Quy trình vận động chính sách công

Một phần của tài liệu LuanAn-Hoa (Trang 58 - 64)

Phân chia các giai đoạn trong quy trình chính sách công đã phức tạp, để thống nhất được các bước trong quy trình vận động còn khó khăn hơn nữa. Có cách tiếp cận phân chia quy trình này thành chín bước:xác định vấn đề, xác định mục tiêu, phân tích và thu thập thông tin, xác định đối tượng và các hình thức vận động, xác định các dạng thông điệp vận động, xác định nguồn lực, xây dựng liên minh, xác định các kế hoạch hoạt động, thực hiện theo dõi và đánh giá.

Cũng có cách tiếp cận khác phân chia các bước tiến hành VĐCS như sau: Phân tích và xây dựng chiến lược; Nghiên cứu và khảo sát; Phát triển mạng lưới và liên minh; Vận động hành lang, tranh thủ mối quan hệ cá nhân; Phát động chiến dịch; Sử dụng thông tin đại chúng; Xuất bản phẩm, hội thảo, hội nghị, toạ đàm v.v.. [32].

Lại có quan điểm nêu ra bảy bước cơ bản trong VĐCS: (i) Xác định và phân tích vấn đề để vận động, (ii) xác định và phân tích đối tượng liên quan, (iii)Thiết lập các mục tiêu vận động, (iv) Xây dựng và chuyển tải thông điệp chính của vận động, (v) Xây dựng chiến lược/lựa chọn phương pháp và kỹ thuật vận động, (vi) Xây dựng kế hoạch và tiến hành vận động và (vii) Giám sát và đánh giá.

Tuy nhiên, khi tổng kết các nghiên cứu như đã nêu trên về cơ bản quy trình VĐCS có thể khái quát thành sáu giai đoạn như sau theo cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học John Hopkins.

2.4.1. Phân tích vấn đề chính sách

Phân tích vấn đề chính sách là bước đầu tiên của quá trình vận động. Các hoạt động hay các nỗ lực vận động được thiết kế nhằm có được ảnh hưởng vào chính sách công bắt đầu với thông tin chính xác và sự hiểu biết thấu đáo vấn đề, về người dân có liên quan, các chính sách, việc thực hiện hoặc không thực hiện của chính sách, các tổ chức và các kênh tiếp cận những người có ảnh hưởng và các nhà hoạch định chính sách. Cơ sở kiến thức càng vững chắc về các vấn đề này thì việc VĐCS càng thuyết phục.

Những vấn đề chủ yếu của phân tích vấn đề chính sách bao gồm: trọng tâm vấn đề, lịch sử pháp lý của vấn đề, hướng giải quyết vấn đề thông qua các thay đổi trong chính sách, lựa chọn kiểu thay đổi chính sáchcần thiết, khả năng đáp ứng nguồn lực tài chính, các chủ thể liên quan đến sự thay đổi chính sách, xác định và phân loại đối tượng chính sách dựa trên thái độ của họ, chủ thể có quyền ra quyết định, những người còn chưa quyết định và còn đang do dự, nội dung và mức độ thay đổi trong các chính sách ở các cấp, những nhân tố ảnh hưởng đến người quyết định chính sách, những lập luận có tính thuyết phục cao, cơ cấu thông tin liên quan đến việc hoạch định chính sách, các kênh thông tin tiếp cận đến các nhà hoạch định chính sách, xây dựng thông điệp tin cậy đối với các nhà hoạch định chính sách này.Vấn đế chính sách có thể sinh ra từ các hoạt động thực tế trong xã hội, từ những nguyện vọng của nhân dân hay từ những tác động của môi trường bên ngoài xã hội. Phân tích theo các nguyên nhân xuất hiện sẽgiúp chúng ta kết luận được về tính tất yếu khách quan của vấn đề chính sách.

2.4.2. Xây dựng chiến lược vận động chính sách

Các nỗ lực vận động cần có một chiến lược, giai đoạn lập chiến lược dựa vào bước phân tích kế hoạch trực tiếp, tập trung vào các mục tiêu cụ thể để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm đạt mục tiêu đó. Xây dựng chiến

lược bao gồm việc lập ra một nhóm làm việc để lên kế hoạch hoạt động chi tiết; xác định các đối tượng chính và phụ, xác định các mục tiêu dựa trên tiêu chí SMART, xác định vấn đề một cách thuyết phục, lựa chọn một mô hình thay đổi chính sách phù hợp với tình huống và các mục tiêu vận động, xác định nguồn lực và xây dựng các liên minh, tìm kiếm và làm việc với các đối tác, những người tán thành trong liên minh, những người phát ngôn và phương tiện truyền thông thích hợp, xác định đối thủ, lên các kế hoạch hoạt động sao cho thích hợp nhất đối với các đối tượng dự kiến nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất và giảm thiểu sự chống đối, tìm kiếm và kết hợp các kênh tuyên truyền đa dạng, hiện đại, hiệu quả, xây dựng các chỉ tiêu nhằm điều hành tiến trình và đánh giá tác động, đặt cho các chính sách đang đề xuất hoặc đề nghị thay đổi một cái tên hấp dẫn, dễ hiểu để vận động ủng hộ.

