Kết cấu phân mảnh lồng ghép

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 48 - 51)

6. Bố cục đề tài

3.1. Kết cấu phân mảnh lồng ghép

“Giấc mơ bản thân nó là một hiện tượng phi lôgic, khi đi vào tác phẩm đã tạo nên hiệu quả phân rã cốt truyện, câu chuyện không theo một trật tự tuyến tính mà trôi chảy theo dòng cảm xúc, nhiều khi không có cốt truyện hoặc cốt truyện không nhận ra” [12, tr.71]. Các nhà văn sau 1986 đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kết cấu tác phẩm, trong đó việc sử dụng lối kết cấu phân mảnh, lồng ghép đã tạo nên sự thành công cho rất nhiều tác phẩm, nhất là các tác phẩm viết về giấc mơ.

Nguyễn Đình Chính là một trong những nhà văn tiêu biểu sử dụng rất thành công lối kết cấu này trong tiểu thuyết Đêm thánh nhân. Viết tiểu thuyết này tác giả đã không còn đi theo lối mòn “cổ điển” – một chuỗi liên tục các sự kiện có tính chất lôgic, mà đây là những mảnh vỡ được chắp vá không trọn vẹn theo quá trình thức nhận của lương tri và từ những ám ảnh của cuộc sống. Bằng những câu chuyện không đầu không cuối, chỉ kể theo dòng tâm trạng và những thao thức của tâm linh qua các giấc mơ, nhà văn đã đem đến cho cuốn tiểu thuyết của mình những mảnh ghép “lạ” hết sức hấp dẫn và lôi cuốn.

Trong giấc mơ của bác sĩ Cần, những hình ảnh được lắp ghép không theo một trật tự tuyến tính nào đã nói lên sự hoảng loạn về tinh thần của nhân vật. Bác sĩ Cần đã sống trong ảo giác với những cơn mơ dài triền miên. Đó cũng chính là cuộc phiêu lưu đi tìm lại chính mình với những đớn đau, hoảng loạn. Cuộc hành trình phiêu lưu đã đưa bác sĩ Cần đến rất nhiều nơi, nhiều vùng đất khác nhau của đất nước. Thay vì xác định mục đích, địa điểm rõ ràng cho cuộc hành trình của nhân vật thì Nguyễn Đình Chính đã để cho nhân vật của mình tự tìm nơi đến, điểm dừng chân. Với căn bệnh tâm thần phân liệt nhẹ,

bác sĩ Cần cứ bước đi theo bước chân vô định của mình, ông đã đến những đâu có lẽ ông cũng không nhớ rõ nữa, chỉ biết những nơi đó cách xa nhau.

“Không kết cấu theo lối biên niên tự sự truyền thống, gắn liền với kí ức là những giấc mơ trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai đan xen lẫn lộn làm nổi bật lên những bức tranh tâm lý rối rắm đích thực của các nhân vật từng nếm trải một chặng đường lịch sử đầy gian khổ, đầy tai ương bất ngờ” [12, tr.61]. Đó là lời nhận xét của PGS. TS Nguyễn Trường về tiểu thuyết sau 1986. Và khi soi chiếu vào trong tiểu thuyết Đêm thánh nhân, ta càng thấy rõ điều đó hơn. Giấc mơ của bác sĩ Cần là sự lắp ghép của những mảnh đời, những số phận con người. Trong giấc mơ của mình, lúc thì ông nói chuyện với bà Nhàn trưởng ga Thuận Thiên, khi thì gặp gỡ tướng cướp Thạch, có lúc lại thấy mình đang nói chuyện với ông Từ, ông Cổn, mẹ của Hà,…Những con người này không có bất kỳ một mối quan hệ nào với nhau: không họ hàng thân thích, không làng xóm láng giềng, càng không phải là bạn bè. Nhưng qua các cuộc gặp gỡ và trò chuyện thì ông đã biết được những mảnh đời khác nhau của họ. Số phận của họ đầy đắng cay chua chát nhưng bên trong họ là vẻ đẹp nhân cách, vẻ đẹp về lòng thương yêu con người khiến ta vô cùng cảm phục. Có thể nói việc tổ chức những mảnh tâm trạng của nhân vật trong sự đan xen miệt mài của hồi ức đưa độc giả hòa cùng đời sống những dòng tâm tư bề bộn, trúc trắc, cách quãng là một thành công không nhỏ của Nguyễn Đình Chính. Tính chất toàn tri của nhà văn đã mất hẳn, thay vào đó đời sống cá thể của tâm hồn nhân vật đã được khúc xạ một cách tự nhiên vào thế giới bên trong nó ở những góc hẹp, góc khuất lấp và mờ nhòe của nhân vật. Điều đó đã tạo nên tính cá nhân hóa, tâm linh hóa tưởng chừng khó nắm bắt nhất của con người.

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết ta thấy nhà văn đã không xây dựng cốt truyện theo một trình tự không gian, thời gian nhất quán nào. Tất cả chi tiết đặt lộn

xộn, chồng chéo lên nhau. Không gian có lúc thì rất chật hẹp “Chẳng hiểu làm sao thoắt một cái bác sĩ Cần và cô gái đã đứng trước một ngôi nhà lụp xụp, mái tranh vách đất” [5, tr.250], khi lại rộng lớn mênh mông “cả hai bay là là trên cái nghĩa địa mênh mông lổn nhồn gò mả” [5, tr.251]. Lúc lại thoáng đãng dễ chịu Vào khoảng canh ba, đang ngồi ngả người trong cái ghế mây đong đưa bập bềnh” [5, tr.603]…. Thời gian và không gian trong giấc mơ đa phần là ảo. Trong những khoảng không thời gian của giấc mơ ta rất khó xác định điểm nhìn. Trong suốt cuộc hành trình tìm lại chính mình, bác sĩ Cần đã chìm sâu vào trong những giấc mơ dài vô tận, từ đó làm cho đời sống thực tại được hiện ra ở nhiều cấp độ. Hiện tại, quá khứ, tương lai; thế giới thực, thế giới ảo…nhòe mờ. Cuộc sống như vỡ vụn, biến hóa với muôn mặt khác nhau trong trò chơi rubic, mà người điều khiển không ai khác chính là người kể chuyện với cách xáo tung không thời gian trong quá trình cắt dán, xâu chuỗi các sự kiện. Và cũng chính sự lắp ghép của không gian và thời gian hiện thực, tâm tưởng, hay kỳ ảo đã làm cho hiện thực được rộng hơn, hiện thực tâm hồn con người sâu hơn.

Khi mới nhìn vào ta thấy cả cuốn tiểu thuyết như một mớ hỗn độn, chẳng có gì liên quan, liên kết với nhau nhưng khi đọc và tìm hiểu nó thì ta sẽ nhận ra được đó là một dụng ý nghệ thuật mà tác giả đã khéo léo xây dựng. Nếu câu chuyện được kể lại theo một trật tự nhất định nào đấy thì rõ ràng dụng ý nghệ thuật mà nhà văn muốn gửi gắm sẽ bị “lộ”, bị phát hiện ngay. Và cuộc sống con người trong xã hội sẽ không hiện lên đa dạng nhiều chiều như trong cuốn tiểu thuyết này. Mỗi mảnh vỡ, mỗi mảnh ghép là một mặt của cõi sâu vô thức, nó mà đã tạo ra hiệu quả thẩm mĩ nhất định trong việc đi sâu khám phá thế giới tâm hồn con người.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 48 - 51)