Xây dựng 07 thủ tục; Đất đai 17 thủ tục; Y tế 01 thủ tục; Nội vụ 23 thủ tục; và Văn hóa & Thông tin 03 thủ tục). Cùng với sự chuẩn hóa dần việc niêm yết công khai danh mục, quy trình giải quyết TTHC theo quy định, Quế Sơn đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng Trung tâm hành chính công của huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Năm 2020, huyện Quế Sơn tiếp tục được ghi nhận sáng kiến áp dụng phần mềm chứng thực quản lý hồ sơ chứng thực (trước đó, từ năm 2016 đã có 100% các cơ quan HCNN thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn sử dụng quản lý văn bản và hồ sơ công việc thông qua hệ thống phần mềm Q.office của huyện.); 100% các TTHC được đưa vào tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm hành chính công của huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã theo quy định của UBND tỉnh. 13/13 xã, thị trấn và một số cơ quan đã xây dựng Cổng thông tin điện tử riêng (Phòng GD&ĐT; Huyện đoàn; Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện, Tòa án nhân dân huyện; các xã: Quế Châu, Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Hiệp, Quế Long, Quế Minh, Quế An, Quế Thuận, Quế Phong và thị trấn Đông Phú, Hương An) và liên kết với Cổng TTĐT huyện, chuyển tải thông tin, các hoạt động hành chính của các cơ quan Nhà nước để phục vụ nhân dân. Đồng thời, hiện nay Quế Sơn có 100% phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện đã chuyển đổi áp dụng từ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 sang ISO 9001:2015 trong giải quyết TTHC; đến năm 2020, đã có hơn 60% văn bản sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại các văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị; hơn 85% văn bản chỉ đạo, điều hành được thực hiện qua hộp thư điện tử (mạng nội bộ Q-office, Email…)[56;tr.12]. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện ứng dụng phần mềm dùng chung đối với các lĩnh vực Tài chính, Tư pháp - Hộ tịch, Kiểm soát TTHC, Một cửa liên thông, quản lý văn bản, Văn thư, lưu trữ… Hiện huyện Quế Sơn đang tiếp tục xây dựng và thực hiện cập nhật thông tin các cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung (Cơ sở dữ liệu dân cư, kinh tế - xã hội, Bản đồ
số…).
Tư duy quản lý từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ” được thay đổi. TTHC được cải cách đơn giản hóa nhiều so với những năm trước đây. Về cơ bản, công tác CCTTHC trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực tăng dần theo từng năm. Chỉ số thành phần CCTTHC của huyện Quế Sơn liên tục được cải thiện kể từ năm 2018 đến nay: nếu năm 2017[51;tr.115] đạt 60%, đứng thứ 6/18 huyện, thị, thành phố của tỉnh; thì tăng tốc dần vào năm 2018[50;tr.119] đạt 80,93%, đứng thứ 2/18 huyện thị...; năm 2019[49;tr.136] đạt 82,17%%, đứng thứ 6/18 huyện, thị...; và đặc biệt năm 2020[48;tr.148] đạt 84,99% (đứng thứ 4/18 huyện, thị, thành phố của tỉnh [xem thêm Phụ lục Bảng 2.2]. Tính năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức và cơ quan HCNN được cải thiện rõ rệt... Các minh chứng tiêu biểu, đó là: (1) Sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của cơ quan HCNN trên địa bàn huyện Quế Sơn qua các năm luôn được cải thiện, đặc biệt là trong 02 năm: năm 2019 và 2020 [xem cụ thể Phụ lục Bảng 2.3]; (2) Chỉ số đánh giá hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính của huyện Quế Sơn (Chỉ số SIPAS được áp dụng từ năm 2018) đều xếp thứ hạng cao: năm 2018[45;tr.03] đạt 87,24% (xếp thứ 4/18 huyện, thị, thành phố của tỉnh); năm 2019[46;tr.04] đạt 86,79% (xếp thứ 6/18 huyện, thị...); và năm 2020[47;tr.04] đạt 87,31% (xếp thứ 9/18 huyện, thị...).
