Quan niệm về vận động chính sách công ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu LuanAn-Hoa (Trang 121 - 124)

HIỆN NAY

Có người cho rằng VĐCS công ở Việt Nam thực ra không diễn ra một cách đúng nghĩa như ở các nước trên thế giới, bởi vì ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là Đảng duy nhất cầm quyền, phần lớn quyết định chính sách đều do Đảng đưa ra, Quốc hội với gần 80% đảng viên Đảng Cộng sản là nơi thể chế hóa các quyết định chính sách của Đảng. VĐCS ở Việt Nam là vận động trong “hành lang của Đảng”, khác với phương Tây, diễn ra trong “hành lang” của Nghị viện[22].

VĐCS ở Việt Nam thường được hiểu một cách khái quátlà việc tuyên truyền, giải thích, động viên những người nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các chính sách tự nguyện xây dựng các chính sách theo nguyện vọng chính đáng của người vận động[42]. Như vậy, ngay từ quan niệm chung, cách hiểu về VĐCS ở nước ta dường như giảm tính mạnh mẽ của hoạt động gây ảnh hưởng đối với chính quyền. Quan niệm về vận động ở Việt Nam trước đây thường chú trọng vào công tác vận động quần chúng, có nghĩa là Đảng và Nhà nước có những nỗ lực để động viên, khích lệ người dân chấp nhận và ủng hộ những chủ trương, chính sách, những quyết định của mình hoặc động viên họ chủ động và nhiệt tình, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách đã được coi là đúng và được ban hành. Hiện nay, xuất phát từ những thay đổi cơ bản trong nhận thức về tầm quan trọng và sự khách quan của VĐCS, chúng ta đã chú trọng hơn đến VĐCS với tư cách là một hoạt động có chủ đích của các nhóm chủ thể trong xã hội đến các tổ chức và cá nhân của nhà nước để đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến vào những chính sách của Đảng và Nhà nước trên những lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, với việc thừa nhận và trao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chức năng giám sát và phản biện xã hội đã cho thấy một sự đột phá trong nhận thức và tư duy của Đảng

ta, hứa hẹn sẽ mang lại những luồng gió mới, những thay đổi ít nhiều tích cực hơn đối với đời sống chính sách vốn có phần lặng lẽ như ở Việt Nam.

Chính vì quan niệm và nhận thức về VĐCS còn khá mới mẻ và nhạy cảm nên những nghiên cứu về nó là thực sự cần thiết để cải thiện tình trạng này. Có thể nói, trong thời gian qua, với những nỗ lực của toàn hệ thống và sự thúc đẩy của các thể chế bên ngoài nhà nước, chúng ta đã tích cực tiến hành các cuộc hội thảo, trao đổi, tọa đàm ở những quy mô và mức độ khác nhau bàn về VĐCS cũng như các khía cạnh cụ thể của hoạt động này. Về cơ bản, cho đến nay, chúng ta khá thống nhất ở quan niệm cho rằng, VĐCS được hiểu là quá trình tác động vào những nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định để tạo ra một chính sách phù hợp hơn, minh bạch và hiệu quả hơn.

Không chỉ thống nhất trong nhận thức và quan niệm về VĐCS, thành công cơ bản của các cuộc trao đổi, tọa đàm khoa học về vấn đề này còn đưa đến sự thống nhất thứ hai về ý nghĩa, tầm quan trọng hay sự cần thiết phải có VĐCS ở Việt Nam. Các phân tích luận giải đều tập trung vào hai điểm sau đây:

Một là, việc hoạch định và ban hành những chính sách kinh tế, xã hội ở nước ta trong ba mươi năm đổi mới vừa qua, tuy đã có những tiến bộ nhất định, nhưng vẫn còn những hạn chế lớn như: không ít chính sách không phù hợp ngay từ khi ban hành cho nên phải sửa đổi, bổ sung khá nhanh và nhiều lần tạo ra một hệ thống chắp vá, thiếu đồng bộ; một số chính sách thiếu khách quan, minh bạch, điển hình là các văn bản về chính sách quản lý đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; chính sách về thuế, phí…. Một số chính sách còn xơ cứng, mang dấu ấn khá nặng nề của tư duy kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, chậm thay đổi so với yêu cầu của cuộc sống, điển hình là chính sách về quản lý lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội…đối với các doanh nghiệp. Những hạn chế nêu trên tất yếu làm cho các chính sách đã ban hành kém hiệu quả. Các chính sách kinh tế, xã hội được ban hành mang tính vĩ mô, do đó, một chính sách sai lầm có thể gây hậu quả lớn, thậm chí có thể so sánh với hậu quả của một cuộc khủng hoảng nền kinh tế quốc dân.

Hai là, một trong những cam kết về bảo đảm yêu cầu minh bạch hóa của nước ta khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là: “Ngay từ khi gia nhập, Việt Nam phải công bố dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành để lấy ý kiến nhân dân; thời hạn dành cho việc góp ý và sửa đổi là 60 ngày; các văn bản nêu trên phải được đăng công khai”. Với cam kết này, tình trạng “mẹ hát, con khen hay” trong việc hoạch định các chính sách, ban hành các văn bản về chính sách kinh tế, xã hội không thể tiếp tục kéo dài thêm nữa. Các chính sách khi được ban hành phải đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

Ba là, dù muốn hay không, VĐCS vẫn là một tất yếu khách quan, tuy không phải là thiết chế chính thức, bắt buộc nhưng lại luôn hiện hữu trong thực tiễn chính sách các nước và ngày càng chứng tỏ nó đã là một công nghệ trong chính trị. Hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình không thể đảo ngược. Trong khi những hoạt động VĐCSthương mạiquốc tế đã và đang được các doanh nghiệp, hiệp hội ở nhiều nước thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả, ở Việt Nam, hoạt động này còn tương đối hạn chế cả về tần suất sử dụng và hiệu quả tác động. Một phần là do các doanh nghiệp, hiệp hội Việt Nam hoặc là chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa và vai trò của các hoạt động này, hoặc là chưa được hướng dẫn cách thức để có thể thực hiện chúng một cách hiệu quả. Khi Việt Nam chủ trương chủ động, tích cực tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi quốc tế thì một trong những bài học lớn là phải hiểu luật chơi và biết cách chơi làm sao cho có lợi cho mình. Vì vậy, chúng ta cần phải tiến hành những nghiên cứu thực sự công phu, nghiêm túc và toàn diện về VĐCS, dù chưa trả lời ngay được câu hỏi lớn là đã đến lúc thừa nhận, luật hóa hoạt động này ở Việt Nam hay chưa, thì cũng phải hiểu để sử dụng nó một cách hiệu quả khi chúng ta hội nhập với các quốc gia khác, nhất là có những quốc gia mà VĐCS là một phần không thể thiếu trong quy trình chính sáchnhư Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác. Cũng cần quán triệt quan điểm, VĐCS không đồng nghĩa với với việc “chạy cơ chế” đã từng xảy ra ở nước ta trong những năm vừa qua dù trên thực tế, ranh giới giữa chúng đôi khi là khá mong manh. Và để VĐCS tích cực, để không lẫn với tham nhũng

chính sách, chạy cơ chế, điều tiên quyết là phải có một khung khổ pháp lý chính thức cho hoạt động này.

Một phần của tài liệu LuanAn-Hoa (Trang 121 - 124)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w