Bế tắc trước cuộc sống thực tại

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 28 - 31)

6. Bố cục đề tài

2.1.2. Bế tắc trước cuộc sống thực tại

“Văn chương trước hết là công trình tái tạo cái gì có thực nhưng cuộc sống phũ phàng hằng ngày đã bắt buộc người ta từ chối nó” (Yves Berger) [10, tr.118]. Những gì diễn ra trong cuộc sống đều được văn chương phản ánh một cách chân thực và rõ nét nhất. Văn học sau 1986 cũng đã hoàn thành sứ

mệnh cao cả của mình là đi sâu vào phản ánh cuộc sống của con người sau chiến tranh với bao bộn bề lo toan. Đặc biệt, với việc sử dụng giấc mơ trong sáng tác của mình, các nhà văn đã lột tả hết được những bế tắc trong cuộc sống thực tại mà con người vẫn chưa tìm ra lối đi. Nguyễn Đình Chính đã làm được điều đó, thậm chí làm rất tốt. Bởi qua chuỗi giấc mơ của bác sĩ Cần, cuộc sống với những bế tắc không lối thoát của các tầng lớp xã hội đã được hiện lên ở nhiều góc độ khác nhau.

Trong giấc mơ, ta nhận ra được sự bế tắc trong chính cuộc sống của ông bác sĩ này. Trước hết đó chính là sự bế tắc về đời sống tinh thần, bị bệnh liệt dương khi còn trẻ cho nên những khát khao bản năng luôn thường trực trong ông. Cũng bởi sự ức chế này nên ông đã “hủ hóa” với một cô bé 16 tuổi người dân tộc Tày. Bị đồng nghiệp phát hiện và tố giác, cuộc đời ông từ đó coi như đã “cạn đường sống”. Ông bị án kỷ luật là khai trừ ra khỏi đảng, bị cách chức và đuổi ra khỏi biên chế, và rồi cũng bị vợ bỏ. Từ một con người đang có trong tay tất cả, trong chốc lát lại mất hết tất cả khiến cho nên bác sĩ Cần không khỏi hoảng loạn, đớn đau. Để rồi “ông đã bắt đầu phải tin rằng mình đang mắc căn bệnh tâm thần hoang tưởng ảo mộng, chỉ còn có khả năng lo sợ, kinh hãi, hối hận, tự phỉ nhổ kinh tởm mình, chứ không còn khả năng ngạc nhiên khinh bạc căm thù đối với xung quanh” [5, tr.350]. Vì cú sốc quá lớn đó, ông đã bị bệnh tâm thần phân liệt. Cuộc sống tiếp theo của con người này sẽ ra sao khi mà mọi thứ đã vỡ tan hết? Đây là dấu chấm hỏi lớn đặt ngang giữa cuộc đời của ông bác sĩ Cần nói riêng và của rất nhiều người nói chung khi mà xã hội đang còn quá nhiều bất cập.

Còn cuộc đời của bà Nhàn cũng không suôn sẻ hơn là bao, lấy chồng được mấy hôm thì phải xa chồng rồi trở thành vợ liệt sĩ (1960). Bà là Đảng viên gương mẫu tiết liệt đoan trinh, thừa ba đảm đang, ba sẵn sàng. Nhưng vì có thai với đứa cháu thương phế binh mà bà đã bị hạ tầng công tác xuống làm

trưởng ga xép Thuận Thiên. Từ đó là những tháng ngày bà phải sống lùi lũi một mình trong sự cô đơn của cuộc đời. Cuộc sống của bà từ đó rơi vào khủng hoảng và bế tắc, cho đến khi chết đi vẫn không thể nào thoát ra được sự bế tắc đó.

Khi cuộc sống của con người rơi vào tình trạng túng quẫn, bế tắc thì người ta thường tin vào một điều gì đó như tin vào Đạo, Phật,… Thế nhưng, qua cuốn tiểu thuyết này, ta đã ngạc nhiên vô cùng khi hình ảnh của cha Tạc – người truyền đạo cho mọi người cũng không thể nào thoát ra được những bế tắc trước cuộc sống thực tại. Thiết nghĩ nếu không có sự xuất hiện giấc mơ của cha Tạc thì ta không thể nào biết được khát khao bản năng mà cha vẫn hằng ngày ấp ủ, giấu kín. Ý thức được mình là một con người làm gương cho rất nhiều người nên cha buộc lòng mình phải “ép xác” để rồi trong giấc mơ, sự thực của những khát khao bản năng lại hiện về vẹn nguyên, không gì có thể che đậy được. Sự bế tắc của cuộc sống mà cha Tạc đang gặp phải không chỉ là của một mình cha mà còn là của hàng nghìn cha đạo khác nữa. Bởi đơn giản họ cũng là một trong những con người của cuộc sống đời thường. Họ cũng cần lắm sự thỏa mãn của bản năng trong chính cuộc sống đó. Khi vì một lí do nào đó mà không thể thỏa mãn được thì rõ ràng nó sẽ rơi vào một bế tắc, một sự cùng quẫn. Và trong giấc mơ nó đã hiện về để lên tiếng.

Viết về sự bế tắc của một số nhân vật nhưng tác giả đã thể hiện được sự bế tắc của rất nhiều người trong xã hội. Cuộc sống mới với những đổi thay đã khiến con người trong xã hội chao đảo và khó có thể bắt nhịp được với thời đại. Từ đó gây ra những bế tắc, túng quẫn và khiến con người phải hoang mang trước cuộc sống đời thường. Qua giấc mơ, con người đã dám nói lên tiếng nói của mình, dám đối diện với những gì phũ phàng nhất của sự thật để biết được cuộc đời này còn nhiều lắm những điều phải lo, phải nghĩ.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 28 - 31)