Hóa giải những mâu thuẫn trong thế giới nội cảm con người

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 41 - 45)

6. Bố cục đề tài

2.3.1. Hóa giải những mâu thuẫn trong thế giới nội cảm con người

Giấc mơ là thế giới vô thức nhưng nó vẫn là sự tiếp nối của những gì xảy ra trong ngày, là sâu thẳm của hồn người, có mối quan hệ gần gũi với đời sống thực tại. Giấc mơ không chỉ đơn thuần là ước muốn bản năng hay hình thức giải tỏa dồn nén, mà như S.Freud đã khẳng định “thực ra thì ta phải thấy rằng đằng sau những mặt tiền xấu xí này đã che giấu những phản ứng Tâm lí đối với những ấn tượng phải được xem xét nghiêm chỉnh, thậm chí mang đầy vẻ u buồn về cuộc đời…” [10, tr.270]. Vì vậy, đi vào tìm hiểu giấc mơ cũng chính là đi sâu vào khám phá và hóa giải những mâu thuẫn trong thế giới nội cảm của con người.

“Linh hồn ta còn bí ẩn hơn đêm

Ta không thấu nữa là ai thấu rõ”.

(Xuân Diệu)

Chỉ với hai câu thơ những Xuân Diệu đã thể hiện được những trăn trở của chính mỗi con người chúng ta. Đúng vậy! Tâm hồn con người thường có những ẩn khuất và bị chìm sâu vào quên lãng bởi sự kiểm duyệt sát sao của ý thức. Tuy nhiên, chỉ có một nơi chúng ta có thể soi chiếu được mình đó là

giấc mơ. Trong giấc mơ thì tất cả lại được bộc lộ một cách rõ nét khiến ta thấu hiểu sâu sắc, kể cả những con người luôn sống trong lặng im, ít khi thể hiện ra bên ngoài.

Trong chuỗi giấc mơ của bác sĩ Cần, ta nghe rất rõ tiếng đập từ trái tim và tâm hồn của nhiều nhân vật, ta cảm nhận được nỗi đau quằn quại trong ký ức của từng người và biết sẻ chia, biết cảm thông với những nỗi đau của họ. Ta chợt nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của những con người bị xã hội ruồng bỏ, khinh thường. Họ là những con người có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống nhưng lại chứa đựng những giằng xé nội tâm. Đó là những mâu thuẫn trong thế giới tâm hồn với rất nhiều lo âu trăn trở.

Qua giấc mơ, ta ngạc nhiên vô cùng khi thấy Thạch gà gáy – một tướng cướp khét tiếng, anh đã giết không biết bao nhiêu tính mạng con người, lại gây nên vô số tội lớn nhưng vẫn luôn có một lòng hướng về mẹ và thương mẹ vô cùng. Khi chưa bị bắt, dù bị công an ngày đêm truy lùng, theo dõi sát sao nhưng anh vẫn cố gắng về nhà trong ngày giỗ mẹ để thắp lên bàn thờ cho mẹ nén hương. Còn khi bị bắt, bị đưa đi xử bắn thì linh hồn anh đã hiện về trong giấc mơ khóc than và cầu xin bác sĩ Cần “Hãy thắp cho mẹ tôi một nén nhang” [5, tr.140]. Điều này chứng tỏ trong lòng anh có những khúc mắc, những trăn trở mà thường ngày không ai hiểu được. Đó chính là những mâu thuẫn luôn giằng xé trong thế giới nội tâm của anh. Chỉ với hành động hạ mình để khóc lóc, van xin người khác thay mình thắp hương cho mẹ trong giấc mơ đã làm cho chúng ta hiểu được tấm lòng hiếu thảo, tình yêu thương mẹ vô bờ bến của một tướng cướp. Thay vì lên án một kẻ đã gây ra nhiều tội ác thì ta cảm thấy cảm thương và muốn được chia sẻ với những nỗi đau trong tâm can của họ.

Giấc mơ còn là nơi để cho tiếng nói của lương tâm con người thức dậy và khơi gợi những gì nhân bản nhất. Không có nó ta không biết được nỗi đau

trước tội lỗi của ông Từ (giết nhầm một người tốt) hay ông Cổn (đã gây ra nhiều tội lỗi trước đây). Trong tâm thức ta thấy họ luôn khát khao được sửa chữa, được “chuộc” lại những lỗi lầm đó và họ cũng cần lắm sự tha thứ của người đời. Tất cả những suy nghĩ đó cứ quẩn quanh thường trực trong thẳm sâu tâm can họ cho đến lúc chết đi vẫn không thôi. Chính giấc mơ đã giúp chúng ta hiểu được những mâu thuẫn trong tâm hồn của những con người đó. Khi còn sống, chưa một lần ông Từ, ông Cổn giãi bày với ai việc mình đã gây ra. Họ cứ sống trong lặng im để tự dày vò, dằn vặt mình đến nỗi phát bệnh. Thiết nghĩ nếu không có giấc mơ thì làm sao ta có thể biết được bi kịch tinh thần suốt mấy chục năm trời của các ông? Giấc mơ đã hóa giải giúp ta điều đó và nó cũng đã gián tiếp giúp linh hồn ông Từ, ông Cổn được siêu thoát.

