Không gian và thời gian tâm tưởng

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 51 - 55)

6. Bố cục đề tài

3.2. Không gian và thời gian tâm tưởng

*Không gian – thời gian “đêm”

Ban đêm mới chính là nơi ngự trị của những giấc mơ. Lúc đó con người chìm sâu vào giấc ngủ thì giấc mơ sẽ thức dậy và hiện hữu. Có lẽ vì thế mà không gian, thời gian đêm đã được nhà văn Nguyễn Đình Chính sử dụng rất nhiều trong tác phẩm của mình. Đêm là khoảng không gian, thời gian thích hợp nhất để con người bộc lộ tâm trạng, phơi bày thế giới vô thức, bởi chính bản thân bóng đêm cũng huyền bí và tối tăm như cõi vô thức. Nhà văn đã gửi nhân vật của mình vào bóng đêm như một miền ma thuật không chỉ là cõi để con người quẫy đạp, quờ quạng mà còn là chốn con người tìm kiếm bản năng trong cõi mờ ảo.

Câu chuyện là một sự chắp nối từ các giấc mơ và cuộc hành trình phiêu lưu không mục đích của bác sĩ Cần. Vì là một chuyến đi không định sẵn cho nên bước chân vô định của ông đã chạm tới rất nhiều nơi, mỗi nơi là một khoảng không gian, thời gian và địa điểm khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là vào ban đêm. Ta có thể thấy lúc thì bác sĩ Cần ngủ ngay trong đêm tại nhà ga Thuận Thiên, ở đó “Bầu trời ảm đạm, xám xịt. Sương mù dày đặc” [5, tr.79], khi thì ngủ ngay trong tù vì bị công an bắt nhầm. Lúc thời tiết thuận lợi thì không sao nhưng cũng có những lúc bác sĩ Cần đã phải chợp mắt trong khoảng không gian “mưa gió, sấm chớp đùng đùng” nhìn thật đáng thương. “Vào một đêm trời mưa to gió giật, sấm chớp đùng đùng, vào khoảng hai ba giờ sáng đang mơ mơ màng màng bác sĩ Trương Vĩnh Cần bỗng thấy có một cái thân người xương xẩu nhẹ bỗng như bấc ngã dịu vào lưng rồi đổ vật ra nền bê-tông” [5, tr.736]. Đó là khoảnh khắc con người ta cảm thấy tủi thân và cô đơn nhất. Hay cũng có lúc ở trong nhà mồ của người Tây Nguyên vào lúc quá nửa đêm, không gian lúc này yên tĩnh, ngoài nấm mồ của ông Cổn và bác sĩ Cần ra thì không còn ai khác. “Trăng lúc này đã lặn nhưng mặt trời vẫn

chưa lên. Rừng núi chìm trong ánh sáng đùng đục lời lợt lùng bùng, vừa đặc lại vừa lỏng. Thứ ánh sáng ấy gần như chỉ thấy trong giấc mơ. Không khí xung quanh im lặng đến rợn người” [5, tr.450]. Trong bóng đêm ấy dù có sự xuất hiện của một chút ánh sáng nhưng vẫn không đủ để làm cho không gian giảm bớt đi sự lặng thinh đến ghê rợn.

Đêm đến cũng chính là khi con người ta phải đối diện với chính mình, trong khoảng không gian rộng lớn mênh mông của đêm tối dễ khiến người ta cảm thấy lạc lõng, cô đơn và hoảng loạn. Bác sĩ Cần đã trải qua những khoảnh khắc đó trong nhiều giấc mơ của mình. Có lúc “nhoáng một cái bác sĩ Trương Vĩnh Cần lại thấy ông đang đứng trơ vơ giữa khoảng đất rộng mênh mông xanh rì cỏ cây hoa lá lao xao um tùm tươi tốt. Ông bác sĩ ngước nhìn lên bầu trời âm âm u u, rồi lại cúi xuống ngó nhìn cảnh vật cây cỏ mơn mởn xa gần xung quanh đang xào xạc chập chờn, mông lung chìm trong một thứ ánh sáng đùng đục bảng lảng như không có thật. Thứ ánh sáng chỉ có thể nhìn thấy trong một thế giới khác, đó là thế giới của những giấc mộng ma mị” [5, tr.634]. Trước những khoảnh khắc của bóng đêm như thế, bác sĩ Cần phân vân, hoang mang, ngơ ngác tự đặt cho mình câu hỏi “lẽ nào ta đang thức dậy trong một giấc mơ?”, và rồi lại tự mình khẳng định “Như vậy là ta đang lạc vào thế giới ảo giác của giấc ngủ hoặc của những cơn đau bệnh lên cơn tâm thần phân lập rồi” [5, tr.634]. Đặt nhân vật trong những khoảng không, thời gian về đêm, nhà văn đã để cho họ tự nhìn lại, tự soi chiếu và nhận ra bản ngã của chính mình.

