4. Những đóng góp mới, ý nghĩa khoa học hoặc thực tiễn
1.3. Tổng quan các công trình nghiên cứu
Nguyễn Văn Nam (2013) thực hiện luận văn “Phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương theo tiêu chuẩn VietGAP” với mục tiêu bao trùm của đề tài là nghiên cứu thực trạng phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương theo tiêu chuẩn VietGAP, đề xuất giải pháp phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Qua đó, nội dung chính của luận văn tập trung vào phân tích; Sản xuất chè nguyên liệu của vùng chè đặc sản Tân Cương và theo tiêu chuẩn VietGAP; Về kỹ thuật thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; Về kỹ thuật chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; Về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP; Về tiêu thụ chè của vùng chè đặc sản Tân Cương và theo tiêu chuẩn VietGAP; Công tác phát triển HTX chè của vùng chè đặc sản Tân Cương và theo tiêu chuẩn VietGAP; Chính sách khuyến nông của vùng chè đặc sản Tân Cương và theo tiêu chuẩn VietGAP; Thực hiện chính sách về đất đai của vùng chè đặc sản Tân Cương và theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, luận văn cũng tiến hành đồng thời phân tích kết quả và hiệu quả phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, luận văn chỉ ra những điểm còn tồn tại như chính sách của tỉnh Thái Nguyên trong việc hỗ trợ sản xuất chè chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tiến độ sản xuất; Công tác phục hồi giống chè trung du truyền thống triển khai nhưng kết quả còn nhiều hạn chế do nhận thức của nông dân; Quy hoạch vùng chè chưa cụ thể, rõ ràng cũng như chưa hình thành hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt là sản phẩm chè an toàn. [9]
Nguyễn Thị Thanh Duyên (2014) thực hiện luận văn thạc sỹ “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm Chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên” đã tiến hành hệ thống hóa và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lý luận cơ bản về cạnh tranh, NLCT sản phẩm cùng với đó đưa ra những tiêu chí cơ bản để đánh giá NLCT của sản phẩm như hệ số RCA, thị phần, chi phí sản xuất, giá cả, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, khả năng cung ứng, thương hiệu, và uy tín
của sản phẩm. Bằng phương pháp tiếp cận khác nhau, luận văn đã sử dụng những cơ sở lý luận để phân tích và đánh giá đúng thực trạng NLCT sản phẩm chè của xã trong thời gian qua, so sánh với các đối thủ cạnh tranh chính tại thị trường trong nước và quốc tế, từ đó chỉ ra rằng NLCT của Việt Nam nói chung và xã Tân Cương nói riêng còn thấp và còn kém xa các quốc gia này. Điểm mạnh trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chè của xã mới chỉ ở bề rộng chứ chưa thể hiện ở bề sâu như sản xuất và xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng thô, tỷ lệ sản phẩm qua chế biến để xuất khẩu còn thấp, phần lớn chè xuất khẩu qua trung gian và mang thương hiệu nước ngoài. [3]