Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện nam đàn, tỉnh nghệ an (Trang 54 - 59)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Nam Đàn

4.1.1. Điều kiện tự nhiên

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Huyện Nam Đàn nằm ở hạ lưu sông Lam. Kéo dài từ 180 34’ đến 180 47’ vĩ bắc và trải rộng từ 1050 24’ đến 1050 37’ kinh đông. Vị trí địa lý như sau:

Nam giáp huyện Đức Thọ và Hương Sơn - Hà Tĩnh; Bắc giáp Nghi Lộc và Đô Lương - Nghệ An;

Tây giáp Thanh Chương và Đô Lương - Nghệ An; Đông giáp Hưng Nguyên - Nghệ An.

Huyện lỵ của Nam Đàn là Thị trấn Nam Đàn, cách Thành phố Vinh 21 km về phía tây. Nam Đàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua địa bàn huyện như quốc lộ 46, quốc lộ 15A, sông Lam, sông Đào, cùng với hệ thống đường liên huyện, liên xã, liên thôn cơ bản đã được cứng hóa tạo thành mạng lưới giao thông của huyện khá hoàn chỉnh, thuận lợi cho việc lưu thông giữa huyện với Thành phố Vinh và các huyện phụ cận. Là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, Nam Đàn được xác định là vùng trọng điểm phát triển du lịch cùng với Vinh - Cửa Lò tạo thành tam giác phát triển du lịch của Nghệ An.

4.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Nam Đàn nằm giữa hai dãy núi Đại Huệ ở phía Bắc và dãy núi Thiên Nhẫn ở phía Tây tạo ra thung lũng, đồng bằng hình tam giác, có sông Lam chảy dọc theo hướng Bắc Nam, chia huyện thành 2 vùng, đó là tả ngạn và hữu ngạn sông Lam. Địa hình của huyện Nam Đàn có 2 loại chính: đồng bằng và đồi núi.

- Địa hình đồng bằng: có độ dốc < 80, độ cao trung bình khoảng 10 - 20 m so với mực nước biển và được phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Lam, sông Đào. Phần lớn diện tích đất ở đây được khai thác để sản xuất nông nghiệp. Cây trồng chính là cây lúa nước, các loại cây lương thực, cây trồng hàng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Bảng 4.1. Bảng số liệu phân cấp độ dốc huyện Nam Đàn

Số TT Phân cấp độ dốc Diện tích (ha) Tỷ lệ (%)

1 < 80 19071,38 64,76

2 8 - 150 2101,91 7,15

3 15 - 250 2143,21 7,29

4 > 250 6118,01 20,80

Tổng diện tích điều tra 29.399,38 100,00

- Địa hình đồi núi:

+ Địa hình đồi núi thấp, có độ chia cắt trung bình, lượn sóng, độ dốc trung bình khoảng 8 - 150, hướng dốc không ổn định. Độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 120 - 150 m, đất đai ở vùng này được trồng chủ yếu các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày.

+ Địa hình đồi núi cao: gồm khu vực sườn phía Nam dãy núi Đại Huệ và khu vực sườn phía Đông bắc dãy núi Thiên Nhẫn. Địa hình bị chia cắt mạnh, có độ dốc >250, đất đai ở đây chủ yếu trồng rừng.

4.1.1.3. Khí hậu

Thời tiết và khí hậu của huyện Nam Đàn tương đối khắc nghiệt. Do nằm trong vùng khí hậu chuyển tiếp, vừa mang đặc tính mùa đông lạnh của khí hậu miền Bắc, vừa mang đặc tính nắng nóng của khí hậu miền Nam nên có hai mùa rõ rệt: Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ bình quân 23,90C, mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ bình quân 19,90C, tháng 7 nhiệt độ có thể lên tới 400C. Tổng số giờ nắng trung bình trong năm là 1.637 giờ. Độ ẩm không khí bình quân năm 86%, tháng có độ ẩm cao nhất vào tháng 1, 2, đạt > 90%, tháng có độ ẩm không khí thấp nhất vào tháng 7, chỉ đạt 74%.