2.4.3. Xây dựng các liên minh, đưa ra các thông điệp vận động chính sách

Xây dựng liên minh có tác dụng tăng cường VĐCS. Các sự kiện, các hoạt động, các thông điệp và các tài liệu phải được thiết kế với các mục đích, đối tượng, đối tác và nguồn lực một cách rõ ràng. Chúng phải có ảnh hưởng tích cực nhất đối với các nhà làm chính sách, tranh thủ sự tham gia tối đa của các thành viên trong liên minh, hạn chế tối thiểu phản ứng của lực lượng chống đối. Thông thường, các bên có chung mục tiêu chính sách sẽ có động cơ liên minh với nhau để tăng cường sức mạnh và chia sẻ chi phí. Một liên minh hiệu quả cần: Xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết vềtình hình, đối tượng dự kiến, đối tượng chịu tác động; Khuyến khích tất cả các đối tác trong liên minh tham gia tích cực; Xây dựng lịch trình và trình tự các hoạt động để có được ảnh hưởng tích cực;Giao trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên liên minh; Tổ chức mạng lưới nhằm mở rộng các liên minh và gắn kết họ với nhau, tổ chức đào tạo và thực hành vềVĐCS.

Ngoài ra, cần nhận biết, xác định và kết hợp các dữ kiện, dữ liệu chủ yếu nhằm ủng hộ quan điểm của mình. Sau đó liên kết quan điểm của mình với

những quan tâm của các nhà làm chính sách, đưa ra thông tin một cách ngắn gọn, ấn tượng và dễ nhớ. Nên kết hợp vấn đề được quan tâm với các giai thoại trong các thông điệp, chỉ ra các hành động mong muốn một cách rõ ràng, nhấn mạnh tính khẩn cấp và ưu tiên của hành động đưa ra. Cuối cùng, cần lập kế hoạch và tổ chức chương trình tường thuật cho các phương tiện tuyền thông nhằm quảng bá các sự kiện thích hợp, giới thiệu các dữ kiện mới và các nhân vật tin cậy chủ yếu, tập hợp sự ủng hộ rõ ràng của các cơ sở.

2.4.4. Phối hợp hành động vận động chính sách

Kết nối tất cả các đối tác với nhau và kiên trì trong việc đưa ra tình huống là điều quan trọng trong triển khai VĐCS. Để tăng hiệu quả phối hợp vận động cần: Liên tục đưa ra thông điệp và sử dụng các tài liệu tin cậy được phát triển nhằm duy trì mối quan tâm lo lắng về vấn đề đặt ra; Kiểm soát và phản ứng nhanh với các quan điểm khác và các biểu hiện chống đối;Mềm dẻo, thực hiện các hoạt động đã đề ra một cách liên tục và theo chương trình; Thiết lập một cách thức để các thành viên liên minh được thông báo về các hoạt động và kết quả của chúng; Xây dựng và duy trì sự ủng hộ của truyền thông với các tiếp xúc cá nhân, ra báo, họp báo, hỗ trợ nghề nghiệp;Cần tránh bất cứ hoạt động nào trái với pháp luật và vi phạm đạo đức; Nắm chắc số lượng các nhà làm chính sách có thể cam kết được; Giữ một bản ghi các thành công và thất bại, kiểm soát dư luận và công bố các thay đổi tích cực; Nhận thức và tin vào vai trò của các nhà làm chính sách và các đối tác liên minh.

2.4.5. Đánh giá kết quả vận động

Các nỗ lực VĐCS cần phải được đánh giá một cách thận trọng.Vì VĐCS luôn mang đến các kết quả từng bước, một đội ngũ VĐCS cần phải đánh giá thường xuyên và khách quan cái gì đã được hoàn thành và cần phải làm những gì nữa. Việc đánh giá tiến trình có thể còn quan trọng hơn và khó khăn hơn là đánh giá tác động. Trong quá trình đánh giá kết quả vận động cần tập trung vào những vấn đề chính như: Xây dựng và xác định các tiêu chí trung gian và cả tiến trình; Đánh giá các sự kiện và các hoạt động cụ thể;Chú ý đến sự thay đổi tài liệu dựa

trên các mục tiêu SMART ban đầu; So sánh các kết quả cuối cùng với các chỉ tiêu đo lường sự thay đổi; Xác định nhân tố chủ yếu đóng góp vào sự thay đổi chính sách;Chú ý đến tài liệu về những thay đổi ngoài dự kiến, chia sẻ kết quả; và cuối cùng công bố thành công theo cách rõ ràng và dễ hiểu nhất cho chủ thể có liên quan.

