Mục đích và sự cần thiết vận động chính sách công

Một phần của tài liệu LuanAn-Hoa (Trang 46 - 51)

2.2.1. Mục đích vận động chính sách công

VĐCS có thể được thực hiện một cách chính thức hoặc không chính thứcđể tác động đến những người có thẩm quyền ra quyết định. Tính không chính thức ở đây được hiểu rằng, VĐCS tuy không phải là một thủ tục bắt buộc của quy trình ra chính sách, quyết định nhưng lại có tác dụng bổ sung cho quá trình ra chính sách, quyết định của người có thẩm quyền. Bởi lẽ, VĐCS mang đến cho người có thẩm quyền cái nhìn toàn diện, đa chiều với đầy đủ thông tin, chứng cứ cũng như ý kiến, kiến nghị của cử tri và xã hội về vấn đề đang được xem xét, quyết định, trên cơ sở đó, họ đưa ra những quyết định có lợi cho xã hội, cử tri hoặc các nhóm lợi ích, … Chính vì vậy, có thểnói VĐCS là hoạt động “hậu trường”, nhưng có vai trò bổ sung, tác động mạnh mẽ đến tất cả các công đoạn của quá trình ra quyết định. VĐCS là những nỗ lực của cá nhân hoặc nhóm, tổ chức gây ảnh hưởng đến cơ quan nhà nướctrực tiếp hoặc gián tiếp theo hướng có lợi cho mình hoặc cho xã hội. Nói cách khác, VĐCS bao gồm tất cả các giao tiếp nhằm ảnh hưởng đến các thành viên cả cơ quan lập pháp, quan chức chính phủ hoặc bất cứ ai có thể tham gia, tác động vào quá trình chính sách. Mục đích của quá trình này là nhằm mang lại lợi ích từ các chính sách, những hợp đồng, dự án có giá trị của Chính phủ cho nhóm hay tập đoàn mình.

VĐCS như là chiếc cầu nối giữa những người hoạch định chính sách và những người thụ hưởng, chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Dưới một giác độ nào đó, có thể nói, VĐCS là hoạt động chuyển tải những mong muốn, nguyện vọng từ một nhóm lợi ích, tập đoàn nào đó đến với những người có quyền ra quyết định. Những vấn đề vướng mắc, bất cập của chính sách trong thực tiễn sẽ

được phản hồi, thông tin tới các nhà hoạch định chính sách và trên cơ sở đó có thể thay đổi, tháo gỡ những rào cản, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nhà nước và nhân dân.

Như vậy, mục đích trực tiếp của VĐCS là có được các quyết định chính sách từ các quan chức nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền theo hướng có lợi cho mình. Để đạt được điều đó, VĐCScó thểtham gia vào tất cả các khâu, các giai đoạn của quy trình chính sách.

Trước hết, VĐCS thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng một vấn đề nào đó nên được lựa chọn là vấn đề chính sách để đưa vào chương trình nghị sự quốc gia cũng như nỗ lực nhằm ngăn chặn một vấn đề khác trở thành vấn đề chính sách.

Thứ hai, VĐCS tác động vào giai đoạn thảo luận chính sách nhằm đưa ra những phương án chính sách và lựa chọn tối ưu sau khi chính sách đã được đưa vào chương trình nghị sự và đang trong quá trình bàn bạc, thảo luận trước Quốc hội hay Nghị viện.

Thứ ba, VĐCS tác động vào giai đoạn ra quyết định chính sách nhằm thúc đẩy việc ban hành các thủ tục pháp lý cần thiết để chính sách chính thức được thông qua hoặc ngược lại, ngăn cản hoặc trì hoãn việc thông qua một chính sách nào đó mà bất lợi cho chủ thể vận động.

Thứ tư, VĐCS tác động vào giai đoạn thực thi chính sách nhằm làm cho quá trình thực thi chính sách đúng mục đích nếu việc thực hiện chính sách có lợi cho chủ thể. Đôi khi VĐCS ở giai đoạn thực thi chính sách cũng là để ngăn cản việc thực thi một chính sách nào đó hoặc gây áp lực để làm cho việc thực thi chính sách đi chệch mục đích ban đầu nhưng lại có lợi cho chủ thể vận động.

