6. Bố cục đề tài
2.2.1. Khát vọng tính dục
Văn chương chính là một trong những phương tiện để con người bày tỏ lòng mình. Trên thực tế, không có gì thuộc về con người lại xa lại với văn chương, kể cả vấn đề nhảy cảm nhất đó là tính dục. Tính dục giữ một vai trò không nhỏ trong cuộc sống của chúng ta. Ở đó những ham muốn của nó mang ý nghĩa tinh thần lớn lao.
Đã có rất nhiều nhà văn hiện đại mạnh dạn đưa yếu tố giấc mơ tính dục vào trong tác phẩm của mình và tiêu biểu là nhà văn Nguyễn Đình Chính với tiểu thuyết Đêm thánh nhân. Với những giấc mơ tính dục của nhân vật, Nguyễn Đình Chính đã chạm đến tận cùng cá tính của mình và hoàn thành sứ mệnh cao cả của nhà văn vì con người. Ông đã cởi bỏ bức bình phong bên ngoài lâu nay che đậy của con người, với bao ẩm ức, ham muốn bản năng. Nhân vật bản năng trong cuốn tiểu thuyết này đã hiện ra trần trụi, thực thụ bằng da bằng thịt vốn có. Họ cần lắm những con người của cuộc sống bình
thường, con người cần lắm những nỗi riêng tư để trăn trở, để thể hiện nguyện vọng bản năng trong nhu cầu đời sống tình cảm. Bởi “cuộc sống dù có thế nào thì ta vẫn phải sống, phải vận động. Sự thật và khát vọng của con người để có được dân chủ và tự do vẫn luôn là một vận động rất mạnh mẽ. Nó cũng như mặt trời, đến lúc thì nó phải lên” (Võ Thị Hảo).
Trong cuốn tiểu thuyết Đêm thánh nhân có đến năm lần giấc mơ tình dục của các nhân vật xuất hiện. Điều đó chứng tỏ tần suất xuất hiện của nó là rất lớn, hầu như trong giấc mơ nào cũng có đề cập đến vấn đề nhạy cảm này. Freud cho rằng mọi người thường mơ về những điều mà họ thực sự muốn có nhưng bản thân lại không thể thực hiện được. Điều này không sai khi nói về nhân vật bác sĩ Cần, ông là một con người luôn mặc cảm bởi căn bệnh liệt dương của mình. Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của một người đàn ông khi không còn có thể thực hiện được những khao khát của bản năng. Vì thực tế phũ phàng và nghiệt ngã như vậy nên ông chỉ còn cách là thỏa mãn những ham muốn, những khát vọng thiết thực đó trong giấc mơ hằng đêm. Ông mơ được làm tình với một cô gái dân tộc Tày chưa đủ tuổi vị thành niên nhưng lại rất giỏi trong vấn đề nhạy cảm này. “Từ khi bị liệt dương thỉnh thoảng ông vẫn nằm mơ thấy mình đã khỏi bệnh hoàn toàn và đang làm tình với một cô gái rất xinh, rất trẻ vẫn tự xưng là vận động viên bóng bàn… đôi khi cô vận động viên bóng bàn đó lại đến ngủ với ông trong mơ. Và chỉ một mình cô gái đó thôi, lặp đi lặp lại nhiều lần chứ không phải là một người đàn bà nào khác” [5, tr.39]. Hay có lần ông còn mơ thấy gần gũi với cô con gái của người bạn đồng nghiệp cũ tên là Thương Ơi. Lúc đó “đầu óc ông muốn nổ tung và tê dại đi khi hai tay ông vươn ra, vồ lấy cái thân thể trần truồng trắng lốp trơn tuồn tuột của cô gái. Vật lộn, giằng xé, gào thét, giãy giụa như một con chó đực dày vò một con chó cái. Cuối cùng thì ông cũng đã đè ngửa được người con gái ra cái sân gạch bẩn thỉu, ướt tanh nồng mùi rêu non. Và trong cơn khoái
cảm tột độ mù lòa, ông vẫn còn cảm nhận được rất rõ tiếng động đùng đục kỳ lạ của sự xâm nhập chiếm hữu” [5, tr.220]. Và khi ở trên đảo Vượn vàng, ông bác sĩ này cũng đã có một giấc mơ thật kinh dị là thấy mình biến thành một con vượn vàng đực, còn bà Mẫn thì biến thành một con vượn vàng cái. Cũng trong giấc mơ đó ông thấy mình “nhắm tịt mắt lại, hai chân hai tay ông càng quặp chặt lấy cái thân thể trần truồng căng mẩy mông của bà Mẫn” [5, tr.654]. Phải chăng đó là một hành vi “thủ dâm” quen thuộc trong giấc ngủ của những kẻ bị liệt dương như ông? Rõ ràng, đó không đơn thuần chỉ là hành động thủ dâm của những người mắc bệnh liệt dương, mà hơn hết giấc mơ là khao khát cháy bỏng của một người không có khả năng để làm được điều mà bản năng đòi hỏi khi nó trỗi dậy mạnh mẽ. Giấc mơ chính là sự giải thoát tâm hồn, nhờ giấc mơ mà con người có thể thỏa mãn được một phần nào đó những dồn nén trong thế giới tâm hồn của mình.