Phụ nữ chính là những con người mang trong mình nhiều bi kịch, nhiều nỗi đau hơn cả. Trong tiểu thuyết này ta bắt gặp khá nhiều hình ảnh người phụ nữ hiện lên với những nỗi đau riêng. Bà Nhàn đã phải sống trong nỗi đau, sự nhục nhã suốt đời vì một lần “lầm lỡ” làm theo bản năng. Chỉ với một lần thôi cũng đã khiến bà phải trả giá suốt cả cuộc đời. Tòa án lương tâm không lúc nào thôi xét xử bà nhưng làm sao bà có thể giải bày cùng ai khi mà có những lúc bà cũng không hiểu nổi mình. Những mâu thuẫn trong tâm hồn bà cứ ngày đêm giằng xé và gặm nhấm như vậy khiến cho bà không thể nào thoát ra được khỏi cái “bóng” của mình. Để rồi khi chết đi mà linh hồn không siêu thoát được, chỉ có trong giấc mơ thì nỗi đau đó mới được nói ra và hành động đó cũng chỉ cầu mong cho linh hồn được thanh thản nơi suối vàng “ông ơi, nỗi đau này còn nặng nề hơn tảng đá. Lâu nay tôi chỉ cắn răng chịu một mình. Tôi vẫn tự nhủ thầm, thôi thì cứ ráng chịu khi nào chết sẽ mang nó theo mồ. Nhưng khi chết thì tôi bỗng hiểu rằng tôi đã lầm rồi. Tôi không thể nào mang nỗi đau, nỗi nhục này xuống dưới mộ, vì ông ơi hồn người ta mong manh như khói sương, mà khói sương thì làm sao cõng được tảng đá ngàn cân

hả ông” [5, tr.454]. Trong giấc mơ, con người nói lên những lời rất chân thành và tội nghiệp, đó cũng chính là những mâu thuẫn luôn giằng xé trong thế giới tâm hồn của họ bấy lâu nay bị giấu kín, bị chôn chặt bởi những định kiến xã hội quá khắt khe.

Lắng nghe, hiểu thấu và luôn biết sẻ chia những điều từ người khác nhưng có lẽ ít ai có thể biết được những nghĩ suy và khát vọng của bác sĩ Cần. Qua những giấc mơ dài triền miên, có khi bác sĩ Cần đã giật mình nghĩ lại những gì ở quá khứ, để rồi lại cảm thấy buồn miên man. Có những đêm dài trằn trọc không ngủ vì nghĩ đến căn bệnh quái ác cứ hành hạ, bắt mình phải chịu những thiệt thòi trong cuộc sống. Ước mong lớn nhất của ông là được khỏi bệnh. Bởi với một con người một lúc mắc phải hai căn bệnh thì sao lại không đau, không buồn? Và rồi chính giấc mơ đã đưa ông đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người xa lạ nhằm giúp ông nguôi ngoai đi những đớn đau trong lòng. Cuộc sống đôi lúc như một phép màu, thường thì căn bệnh tâm thần phân liệt của ông bác sĩ Cần nếu càng đi nhiều càng nặng hơn nhưng trong cuốn tiểu thuyết này lại không phải thế, sau những chuyến phiêu lưu vô tận đó ông đã tìm lại được chính mình và hoàn toàn khỏi bệnh. Nhà văn đã giúp con người tin tưởng vào cuộc sống này hơn, tin vào quan niệm “ở hiền” thì ắt sẽ gặp được điều tốt đẹp mà cuộc đời ban tặng.

Giấc mơ đã giúp chúng ta hóa giải được những mâu thuẫn luôn giằng xé trong tâm hồn của con người. Qua giấc mơ, chúng ta hiểu thêm về cuộc đời, số phận của mỗi nhân vật trong truyện, họ chính là những người đại diện cho các tầng lớp thấp nhất của xã hội. Dù gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống, dù phải chất chứa nhiều mâu thuẫn trong lòng nhưng họ vẫn biết dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG LUẬN văn (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)