2.4.6. Theo dõi kết quả chính sách (duy trì tính liên tục)

VĐCS cũng giống như tuyên truyền là một quá trình đang diễn ra hơn là một chính sách riêng biệt hay là một phần của việc làm luật. Một kế hoạch có tính liên tục có nghĩa là nó có mục đíchdài hạn rõ ràng, giữ các liên minh chức năng với nhau, kết nối dữ liệu và các biện hộ phù hợp với điều kiện đang thay đổi, đánh giá tình hình kết quả. Nếu các thay đổi chính sách mong muốn xảy ra, phải kiểm soát thực hiện. Nếu các thay đổi chính sách mong muốn không xảy ra, cần xem lại chiến lược và hành động trước, nhắc lại tiến trình vận động hoặc xác định các hành động khác để đưa ra. Đặc biệt, phải kiên trì xây dựng các kế hoạch nhằm duy trì và tăng cường sự thay đổi.

Tiểu kết chương 2

Có thể thấy, dù còn nhiều quan niệm, nhiều cách tiếp cận khác nhau về VĐCS nhưng những vấn đề cơ bản liên quan đến VĐCS như chủ thể, đối tượng, mục đích, nội dung, phương thức vận động… hiện nay là tương đối rõ ràng và thống nhất. Theo đó, không còn nghi ngờ VĐCS đang ngày càng trở nên cần thiết trong các thiết chế dân chủ và tác động mạnh mẽ đến các quá trình chính sách công mặc dù VĐCS có lịch sử hình thành và phát triển của nó gắn liền với những điều kiện cơ bản của đời sống kinh tế - xã hội cũng chính là những cơ sở hình thành hoạt động này. Chủ thể và đối tượng VĐCS rất đa dạng, phương thức tiến hành vận động có thể khác nhau nhưng nhìn chung, mục đích của các hoạt động VĐCS đều hướng đến việc tạo ra những thay đổi chính sách theo hướng có lợi hơn cho chủ thể vận động. Và dù ai vận động, vận động ai, vận động cho mục đích gì thì một hoạt động vận động thông thường cũng phải được tiến hành thông các bước cơ bản của nó. Nắm chắc và tuân thủ các bước cơ bản trong quá trình vận động sẽ giúp các chủ thể vận động chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược vận động để đạt hiệu quả cao nhất, trong khi đó cũng sẽ giúp cho nhà nước can thiệp nhằm kiểm soát VĐCS hoặc tạo ra những điểu kiện và cơ chế để thúc đẩy VĐCS tích cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các quyết định chính trị, các chính sách.

Chương 3

VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH CÔNG Ở ANH, PHÁP, MỸ

Vận động chính sách công như đã phân tích là một hoạt động đặc thù, một công nghệ chính trị, được hình thành trong những điều kiện, những cơ sở nhất định. Thực tiễn VĐCS công cũng như những ảnh hưởng của nó ra sao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong số đó có mức độ thể chế hóa hoạt động VĐCS, quy mô quốc gia, đặc điểm văn hóa chính trị và sự lớn mạnh của ngành công nghiệp VĐCS [94, tr.16]. Như vậy, thực tiễn VĐCS công một phần được phản ánh qua những quy định hay luật về VĐCS, ngược lại, mức độ hoàn thiện và đầy đủ của luật hay những quy định này có tác động trở lại thực tiễn VĐCS của các quốc gia. Chương này sẽ tập trung làm rõ thực trạng VĐCS công ở Anh, Mỹ, Pháp thông qua việc phân tích những quy định hay luật về VĐCS của từng nước, từ đó làm nổi bật thực tiễn VĐCS ở ba quốc gia dựa trên những biểu hiện về chủ thể, đối tượng vận động, quy mô và tài chính cho vận động, phương tiện và phương thức vận động. Quá trình phân tích cũng sẽ dựa trên những đặc thù về hệ thống chính trị và quá trình chính sách của từng quốc gia để luận giải sâu sắc hơn những biểu hiện VĐCS ở mỗi nước.

Một phần của tài liệu LuanAn-Hoa (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w