Trong giấc mơ, ngoài việc thể hiện khao khát bản năng bị dồn nén của mình, bác sĩ Cần còn là người biết lắng nghe và cảm thông với những khát vọng chính đáng của người khác. Bởi hơn ai hết, họ là những người cùng cảnh ngộ, những người bất hạnh trong cuộc sống nói chung và cuộc sống tình dục nói riêng. Với khát vọng bản năng, bà Nhàn đã quẫy đạp, chiến đấu với ham muốn, với vô thức để làm một việc “động trời” đó là quan hệ với Tuấn – một người cháu bị tàn tật do chiến tranh. Khi biết cháu mình tiến lại gần chiếc giường của bà để thực hiện hành động nào đó thì “thay vì nhảy xuống đất, tôi đã dang cả hai tay ôm gọn Tuấn vào lòng, rồi kéo cháu nằm vật xuống giường. Và trước khi gần như ngất lịm đi vì những cảm xúc quái lạ, điên cuồng không thể diễn tả được, tôi mới nhận ra cả người Tuấn lúc đó trần truồn không một mảnh vải…” [5, tr.100]. Những dục vọng bị dồn ép không chịu nằm yên trong vô thức mãi mãi, trái lại chúng chỉ chờ đợi có cơ hội thuận tiện khi ý thức canh gác lỏng lẻo của phần người để vượt khỏi vô thức.
Hành động bột phát ấy của bà Nhàn là một phản xạ rất tự nhiên, điều ấy thể hiện được chiều sâu, chiều rộng và chiều cao của tâm hồn con người. Khát vọng đó hoàn toàn đáng thương của một người phụ nữ “đã lấy chồng được bảy ngày và đâu như được ân ái năm lần. Nhưng tất cả những lần ân ái ấy đều vớ vẩn, đều là trò trẻ con” [5, tr.99]. Ngoài ra, quãng đời còn lại của bà là cuộc sống cô độc một mình. Bà Nhàn hiện về trong giấc mơ của bác sĩ Cần đã cho ta thấy đó không chỉ là nỗi đau của một người vợ mà còn là nỗi đau cho số phận con người phải sống đơn côi khi trong mình vẫn còn nhiều khát khao của bản năng. Chúng ta thiết nghĩ khi mà xã hội vẫn còn nhiều định kiến thì cái thuộc về bản năng ấy luôn được người phụ nữ chôn chặt trong lòng và nó chỉ trở về, quẫy đạp trong giấc mơ. Bởi giấc mơ chính là tiếng nói từ thẳm sâu trong tâm hồn con người.
Cuốn tiểu thuyết đề cập đến khá nhiều mảnh đời của con người trong xã hội, nhưng dù là con người đó có là một trí thức, một người nông dân bình thường hay thậm chí là một “cha đạo” thì cuộc sống tình dục của họ vẫn được thể hiện một cách khá mạnh dạn trong những giấc mơ. Nếu trong cuộc sống đời thường, những con người ấy cứ cố gắng tạo cho mình một lớp vỏ bọc rất kín đáo thì ngược lại trong những giấc mơ, khát khao bản năng của họ lại trỗi dậy mạnh mẽ. Bởi hơn ai hết, họ cũng là những con người bằng da, bằng thịt. Cha Tạc làm một công việc mà một số người xem là “thanh cao” – nghề truyền đạo cho mọi người. Có lẽ vì ý thức được sứ mệnh cao cả của một người cha truyền đạo nên đã từ lâu lắm rồi ông đã thờ ơ với đời sống tình cảm bản năng của mình. Nhưng đó cũng là bất đắc dĩ thôi, và lâu nay cũng thành thói quen phải cam chịu như đang ép xác. Để rồi trong giấc mơ, mọi thứ lại được trở về đúng bản chất của nó. Lúc đầu cha mơ thấy mình hóa thành một lão già, sau đó hóa thành một con chó đực đẹp trai hùng dũng với “bốn chân cứng như thép, dưới bụng tòi ra một cái vòi ấm sành cong queo đen đúa nứt
toác”, “Con chó đực là cha Tạc ấy đang hí hởn vầy vò, tung hứng, nô nghịch một khúc xương tổ bố, và quái dị thay đầu khúc xương đó lại trồi ra một cặp mông thiếu nữ cong tếu tròn vo thơm phức” [5, tr.517].
Nguyễn Đình Chính đã thể hiện khát vọng tính dục của con người với lối viết trần trụi, cụ thể hóa những ham muốn bản năng của con người thông qua giấc mơ, các nhân vật của ông đã vượt thác, “lệch chuyển” ra ngoài số phận, bi kịch cá nhân để cất tiếng nói cho cả một thời đại, một thời kì lịch sử và và cả một xã hội loài người. Đó chính là vấn đề nhân bản nhất mà tác giả đã làm được trong tiểu thuyết này.