Không gian, thời gian đêm trở nên đa dạng hơn, mở rộng hơn khi có sự xuất hiện của ánh trăng. Ánh trăng lúc mờ lúc sáng, ánh trăng đã đánh dậy những bản năng vốn bị ám ảnh, che khuất của bác sĩ Cần. “Một mảnh trăng lờ lợ trơn tuồn tuột đang trôi lờ lửng trong đám mây tím ngắt. Ánh trăng đục ngầu, nhiễu nhại tuôn chảy lai láng trên mấy cái nồi đất tròn vo…” [5, tr.219].

Không gian, thời gian đêm cũng là lúc con người gặm nhấm với nỗi cô đơn, niềm khát khao của cuộc sống. Đêm về, qua những giấc mơ, con người ta thường trỗi dậy những ham muốn của bản năng. Cũng có những khi đêm đồng nghĩa với các tội ác, cái xấu xa xuất hiện. Khám phá chiều sâu tâm hồn với bao khuất lấp và ham muốn, Nguyễn Đình Chính đã dùng đêm để phác họa cõi tâm linh trong sâu kín của con người. Nhà văn đã viết nhiều về đêm như thế liệu có dụng ý nào đó hay chăng? Hay chính là để thể hiện cuộc đời đen tối của mỗi nhân vật trong tiểu thuyết mà tiêu biểu nhất là bác sĩ Cần? Trong cõi âm u ấy, cùng với bóng đêm, các nhân vật gần như trỗi dậy ý thức tìm về chính mình. Họ khát khao và mong muốn tột cùng được bước ra khỏi cái bóng đêm mịt mù ấy để kiếm tìm thứ ánh sáng của cuộc đời mà bấy lâu nay họ vẫn chưa tìm ra.

Việc sử dụng không, thời gian đêm dày đặc trong cuốn tiểu thuyết của mình, nhà văn đã đưa con người vào dòng tâm trạng tìm kiếm chính mình trong nỗi cô đơn đặc quánh của bóng đêm. Không, thời gian giấc mơ trong

Đêm thánh nhân của Nguyễn Đình Chính được khắc họa khá đa dạng, phong phú với những cảm giác như lạ lẫm lại như quen thuộc trong tâm tưởng của con người.

* Không gian – thời gian hoài niệm

Yếu tố xác định tác phẩm văn học phụ thuộc vào việc thể hiện không gian, thời gian. Nó chính là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật trong một tác phẩm. Không, gian thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Đêm thánh nhân của nhà văn Nguyễn Đình Chính không chỉ là không, thời gian đời thực, hay không, thời gian về đêm mà còn là không thời gian của những hoài niệm.

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là liên tiếp những giấc mơ, và liên tiếp những giấc mơ đó là những khoảnh khắc tìm về chính mình trong quá khứ. Tác giả đã để nhân vật của mình tự do bộc bạch tâm sự theo sự xáo trộn của

