Huyện Quế Sơn có Quốc lộ 1A với 8,5km chạy qua địa phận ba xã: Quế Phú, Quế Xuân 1, Quế Xuân 2 và một thị trấn Hương An; có 02 tuyến đường ĐT 611A và ĐT 611B dài 37,5 km (15,5km thâm nhập nhựa và 22km bê tông nhựa) chạy qua Quế Sơn. Các tuyến đường ĐX và ĐH của huyện được đầu tư bê tông hóa, kết nối thông giữa các xã trong huyện và một số huyện (Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình). Với hệ thống mạng lưới giao thông đó tạo thuận lợi phát triển KT-XH huyện. Mặt khác, Quế Sơn có lợi thế tiềm năng đất rừng để phát triển cây lâm nghiệp; đồng thời, Quế Sơn có nhiều danh lam - thắng cảnh phong phú đa dạng nên thuận lợi điều kiện trong thu hút đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, các khu du lịch sinh thái (Suối Tiên, Suối Nước Mát-Đèo Le, núi Hòn Tàu, Vũng nước nóng Bàn Thạch, Hồ Giang...). Ngoài ra, Quế Sơn nổi tiếng với sự gắn kết các di tích lịch sử cách mạng, như: Tượng đài chiến thắng Cấm Dơi; Đền Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ huyện…
Hàng năm, trên địa bàn huyện có từ 05-07 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan. Về CN - TTCN phát triển tương đối khá, với KCN Đông Quế Sơn và các cụm CN (Quế Cường, Hương An, Dốc Đỏ…). Huyện Quế Sơn về cơ bản có tình hình KT-XH phát triển khá ổn định. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, tổng giá trị sản xuất năm 2019 là hơn 5.117 tỷ đồng thì đến năm 2020 ước đạt 8.573 tỷ đồng (tăng hơn 6,65%). Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt hơn 39.400 tấn. Bình quân thu nhập đầu người năm 2020 là hơn 36 triệu đồng. Thu phát sinh kinh tế hơn 147 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội 950 tỷ đồng và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,95%[32].
Về dân số - lao động, dân số huyện Quế Sơn năm 2019 là 81.186 người (nữ 51,88% và nam 48,12%). Trong đó, nông thôn chiếm 90,68% (73.623 người) và thành thị chiếm 9,32% (7.563 người). Toàn huyện có mật độ dân số 315 người/km2 (thấp nhất là xã Quế Hiệp 99 người/km2 và cao nhất là xã Quế Xuân 1 có 948 người/km2).
Nhìn chung, trong sản xuất nông nghiệp của huyện Quế Sơn đã cơ bản tích cực chuyển đổi cây trồng và phát triển chăn nuôi. Lĩnh vực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và hạ tầng các KCN, cụm CN được tập trung đẩy mạnh… CCHCNN được tăng cường, chú trọng phát huy hoạt động Trung tâm hành chính công của huyện, bộ phận một cửa ở thị trấn và các xã… Nhờ đó góp phần tạo việc làm, cải thiện dần đời sống thu nhập của người dân.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, giảm nghèo và an sinh xã hội tại Quế Sơn được tích cực triển khai; đồng thời, tập trung tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (cả huyện có 05 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020). Quế Sơn hiện đạt 90,4% hộ gia đình văn hóa và 86,5% số tổ dân phố - thôn chuẩn văn hóa. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa và bảo trợ xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục củng cố kiện toàn, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy vậy một số khó khăn, hạn chế trước yêu cầu phát triển còn tồn tại, đó là:
Việc giải quyết vướng mắc còn kéo dài đối với một số dự án. Tiến độ giải quyết thủ tục hồ sơ, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, thanh quyết toán một số dự án, công trình còn chậm, đặc biệt là phần việc các công trình xây dựng nông thôn mới; và nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới thiếu tính bền vững. Vẫn còn đơn thư tố cáo, khiếu nại vượt cấp, nhất là lĩnh vực tranh chấp đất đai.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật còn thiếu chiều sâu. Tệ nạn cờ bạc, ma túy chưa giảm. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi cùng thời tiết khắc nghiệt (nắng hạn, bão lũ) ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người dân.