Khát vọng tinh thần

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 38 - 41)

6. Bố cục đề tài

2.2.2. Khát vọng tinh thần

S.Freud đã khẳng định rằng giấc mơ luôn có một ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tinh thần của con người. Trong đời sống tinh thần có những điều tiềm tàng mà chúng ta không hề biết đến nếu không có sự xuất hiện của giấc mơ. Giấc mơ là điều cần thiết cho sự ổn định trạng thái cân bằng tâm linh của con người, giải tỏa những gì phiền muộn hay những gì trong đời sống hiện thực con người không thực hiện được. Vì thế, sử dụng giấc mơ vào trong tiểu thuyết Đêm thánh nhân, Nguyễn Đình Chính đã để cho nhân vật của mình bộc lộ những cảm xúc thật nhất của con người, sống thật nhất với những suy nghĩ, trăn trở của mình. Từ đó, nói lên được cái tâm tư nguyện vọng, khát khao cháy bỏng về những điều gì đó mà ở hiện thực con người không có khả năng thực hiện.

Giấc mơ chính là nơi để đưa ta tới được nguyện vọng, đạt đến những mơ ước mà con người ấp ủ hằng ngày. Và tùy thuộc vào mỗi người mà mơ ước, nguyện vọng đó sẽ mang lại niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn khác nhau. “Có một điều không giải thích nổi là khi bị tật nguyền, khiếm khuyết một điều gì trên thân thể khiến người ta đau khổ, tủi nhục, thì ban đêm người ta hay có những giấc mơ ngược lại rất kỳ lạ. Người mù thì hay mơ mình đã sáng mắt.

Người què cụt thì mơ mình được lành lặn đầy đủ chân tay. Người câm điếc thì mơ mình được nói huyên thuyên như con sáo” [5, tr.38]. Trong cuộc sống này còn nhiều lắm những nỗi đau, những khiếm khuyết mà con người phải chấp nhận. Không phải ai sinh ra cũng lành lặn mọi thứ, cũng khỏe mạnh như nhau. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều người bị tàn tật đã không có khả năng vượt qua những nỗi đau của bản thân để rồi phải nhận lấy những bi kịch thương tâm. Tuy nhiên cũng có những người đã biết vượt lên số phận, vượt lên những mặc cảm để sống tốt hơn, có niềm tin hơn vào ngày mai. Và đặc biệt ở trong giấc mơ, người ta thường đạt được những điều thật kỳ diệu mà cuộc sống thường nhật họ chưa một lần làm được.

Mắc phải một căn bệnh tế nhị của “đàn ông” – căn bệnh này có lẽ còn đau đớn hơn rất nhiều so với những căn bệnh bình thường khác, bởi những đòi hỏi của bản năng không thể thực hiện được thì còn gì bất lực hơn? Trong cuộc sống kể từ khi bị bệnh liệt dương ông chưa một lần được thỏa mãn với nhục dục, nhưng chỉ có trong những giấc mơ thì ông đã thấy mình khỏi bệnh và có đời sống tình cảm như người bình thường. Có lẽ đó là khát khao tinh thần lớn nhất của cuộc đời ông. Và có một điều thật kỳ diệu là ở cuối câu chuyện thì điều ước ấy, khát vọng ấy đã trở thành hiện thực. Hình ảnh bác sĩ Cần và cô gái người Mán gần gũi xác thịt đã cho ta thấy dấu hiệu hoàn toàn khỏi bệnh của bác sĩ Cần. Ta thấy, giấc mơ đã làm được một nhiệm vụ vô cùng thiết thực và cao cả, đã chắp cánh cho mơ ước của con người, đóng vai trò là một phương án giải thoát khỏi những bế tắc, những rào cản trong đời sống hiện thực. Trong giấc mơ con người tha hồ thỏa sức thể hiện những mong muốn, khát vọng mà cuộc sống đời thường rất khó để thực hiện.

Có những con người thật vĩ đại, trong tâm thức họ luôn khát khao cho những người bên cạnh mình được vui vẻ, hạnh phúc. Cô Thương Ơi đã sống một cuộc đời đầy sóng gió, nếm đủ mọi trái đắng trong đời nhưng vẫn có một

tâm hồn trong sáng và cao thượng. Cô luôn sống hết mình cho những người xung quanh, làm những gì có thể để giúp đỡ người khác. Mong muốn lớn nhất của đời cô là đem lại hạnh phúc cho mọi người nhưng cô vẫn chưa làm được điều đó trong thực tại. Có điều nó đã thành hiện thực trong giấc mơ của cô. Thương Ơi đã “mơ thấy ông bác sĩ Trương Vĩnh Cần hớn hở cùng cô Hà váy đỏ bà mẹ già điên dại, ba đứa trẻ con nhếch nhác châu chấu mà cười ré lên, nắm tay nhau chơi trò đèn cù, đèn kéo quân, chạy tít mù quanh nồi cơm to tướng ngào ngạt mùi gạo tám thơm, mùi hương quế ngây ngất cay nồng” [5, tr.727]. Ước mơ của cô Thương Ơi thật nhỏ nhoi nhưng đáng được trân trọng biết nhường nào. Những người nông dân nghèo khổ luôn phải sống trong thiếu thốn đủ điều thì còn ước mơ nào lớn hơn ước mơ được ăn một bữa thật ngon trong sự sum vầy của mọi người. Vậy mà đôi khi trong cuộc sống thực tại lại chưa một lần giúp họ thõa mãn điều đó.

Giấc mơ còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ được bay cao bay xa, là nơi để con người thực hiện những khát vọng đã chôn chặt trong lòng từ lâu. Trong giấc mơ của Mùi cá Ngạnh, hình ảnh cha Tạc “bay thong dong, thư thái, nhẹ nhàng, lâng lâng vì đã giũ bỏ mọi bụi bẩn, đau đớn khổ nhục trần gian. Chẳng bao lâu hồn cha đã nhìn thấy hai cánh cổng chốn thiên đàng hiện lên đỏ rực, mở tung chói lòa, ánh cầu vồng bẩy sắc tỏa hào quang rực rỡ” [5, tr.604]. Điều đó cho thấy chỉ có trong giấc mơ thì ước muốn của con người mới được thực hiện một cách dễ dàng như vậy. Cha Tạc đã hy sinh cả cuộc đời vì những lí tưởng cao đẹp, sống “ép xác” để mong được lên thiên đường. Và rồi trong giấc mơ của người khác, ông đã chạm đến được cái mơ ước đó dù chỉ một lần. Qua giấc mơ, ta thấy hiện lên những khát khao tinh thần cháy bỏng của những kiếp người, những người bị bệnh thì tin và hy vọng vào ngày mai khỏi bệnh, người nghèo khổ thì khát khao một bữa no, còn những người tu hành đạo phật thì ước mơ được lên thiên đường,…

Giấc mơ là một trong những vương quốc mà ở đó vô thức đã tìm cách thỏa mãn những ham muốn của mình. Vì thế giấc mơ xuất hiện với tần suất khá cao trong tiểu thuyết Đêm thánh nhân đã có ý nghĩa và đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong khát vọng tinh thần của nhân vật. Chúng ta đi sâu vào tìm hiểu và giải mã những thông điệp mà giấc mơ đó gửi gắm nhằm hiểu rõ hơn cùng tận tâm hồn của các nhân vật. Biết được những khát khao thầm kín trong lòng họ từ những khát khao nhỏ bé đến những ước muốn lớn lao. Và đó cũng là tiếng nói chung cho tất cả chúng ta khi mà hiện thực còn nhiều điều trong cuộc sống còn bị ẩn khuất, che giấu.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)