thời gian, không gian theo những mức độ khác nhau. Bác sĩ Cần trong khoảnh khắc cô đơn nhất của cuộc đời đã nhớ lại thời thơ ấu với bao nhiêu kỷ niệm. “Con người ta sinh ra ở đời ai cũng có một mái nhà của tuổi ấu thơ và thường thường mái nhà đó sẽ lơ lửng che mãi trên đầu con người ta cho đến trọn đời, dù đó chỉ là trong tâm tưởng hoài niệm” [5, tr.45]. Để rồi cứ men theo dòng hồi ức đó, ông đã dần nhớ lại những kỷ niệm của chính mình “Cảnh vật xưa cũ tĩnh lặng của một ngôi nhà vừa lạ vừa quen”, “rẽ bên phải là bước qua trò chơi ô ăn quan vẽ nguệch ngoạc bằng gạch non có ba ô nhà giàu và sáu ô nhà nghèo. Rẽ bên trái là bước qua núi qua sông, qua hồ ba bể đắp bằng cát vàng, cát đen, cát trắng,…” [5, tr.46]. Dĩ vãng của tuổi ấu thơ tưởng như đã bị lãng quên, “bị vứt vào sọt rác”, giờ đây lại ngọ nguậy, len lỏi bò vào tim ông khiến ông như một người được chìm vào những cảm giác êm dịu, thanh bình của tuổi thơ.

Qua giấc mơ của bác sĩ Cần, ta còn thấy được quá khứ, ký ức của rất nhiều nhân vật khác. Ở mỗi nhân vật sẽ tương ứng với những khoảng không gian và thời gian hoài niệm khác nhau. Ông Từ đã kể lại với bác sĩ Cần câu chuyện của mình với khoảng thời gian khá lâu rồi “chuyện xảy ra lâu lắm rồi ông bác ạ. Dễ tới hơn ba chục năm rồi. Hồi đó tôi đi bộ đội” [5, tr.243]. Đó là một khoảng thời gian xác định “hơn ba chục năm”. Còn đến với dòng dòng ký ức của bà Nhàn thì không nhớ rõ là thời gian cụ thể là bao nhiêu năm mà chỉ nhớ “Chuyện này bao nhiêu năm khi còn sống tôi vẫn nghĩ sống để bụng chết mang theo. Nhưng bây giờ khi nằm xuống tôi mới biết không thể nào mang theo được” [5, tr.80]. Hay bà mẹ của cô Hà thì nhớ lại và kể với ông bác sĩ về chuyện “hồi xưa” của mình, câu chuyện đó vừa có chút gì đó tự hào nhưng lại vô cùng chua xót. Được diễn ra trong một khoảng không gian thoáng đãng, rộng lớn mênh mông “Hồi xưa tôi đẹp nhất làng Hạ Cầm này đấy. Bao nhiêu đám hỏi mà tôi chẳng ưng ai. Không hiểu sao tôi lại phải lòng

anh thương binh Hào đang nằm an dưỡng ở thôn Thượng Cầm. Một buổi tối, anh Hào hẹn tôi ra sau cái miếu ở giữa cánh đồng Thượng Cầm để nói chuyện”… [5, 251]. Tất cả những con người này đều có số phận thật oái oăm, cay đắng. Họ đã chịu đựng những nỗi đau đó từ rất lâu, để rồi trong giấc mơ của một người xa lạ, họ đã dốc hết nỗi niềm ký ức cất giữ bấy lâu nay. Và theo ký ức tâm trạng của nhân vật thì tất cả các quá khứ đó đã dần dần hiện lên mơ hồ trong giấc mơ nhưng lại phản ánh được hiện thực, tâm hồn con người từ nhiều góc cạnh.

Bằng việc sử dụng các cụm từ chỉ thời gian như “lâu lắm rồi”, “bao nhiêu năm”,…chứ không nói ra một khoảng thời gian cụ thể nào thì tác giả đã tạo nên được sự tò mò, muốn khám phá những câu chuyện đó của độc giả. Những khoảng không gian, thời gian của hoài niệm cứ chập chờn, lúc ẩn lúc hiện đã góp phần làm nên sự hấp dẫn và thành công cho tác phẩm. Vì câu chuyện được kể lại trong giấc mơ cho nên có sự mơ hồ, đứt đoạn trong lời bộc bạch như chính nhân vật vừa muốn nói ra vừa muốn giữa lại cho riêng mình một cái gì đó trong quá khứ. Nhưng nhờ lớp không thời gian hoài niệm mà họ đã tìm lại được chính mình, ngược dòng thời gian quay về kí ức để đối diện với tất cả, để được sống thật với chính mình dù chỉ một lần.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 51 - 55)