Cơ sở quan trọng cho toàn bộ quá trình này chính là việc cung cấp thông tin và phân tích, xử lý thông tin theo hướng có lợi cho nhóm vận động mà lại có sức thuyết phục các chủ thể hoạch định và thực thi chính sách. Như vậy, VĐCS có mục đích là cung cấp những thông tin, tư liệu cho các quan chức nhà nước có thẩm quyền, các chính khách, ... từ đó tác động đến quá trình hoạch định chính

sách, ban hành những quyết định có lợi cho xã hội hoặc các cá nhân hay nhóm lợi ích có liên quan. Theo nghĩa đó, VĐCS xuất hiện trong suốt cả quy trình chính sách công nhưng đặc biệt quan trọng ở giai đoạn đầu, khi chính sách chưa được chính thức ban hành. Mục tiêu cuối cùng của VĐCS là đạt được sự thay đổi cụ thể trong các chính sách, các hoạt động, các chương trình và việc phân bổ nguồn lực mang lại lợi ích cho những người tham gia vào quá trình. Nhưng trên thực tế, tùy bối cảnh mà mục đích vận động có thể có sự điều chỉnh. Cụ thể là, khi chưa có chính sách thì cần vận động để hướng tới việc soạn thảo, ban hành chính sách mới; Khi đã có chính sách thì cần vận động nhằm vào việc tạo môi trường thuận lợi hay ủng hộ việc thực thi chính sách ở tất cả các cấp; Khi chính sách đã được thực hiện sau một giai đoạn thì cần vận động cho việc việc điều chỉnh, bổ sung để chính sách sát với thực tế cuộc sống - hoặc thậm chí đề nghị chấm dứt chính sách đó.

2.2.2. Sự cần thiết của vận động chính sách công trong quy trình chính sách công

Vận động chính sách là cần thiết trong các thiết chế dân chủ là vì:

Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu thông tin từ phía các nhà hoạch định chính sách. Trong các xã hội hiện đại luôn tồn tại các lợi ích khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Thực chất hoạt động hoạch định và thực hiện chính sách là hoạt động phân phối lại lợi ích thông qua công cụ pháp luật. Đó là công việc của các nghị sỹ - thành viên của nghị viện. Các chính sách mà nghị viện ban hành đều liên quan đến hàng hóa công, và đôi khi các quyết sách này có thể mang lại lợi ích cho một cá nhân nào đó và đồng thời làm tổn hại đến lợi ích của cá nhân khác. Đây là động cơ liên kết các cá nhân có cùng lợi ích tạo thành các nhóm áp lực nhằm gây ảnh hưởng tới hoạt động hoạch định chính sách của nghị viện. Các quyết định chính sách thực chất là những hành vi về việc làm hay không làm một việc gì. Và ranh giới của hành vi làm hay không làm đó chính là nơi các nhà VĐCS tham gia vào như một chất xúc tác quan trọng ảnh hưởng đến các hành vi của nghị viện. Sự liên đới mật thiết giữa người ban hành chính sách và người thụ hưởng chính sách chính là nhân tố khách quan cho sự ra đời và tồn tại của hoạt

động VĐCS.Một đề án, chính sách hay một phương án xã hội... được đưa ra thường dựa trên những cơ sở lập luận nhất định của một nhóm chuyên gia luật hoặc các thành viên có ảnh hưởng đặc biệt kháctrong xã hội. Nhưng do không đồng nhất về lợi ích, quyền lợi, địa vị kinh tế, chính trị cũng như những khác biệt về giới, nhóm dân tộc nên không phải tất cả các nhóm cư dân đều được hưởng lợi như nhau trong quá trình ban hành và thực hiện các chính sách. Có nhóm thì được hưởng nhiều, ngược lại có nhóm thì lại bị tác động tiêu cực, thua thiệt. Trong bối cảnh đó, các nhóm lợi ích khác nhau luôn có xu hướng tìm cách vận động nhà hoạch định chính sách để ban hành những quy phạm ngoại lệ, ưu đãi có điều kiện hoặc chọn một giải pháp lập pháp hiệu quả hơn nhằm cân bằng lợi ích - thiệt hại một cách tương đối cho nhóm mình.

Không chỉ vậy, bản thân các chủ thể hoạch định và thực hiện chính sách cũng có nhu cầu được thông tin từ người dân và các chủ thể khác trong đời sống xã hội.Những nhà lãnh đạo, quản lý và hoạch định chính sách chủ chốt thường rất bận rộn với nhiều công việc cần giải quyết và họ có thể chưa nắm được đầy đủ những thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề vận động. Do đó, bản thân những quan chức, những nhà hoạch định chính sách cũng cần tìm kiếm thông tin liên quan để bổ sung đầu vào cho quá trình chính sách cũng như cần sự ủng hộ từ công chúng. Các nghị sĩ cũng cần những thông tin nhiều chiều, chính xác để bổ sung và tạo cơ sở cho các dự luật. Mặc dù các nghị sĩ có một số lượng nhân viên phục vụ khá đông đảo, đội ngũ giúp việc tại các ủy ban và tiểu ban của quốc hội cũng không ít nhưng trong một thế giới luôn phức tạp và đầy biến động hiện nay thì tất cả số nhân viên đó cũng không thể đáp ứng được nhu cầu thông tin của các nghị sĩ. Hơn thế nữa, quốc hội là cơ quan lập pháp đại diện cho quyền lợi cả nước, do đó các vấn đề mà nó quan tâm rất rộng, các nghị sĩ không có đủ thời gian và tiền bạc để thu thập thông tin về mọi vấn đề của cuộc sống. Điều này có thể được bù đắp thông qua hoạt động của các cá nhân và những công ty VĐCS chuyên nghiệp ở các quốc gia. Cái quý nhất họ có được là thông tin cũng như khả năng tổng hợp, phân tích và xử lý các thông tin đó; trong nhiều trường hợp, những thông tin này là rất quan trọng và cần thiết đối với các quan chức. Vận

