4. Những đóng góp mới, ý nghĩa khoa học hoặc thực tiễn
1.2.2. Kinh nghiệm phát triển sản xuất chè tại tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn, toàn tỉnh hiện có 18,6 nghìn ha (năm 2019), trong đó diện tích chè kinh doanh 16,7 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 12,3 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 182 nghìn tấn; cây chè đã và đang khẳng định vai trò, vị thế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nông dân khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên trong những năm qua sản xuất chè của tỉnh Phú Thọ còn những tồn tại, hạn chế: Việc đầu tư thâm canh của diện tích chè vùng dân còn hạn chế, chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật; nhiều vườn chè không trồng cây che bóng, cây cải tạo đất, chưa bón cân đối N-P-K, chưa chú trọng bón bổ sung phân hữu cơ, phân vi sinh, bón phân chuyên dùng chủ yếu thực hiện ở các khu vực chè của doanh nghiệp; ý thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất chè còn yếu, tình trạng lạm dụng sử dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc không đúng chủng loại và kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly còn khá phổ biến đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách hàng tiêu thụ sản phẩm; nông dân một số nơi hái chè bằng máy chưa đúng kỹ thuật, hái cắt dài, hái cành già, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển bền vững của cây chè nên sự chỉ đạo còn nhiều khó khăn; sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều,…
Đứng trước thực trạng trên trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển cây chè theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu: Trồng cây che bóng, kỹ thuật bón phân; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, sử dụng máy hái chè đúng kỹ thuật; sản xuất chè theo quy trình an toàn... Hệ thống khuyến nông tăng cường
công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng chè: Bón đủ lượng, cân đối N-P-K, sử dụng phân bón chuyên dùng cho chè; bón bổ sung phân hữu cơ, phân vi sinh, phân bón lá; hái chè bằng máy đúng quy trình kỹ thuật, không hái, cắt cành già để đảm bảo phát triển bền vững vườn chè; trồng bổ sung cây che bóng giúp duy trì độ ẩm trong đất, hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, giảm tỷ lệ sâu bệnh hại, giảm số lần phun thuốc BVTV. Xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vùng sản xuất chè tập trung. Khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ, đẩy mạnh vai trò hoạt động của các hợp tác xã sản xuất chè đã có và tiếp tục phát triển các hợp tác xã mới; nghiên cứu chỉ đạo phát triển các câu lạc bộ chè, liên kết thành hiệp hội chè của tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành chè. Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu đề xuất tái cơ cấu ngành hàng chè, trong đó chú ý đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường liên kết, đảm bảo hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các mô hình có hiệu quả (trồng cây che bóng, bón phân chuyên dùng, sản xuất an toàn…); hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; trồng cây che bóng; sử dụng máy hái chè đúng kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn đảm bảo phát triển bền vững vùng nguyên liệu chè. Tăng cường công tác điều tra dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại chè và hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả, an toàn; đề xuất hình thức dịch vụ phát triển cây chè. Đẩy mạnh công tác quản lý việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng chè, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến chè, kiên quyết xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất, chế biến theo quy định. [3]