Nhìn chung, quá trình tổ chức thực hiện chính sách CCTTHC trong các cơ quan HCNN trên địa bàn huyện Quế Sơn đã có sự cải thiện tích cực qua những năm gần đây. Chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn đã ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách CCTTHC; qua đó từng bước đổi mới cách thức thực hiện và đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong tổ chức thực hiện chính sách này. Mỗi khi nhận được sự chỉ đạo của TW, của tỉnh Quảng Nam về nội dung mới về chính sách CCTTHC, thì chính quyền huyện Quế Sơn đều kịp thời xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; đã kịp thời tuyên truyền phổ biến chính sách này; bước đầu chú trọng tới sự phân công - phối hợp giữa các phòng ban, giữa các cấp trong thực hiện chính sách CCTTHC. Để duy trì và điều chỉnh tính khả thi của chính sách này, các cơ quan HCNN trên địa bàn cũng đã đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để kịp thời khắc phục
những vướng mắc, bất cập về giải pháp chính sách. Đồng thời, công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra và đánh giá, tổng kết huyện cũng được huyện chú trọng hơn để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chính sách CCTTHC... Chính nhờ một số thành quả trong CCTTHC đã đóng góp chung vào sự gia tăng chất lượng hiệu quả chương trình CCHC trên địa bàn huyện Quế Sơn ngày một khởi sắc hơn. Minh chứng cho thấy: Nếu điểm chỉ số CCHC huyện Quế Sơn năm 2018[33] đạt 76,07 điểm (tăng 4 bậc so với năm 2017), xếp vị thứ 5/18 huyện, thị xã, thành phố; thì đến năm 2020[48;tr.123] của huyện Quế Sơn đạt 78,22%, đứng thứ 8/18 huyện thị thành phố của tỉnh.
* Nguyên nhân về kết quả đạt được:
Thể chế hành chính ngày càng hoàn thiện. Bộ máy tổ chức của hệ thống cơ quan HCNN trên địa bàn huyện đã được củng cố, kiện toàn một bước. Đề án vị trí việc làm khối chính quyền của huyện đã xây dựng hoàn thành và đang đưa vào thực hiện; tinh giản biên chế một bước, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức trên địa bàn huyện ngày càng phù hợp hơn.
Công tác chỉ đạo, quán triệt, triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình 09-CTr/HU được sự quan tâm thường xuyên, quyết liệt từ Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo CCHC, chính quyền huyện; sự phối hợp của Mặt trận, các đoàn thể; sự phấn đấu của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương; nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng công tác CCHC nói chung và CCTTHC nói riêng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện.
Vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan HCNN trên địa bàn Quế Sơn được nâng lên; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của huyện và 13 xã, thị trấn được cải thiện đáng kể. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tính đến năm 2018[53;tr.07], riêng cụ thể chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện Quế Sơn: tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định chiếm 87,19% (143/164); tỷ lệ cán bộ cấp xã đạt chuẩn theo quy định chiếm 81,81% (117/143); và tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chiếm 98,04% (301/307). Cách ứng xử làm việc được đổi mới và tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của
cán bộ, công chức được nâng lên thông qua việc tuân thủ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT- UBND ngày 13/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam và Chủ trương “Ba nhất” của Huyện ủy Quế Sơn.
Cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, trang thiết bị được đầu tư ngày càng hiện đại; cùng với sự hỗ trợ về phần mềm IT ứng dụng và môi trường mạng đã và đang phát huy tốt hoạt động của Cổng, Trang thông tin điện tử của huyện; thực hiện triệt để quá trình trao đổi thông tin trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (Q-Qffice), tạo thuận lợi và tính kịp thời trong giải quyết TTHC và đẩy mạnh giải quyết TTHC công trực tuyến trên địa bàn huyện.