động trung thực sẽ tạo diễn đàn thảo luận xã hội về chính sách. Các chuyên gia VĐCS làm cho các nghị sĩ và các nhân viên của họ không có cảm giác bị "quấy rầy" mà ngược lại, chính là sự hỗ trợ thông tin và củng cố lập luận cho nghị sĩ và nhóm đảng phái của họ. Đây là sự tương tác giữa sự vận động một chiều và sự cộng tác, tham gia của công chúng trong quá trình ra quyết định của chính phủ thông qua cơ quan đại diện - một sự tham gia tích cực bổ sung cho quá trình ra quyết định. Các chuyên gia vận động giúp nghị sĩ điều tra, thu thập thông tin và huy động sự tham gia rộng rãi của công chúng đối với những vấn đề chính sách. Đây cũng là lí do giải thích tại sao VĐCS là cần thiết.

Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu tham gia vào quá trình chính sách để thực hiện hiệu quả hơn quyền lực của công dân. VĐCS giúp cho quá trình thực hiện quyền lực của người dân hiệu quả hơn. Trong các thiết chế dân chủ, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp rất lớn nhưng trên thực tế, họ không có đủ điều kiện để thực hiện một cách hiệu quả những quyền luật định ấy của mình. Nói đúng hơn là thiếu cơ chế thiết thực để người dân thực hiện hết quyền công dân của mình. Để bày tỏ quan điểm hay nguyện vọng của mình, đôi khi, họ không có khả năng tiếp cận chính thức với những cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền cũng như khả năng diễn đạt, thuyết phục, vì vậy, họ chỉ còn cách không chính thức thông qua các cá nhân hay tổ chức trung gian. Và đây cũng chính là lý do khiến cho hoạt động VĐCS cần thiết phải ra đời như là cầu nối giữa người dân và chính quyền. Hoạt động VĐCS còn tạo ra trong xã hội một cơ chế tranh luận dân chủ và rộng rãi, một mạng lưới liên kết giữa các chủ thể ngoài chính quyền với chính quyền trong quá trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin. Thêm vào đó, bản thân những vấn đề ưu tiên phát triển xã hội cũng đang cạnh tranh với nhau, nhất là trong bối cảnh tình trạng nguồn lực quốc gia có hạn. Chính vì vậy, VĐCS là cần thiết để xác lập và lựa chọn những ưu tiên.

Thứ ba, VĐCS là phương tiện giúp củng cố quyền lực của các chủ thể cầm quyền.Mặc dù đôi khi có sự căng thẳng giữa các chuyên gia VĐCS với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng giữa họ vẫn tồn tại mối quan hệ cộng sinh, phụ thuộc lẫn nhau. Các nhà VĐCS cần chính sách có lợi cho thân chủ của mình

nên họ phải làm việc với các chủ thể quyền lực công, tác động tới quá trình ra chính sách. Còn các chủ thể quyền lực công làm việc với nhà vận động là bởi họ cần thông tin liên quan, bổ sung đầu vào cho thủ tục chính sách. Các nhà VĐCS là những người kiểm soát được nguồn thông tin liên quan đến các vấn đề mà họ vận động. Vì vậy, họ cung cấp tư liệu cho các chủ thể quyền lực công một cách dễ dàng nhất - thông tin từ bên ngoài về những vấn đề mà các cơ quan công quyền đang bàn hoặc có thể bàn tới. Trong khi đó các chủ thể quyền lực công lại không có điều kiện để tập hợp thông tin. Do đó, họ phải dựa vào nhân lực ưu thế của các nhà vận động để kiến nghị giải pháp cho các vấn đề, dự thảo luật, cung cấp chứng cớ, phát triển chiến lược pháp luật, thuyết phục Quốc hội, Chính phủ hay Toà án tán thành, đôi khi còn nêu những vấn đề khác nữa. Vì chịu áp lực từ nhiều phía nên các cơ quan công quyền phải đáp ứng trước áp lực nào mạnh nhất. Các chủ thể quyền lực công làm việc với các nhà vận động còn bởi đây là một hình thức để củng cố quyền lực của họ, để tạo sự ủng hộ từ công chúng, để đánh bóng hình ảnh của mình, chuẩn bị tiền đề thuận lợi cho sự tái cử vào nhiệm kỳ sau, đặc biệt là để mang về những lợi ích vật chất nhất định từ hoạt động vận động của chuyên gia VĐCS. Bởi vậy, các chủ thể quyền lực công cũng rất chú ý

“đầu tư quan hệ” với các chuyên gia này.

Một phần của tài liệu LuanAn-Hoa (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w