6. Bố cục đề tài
2.1.1. Ám ảnh về những tội lỗi của quá khứ
Cuộc sống con người luôn gắn với những quá khứ, những kí ức. Quá khứ cứ thế trôi đi theo dòng chảy của thời gian. Có những quá khứ đã ngủ quên trong tâm thức sâu thẳm của tâm hồn con người. Tuy nhiên, cũng có những quá khứ hiện hữu rõ nét trong tâm trí và hiện về qua những giấc mơ của họ. Les Bown đã có một câu danh ngôn rất sâu sắc: “Nếu bạn có những cảm xúc mãnh liệt về điều gì đó xảy ra trong quá khứ, chúng có thể gây trở ngại cho khả năng sống trong hiện tại của bạn”. Đúng vậy! Những gì mà quá khứ không thể ngủ quên thì nó sẽ tìm cách đánh thức con người ở thực tại và được thể hiện ngay trong giấc mơ.
Tiểu thuyết Đêm thánh nhân của nhà văn Nguyễn Đình Chính là một chuỗi những giấc mơ dài triền miên của bác sĩ Cần – người bị bệnh tâm thần phân liệt nhẹ. Các giấc mơ tưởng chừng như không bao giờ dứt, bởi ở đâu, trong hoàn cảnh nào bác sĩ Cần cũng có thể ngủ và mơ được. Qua giấc mơ ấy, chúng ta hiểu thêm được rất nhiều điều trong đáy sâu tâm hồn con người, đó là những điều mà cuộc sống thực tại của con người ít khi được biểu hiện, phơi bày. Nguyễn Đình Chính đã thật tinh tế khi miêu tả những ám ảnh tội lỗi, những day dứt khôn nguôi của nhân vật từ trong giấc mơ của bác sĩ Cần. Họ là những con người luôn mang trong mình những mặc cảm tội lỗi, để rồi khi chết đi mà vẫn không thể nào nhắm mắt xuôi tay. Vì thế, trong giấc mơ của
người khác, họ đã hiện về để được sám hối, để được ăn năn và mong cho linh hồn được thanh thản về nơi suối vàng.
Chỉ có trong giấc mơ con người ta mới dám sống thật với lòng mình, mới dám đối diện với sự thật. Qua giấc mơ của bác sĩ Cần, linh hồn của ông Từ đã hiện về và kể lại toàn bộ bí mật mà ông đã cất giấu hơn ba mươi năm nay. Đó là bí mật về cái chết của A-rá – người dân tộc Kơho. Trước đây ông Từ đi bộ đội và nằm trong tổ trinh sát quân khu. Ông đã lập được khá nhiều chiến công, từng được thưởng hai huân chương hạng ba. Trong một lần làm nhiệm vụ tăng cường lực lượng để chuẩn bị cho mặt trận Zét hai, ông Từ cùng hai đồng chí nữa đã dạt vào bản Kơho ở thung lũng Xậm bùa, vùng Bù Gia Mập. Họ xin ngủ lại ở nhà A-rá, một gia đình nằm ở cuối bản. Trong đêm đó, tự dưng cả ba ruột tượng đầy gạo của ba người không cách mà bay. Tuy dò hỏi chủ nhà nhưng không có kết quả gì lại còn bị ông A-rá vác dao đuổi đi. Trong tình thế đó, ông Từ đã ra lệnh trói A-rá lại và ba người cùng đi gặp trưởng bản để giải quyết vụ việc. Khi quay về thì thấy A-rá đã chết nghẹo cổ bên cây cột. Lúc đó “cả ba anh em sợ quá vội cởi trói khiêng ông vào nhà loay hoay mãi mới biết ông ta chết vì mất máu. Ai đã giết ông ta. Không ai cả. Chính tay bọn tôi. Vì khi trói đã thít dây chặt quá”. [5, tr.244]. Đó là lời thú nhận đầy ăn năn của người đã gây ra cái chết cho một người dân tộc.
Khi còn sống, ông Từ đã âm thầm chịu đựng nỗi dằn vặt này, không dám thổ lộ với bất kỳ một ai “thú ra thì không dám, vả lại thú ra để làm gì” [5, tr.245]. Để rồi khi chết đi, trong giấc mơ của một người xa lạ ông lại dám kể ra tất cả, dám thú nhận tất cả “nhưng mà nuốt nó vào thù không trôi. Nó như cái xương đâm ngang cổ họng, đau xói tới tận óc. Ngày tháng trôi qua vết thương càng thối ra, bốc mùi kinh khủng lắm. Ối ông ơi là ông ơi!” [5, tr.245]. Đó là sự dày vò, cắn rứt lương tâm và hơn hết chính là tiếng kêu của một con người bất lực trước việc thú tội của mình. Qua giấc mơ của bác sĩ Cần, nhà
văn đã cho chúng ta thấy rằng có những điều ẩn sâu trong tâm hồn con người không bao giờ được thể hiện ra bên ngoài, và chỉ trong giấc mơ ta mới bàng hoàng nhận ra một điều gì đó. Giấc mơ chính là tiếng nói thẳm sâu của tâm hồn con người, những điều “khó nói” trong hiện thực đã được giấc mơ nói hộ, những lỗi lầm của quá khứ đã hiện hữu trong mơ.