Lượng mưa trung bình năm 1944,3 mm, phân bố không đồng đều, mưa từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10 gây úng ngập cục bộ ở các xã vùng thấp. Từ tháng 1 đến tháng 4 lượng mưa chiếm khoảng 10% lượng mưa cả năm, gây khô hạn cho các khu đất chân cao. Lượng bốc hơi bình quân năm là 943 mm/năm. Lượng bốc hơi lớn nhất từ tháng 6 đến tháng 8, đạt khoảng 140 mm. Tháng có lượng bốc hơi nhỏ nhất thường vào tháng 2, chỉ đạt khoảng 30 mm. Có hai hướng gió chính, đó là: gió mùa Đông Nam (tháng 4 - tháng 10) và gió mùa Đông Bắc (tháng 11 - tháng 3 năm sau). Trong các tháng 5, 6, 7 thường có gió Tây khô nóng,

mỗi năm có khoảng 4 - 6 đợt gây ảnh hưởng rất xấu cho sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp.

4.1.1.4. Thuỷ văn

Chế độ thuỷ văn của huyện chịu ảnh hưởng chính của các sông: Sông Lam, sông Đào, đây là nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của huyện Nam Đàn. Ngoài ra huyện còn có trên 40 hồ đập chứa nước, với trữ lượng khoảng 10,5 triệu m3 có thể cung cấp nước tưới cho khoảng 71% diện tích đất canh tác.

4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên

a. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản của huyện Nam Đàn không nhiều cả về chủng loại và số lượng, hiện chỉ có khai thác cát sỏi ở sông Lam, sản xuất vật liệu xây dựng có ở Nam Thái; khai thác Đá granit, Riolit, phiến thạch sét ở dãy núi Đại Huệ và Thiên Nhẫn có trữ lượng lớn, song hiện nay chỉ mới khai thác được số lượng rất nhỏ tại xã Nam Giang. Ngoài ra, Nam Đàn có mỏ mangan ở dãy núi Thiên Nhẫn, mỏ QuắcZit ở Nam Anh (Đại Huệ), tuy nhiên trữ lượng không lớn.

b. Tài nguyên đất

Nam Đàn có 13 loại đất, được chia thành 5 nhóm như sau:

- Nhóm cát thô ven sông: có diện tích 380 ha, chiếm 1,3% tổng diện tích toàn huyện, phân bố rải rác ở các xã ven sông Lam. Bãi cát thô chỉ phù hợp cho khai thác làm vật liệu xây dựng. Một số diện tích cát mịn có thể trồng các loại cây như dưa hấu, bí đỏ…

- Nhóm đất phù sa: có diện tích 12.979 ha, chiếm 44,45% diện tích toàn huyện. Nhóm này có 5 loại đất chính, gồm: đất phù sa được bồi hàng, đất phù sa không được bồi, đất phù sa Glây, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng, đất phù sa úng nước. Các loại đất này có nguồn gốc phù sa, thành phần cơ giới cát pha hoặc thịt nhẹ, ít chua hoặc chua vừa (pH= 4,5 - 5), nghèo mùn, đạm, lân, kaly. Phần lớn diện tích này được sử dụng trồng lúa nước 2 vụ, trồng ngô và nuôi cá.

- Nhóm đất xám bạc màu: có diện tích 2.666 ha, chiếm 9,13% diện tích toàn huyện. Nhóm này có 3 loại đất chính: đất xám trên phù sa cổ, đất xám bạc màu trên phù sa cổ, đất xám bạc màu. Nhóm đất này có thành phần cơ giới cát pha, cấu tượng rời rạc, do bị rửa trôi nên bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng. Với loại đất này, phần

lớn diện tích được trồng 2 vụ lúa và trồng các loại cây ngắn ngày.

- Nhóm đất đỏ vàng: có diện tích 12.596 ha, chiếm 38,28% diện tích toàn huyện. Nhóm này có 3 loại đất chính: Đất đỏ vàng trên đá sét, phần lớn diện tích có độ dốc cao, tầng đất mỏng, thích hợp cho trồng rừng và cây ăn quả. Đất đỏ vàng trên đá Macma axit, tầng mỏng đất mỏng, chỉ phù hợp trồng rừng. Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước, đất có thành phần cơ giới nhẹ, phản ứng chua, nghèo các chất dinh dưỡng, chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu đỗ.

- Các loại đất khác còn lại 577 ha, chiếm 1,98% diện tích.

c. Tài nguyên nước

Huyện Nam Đàn có nguồn nước dồi dào. Sông Lam với diện tích lưu vực 23.000 km2 chảy qua địa phận Nam Đàn dài 16km, đổ ra biển Đông, là nguồn nước dồi dào quanh năm. Lưu lượng dòng chảy bình quân trong năm 21,9 l/s.km2, phân bố không đều trong năm. Tháng có lưu lượng dòng chảy lớn nhất là tháng 9, thường gấp 5-6 lần lưu lượng trung bình trong năm. Vào mùa kiệt, mức nước tại Cống Nam Đàn là + 1,05m. Ngoài ra trong huyện còn có 2 con kênh lớn là kênh Thấp (sông Đào) và kênh Lam Trà và một số con suối nhỏ có nước quanh năm.