Những giấc mơ ám ảnh tội lỗi trong quá khứ luôn dày xé, vò nát tâm hồn con người từng ngày, từng giờ. Nếu ông Từ vì giết nhầm một người tốt mà day dứt không nguôi suốt cả cuộc đời thì nhân vật Cổn trong tiểu thuyết này cũng mang trong mình những giằng xé nội tâm, những ám ảnh tội lỗi của quá khứ khiến ta không khỏi xót xa. Trong giấc mơ của bác sĩ Cần, linh hồn của ông Cổn đã liên tục nguyền rủa bản thân và tự nhận mình “là thằng khốn nạn. Đời tôi nhục nhã cay đắng lắm…ông ơi! Tôi chết mà không thể nhắm mắt được, đau cho đời tôi quá…Đau quá ông ơi…” [5, tr.453]. Nỗi ám ảnh đó đã theo ông suốt hai mươi năm qua, trong khoảng thời gian đó ông đã không biết phải làm thế nào ngoài việc cắn răng chịu đựng cho những lầm lỗi trước đây của mình. Ông từng là lính biệt kích do Mỹ huấn luyện để làm tay sai. Với quan điểm lệch lạc “Cộng sản là vô thần diệt đạo. Tao phải làm quỷ dữ để uống máu Cộng sản” [5, tr.618], ông đã lún sâu vào con đường phản cách mạng. Trong một lần nhảy dù xuống để đánh quân ta, cả nhóm ông Cổn đã rơi vào “phục kích” của công an Bắc Việt. Do bất ngờ rơi vào “phục kích” và bị đánh úp nên ông đã bị thương nặng, sau đó chạy vào chùa xin ẩn náu để chữa trị vết thương. Được nhà chùa cưu mang, sau hơn một tháng thì vết thương cũng đã đỡ hẳn. Rời nhà chùa, Cổn được sư cụ tự tay đưa cho cái đãy vải trong đó có nắm cơm và gói thuốc rừng, lại còn cho sư cô Hạnh đi theo dẫn đường. Nhưng vì có dã tâm từ trước nên trên đường đi Cổn “đã hãm hiếp, rồi bóp cổ gần chết sư cô Hạnh cũng là người hơn một tháng trời lau rửa, băng bó vết thương và chăm bẵm cho nó” [5, tr.627]. Một hành động quá tàn nhẫn,
dường như mất hết nhân tính nhưng lúc đó ông vẫn chưa nhận ra được tội lỗi, chỉ đến khi vào tù và sống trong sự cô đơn thì ông mới nhận ra những việc làm sai trái của chính bản thân.
Khi nhìn về quá khứ là để con người ta suy ngẫm, rút ra những bài học cho chính mình. Hay cũng chính là lúc nó làm cho con người trở nên sống chân thật hơn với lòng mình và với mọi người. Dù biết đã quá muộn để chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ nhưng ông Cổn, ông Từ vẫn muốn được giãi bày lòng mình với bác sĩ Cần – một người hoàn toàn xa lạ đối với họ. Điều đó chứng tỏ sự khát khao được chuộc lại những lầm lỗi mà họ đã gây ra ở quá khứ. Phải chăng chính sự lên tiếng trong giấc mơ của những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này chính là lời nhắc nhở đầy ẩn ý mà tác giả dành cho mỗi chúng ta? Hãy đừng bao giờ làm việc gì quá tàn nhẫn đối với đồng loại, bởi vì những việc làm đó có thể không ai biết, nhưng tòa án lương tâm sẽ không thôi phán xét chúng ta.
Những ám ảnh tội lỗi trên hầu hết là do chiến tranh đã buộc con người phải đứng trước những lựa chọn khác nhau. Tưởng rằng sau chiến tranh ai cũng có cuộc sống “hạnh phúc” theo đúng nghĩa của nó, thế nhưng cuộc sống không hoàn toàn là vậy, những gì là “tội lỗi”, là “day dứt” thì không bao giờ quên được, kể cả khi đã không còn trên cõi đời này nữa. Để rồi trong giấc mơ mọi thứ được hiện về rõ nét, chân thực. Khi kể ra những điều mà đáy lòng họ đã chôn chặt bao nhiêu năm thì những con người đó mong muốn linh hồn của mình được siêu thoát.