Nam Đàn có hơn 40 hồ đập lớn, nhỏ, trữ lượng hơn 19 triệu m3 nước. Tất cả các con sông và hồ đập tạo thành nguồn nước phong phú, cơ bản đáp ứng yêu cầu dùng nước trong huyện. Tuy nhiên do cao trình đất canh tác bình quân +2 đến +2,5 nên phần lớn diện tích canh tác đều phải tưới bằng các trạm bơm điện. Một số ít diện tích tưới bằng tự chảy của các hồ đập. Mặt khác do lượng mưa phân bố không đều trong năm nên một số diện tích thuộc các xã Nam Anh, Nam Thanh, Vân Diên, Xuân Hoà, Nam Xuân, Nam Giang, Nam Cát và các xã Hữu ngạn sông Lam như Khánh Sơn, Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường, Nam Kim do địa hình thấp trũng nên thường bị ngập lụt.

Theo kết quả điều tra, Nam Đàn nằm trong phức hệ chứa nước vỉa, lỗ hổng, vỉa khe núi các trầm tích lục nguyên xen phun trào. Trữ lượng nước ngầm vào ở mức trung bình, độ sâu bình quân 8 – 12m, vùng đồi núi có nơi hơn 20m.

d. Tài nguyên rừng

Nam Đàn hiện có 7146,14 ha đất lâm nghiệp, chiếm 24,47% tổng diện tích tự nhiên (đất rừng sản xuất là 4.046,80 ha; rừng đặc dụng là 3.099,34 ha). Rừng

Nam Đàn chủ yếu là thông nhựa, tập trung chính ở dãy núi Đại Huệ và dãy núi Thiên Nhẫn. Rừng ở đây cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng hộ môi trường và tạo cảnh quan cho các di tích lịch sử văn hóa. Cùng với các hồ đập dọc các chân núi, rừng đã tạo nên nhiều cảnh quan đẹp phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái.

e. Các loại tài nguyên khác

Huyện Nam Đàn có 105 di tích lịch sử, trong đó có 20 di tích cấp Quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh, phân bố trên cả 24 xã, thị trấn. Các cụm di tích nổi tiếng như: khu di tích LSVH Kim Liên (gồm quê nội, quê ngoại Bác Hồ, núi Chung, đình làng Sen, các chùa trên núi Chung, khu mộ cụ Hoàng Thị Loan, cụ Hà Thị Hy…), cụm di tích lịch sử vua Mai (gồm lăng, miếu, mộ, đền thờ vua Mai và mộ mẹ vua Mai), khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, khu lưu niệm nhà cách mạng tiền bối Lê Hồng Sơn, Thành Lục Niên và mộ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, chùa Đức Sơn, đền Nhãn Tháp, đền Giáp Cả…

Nam Đàn là vùng đất địa linh, nhân kiệt, sản sinh ra các danh nhân Việt Nam như Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, là quê hương của 38 vị đại khoa Việt Nam. Con người nơi đây vốn cần cù chịu khó, đức độ, sáng tạo, với bản chất vốn có giàu truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết.

4.1.1.6. Thực trạng môi trường

Hiện nay cảnh quan thiên nhiên của huyện đã bị tác động mạnh mẽ, môi trường đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp, nạn chặt phá rừng, quá trình đô thị hóa và du lịch, sản xuất nông nghiệp... Môi trường nước bị ô nhiễm nhẹ do nước thải các khu dân cư, các công trình vệ sinh phần lớn là tự chảy, tự thấm, nước thấm từ các bãi rác không được qua xử lý gây ô nhiễm mạch nước ngầm ở tầng nông, đồng thời việc thu gom các loại rác sinh hoạt không triệt để cũng dẫn đến sự ô nhiễm môi trường đất. Môi trường không khí cũng chịu ảnh hưởng do hoạt động sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, các chất ô nhiễm từ các cụm công nghiệp thải ra, các hoạt động giao thông vận tải đã sản sinh ra các chất ô nhiễm như bụi, CO2... hơi xăng dầu và tiếng ồn.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp việc sử dụng các loại hoá chất như phân hoá học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ... cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất và phá vỡ cân bằng sinh thái tự nhiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện nam đàn, tỉnh nghệ an (Trang 54 - 59)